Quốc tế 26/03/2014 13:16

Trung Quốc: Dân đổ xô gửi tiền "ảo", ngân hàng cầu cứu

FICA - Dịch vụ gửi tiền trên mạng bùng nổ mạnh ở Trung Quốc gần đây được ví như “ma cà rồng hút máu”, đe dọa nguồn tiền gửi giá rẻ của các ngân hàng lớn buộc họ phải cầu cứu đến cơ quan điều tiết.

Dịch vụ gửi tiền ảo qua mạng được khởi xướng cách đây 9 tháng bởi công ty thanh toán trực tuyến Alipay thuộc tập đoàn Alibaba. Nhờ cách thức sử dụng đơn giản thông qua một số thao tác trên điện thoại thông minh, dịch vụ này đã thu hút được 81 triệu khách hàng gửi tiền (nhiều hơn cả dân số của Đức) khi những người này muốn lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.


Không giống dịch vụ ngân hàng đòi hỏi giao dịch trong giờ hành chính và thậm chí mất hơn 1 ngày để hoàn tất, dịch vụ tiền gửi này không yêu cầu mức gửi tối thiểu, không kèm đòi hỏi về thời gian, cho phép khách hàng chuyển tiền hoặc rút tiền khỏi tài khoản 24/24 giờ hàng ngày.

Theo Tân Hoa xã, tính đến ngày 28/2, tổng lượng tiền gửi bằng dịch vụ này đã vượt 500 tỷ nhân dân tệ (80 tỷ USD), gấp đôi con số Alipay công bố hồi giữa tháng 1. Hiện có ít nhất 6 công ty công nghệ khác cũng cho ra loại hình dịch vụ này trong đó có Baidu và Tencent với lãi suất lên tới 10%. Điều này đe dọa sẽ hút ngay càng nhiều lượng tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng Trung Quốc.


Lãnh đạo các ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc trong khi đó không thể làm gì để ngăn chặn dòng tiền giá rẻ chảy ra khỏi hệ thống bởi lãi suất tiền gửi do chính phủ quy định ở mức 0,35%. Họ buộc kêu cứu, đề nghị cơ quan điều tiết kiểm soát dịch vụ này với lý do những rủi ro liên quan tới an ninh tài khoản, biến động lợi suất và quản lý thanh khoản có thể đe dọa sự ổn định tài chính của Trung Quốc.


Các ngân hàng quốc doanh của nước này đang mất dần thị phần trong quản lý số tiền gửi lên đến 48 nghìn tỷ nhân dân tệ của các hộ gia đình. Theo số liệu của ngân hàng trung ương Trung Quốc, tính đến ngày 31/1, 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc nắm 50,8% tổng tiền gửi bằng nhân dân tệ của các hộ gia đình, giảm so với 52% cùng kỳ năm trước, và 55% năm 2012. Trong nhiều thập kỷ qua, nguồn tiền gửi giá rẻ giúp các ngân hàng Trung Quốc thu về lợi nhuận cao trong khi vẫn có thể cấp các khoản vay khổng lồ cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như chính quyền địa phương.


Yang Kaisheng, nguyên chủ tịch Ngân hàng Công thương Trung Quốc và nay là cố vấn Ủy ban điều tiết ngân hàng Trung Quốc nói: “Sự ra đời của loại hình gửi tiền qua mạng là không thể tránh khỏi ở Trung Quốc bởi nó phục vụ dân thường tốt hơn, tuy nhiên bất cứ ai tham gia dịch vụ tài chính bất kể trực tuyến hay ngoại tuyến, đều phải tuân thủ các quy định. Nằm ngoài tầm kiểm soát quá lâu thì nguy cơ gây bất ổn tài chính càng tăng mạnh”.


Chủ tịch ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Zhang Jianguo đề nghị các công ty internet nếu muốn cung cấp các dịch vụ tài chính cần phải có giấy phép hoạt động ngân hàng.


Các nhà hoạch định chính sách, quan chức ngân hàng và quan chức chính phủ cũng kêu gọi củng cố hơn nữa các quy định để bảo vệ người dùng và hạn chế rủi ro của loại hình gửi tiền qua mạng, trong đó có giải pháp cơ quan điều tiết ngân hàng Trung Quốc sẽ vào cuộc để quản lý.


Trong một động thái nhằm kiểm soát dịch vụ gửi tiền trên mạng, ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm 14/3 đã bác kế hoạch cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng, thanh toán bằng tiền ảo có tên gọi Quick Response của Alipay và Tencent.


Ngân hàng Nông nghiệp trung Quốc trong khi đó lập một nhóm nghiên cứu chiến lược mở dịch vụ gửi tiền trên mạng và dự kiến sẽ sớm ra mắt sản phẩm của riêng mình. Một số ngân hàng do lo ngại rủi ro về thanh khoản có thể sẵn sàng trả lãi cao hơn cho các khoản tiền gửi có thể thương lượng, đây là khoản không tính vào khoản dự trữ 20% theo quy định của ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Phương Linh
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *