Quốc tế 08/11/2014 08:21

Triều Tiên xuất khẩu lao động không lãnh lương qua Qatar

Hàng ngàn công nhân CHDCND Triều Tiên xuất khẩu lao động nhưng hầu như không được lãnh lương tại Qatar, nơi đang xây những công trình phục vụ giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2022.

Theo các công nhân và người bỏ trốn Triều Tiên, từng công nhân hầu như không được lãnh lương trong thời gian xuất khẩu lao động 3 năm tại Qatar.

Các công nhân này đều kỳ vọng sẽ có một khoản thu nhập kha khá khi trở về quê hương Triều Tiên, nhưng theo lời các chuyên gia và người bỏ trốn được Guardian dẫn lại, họ chỉ nhận được 10 % nguồn thu nhập khi về nước, một số công nhân chẳng lãnh được đồng nào.

Một công nhân Triều Tiên xuất khẩu lao động và hiện làm tại một công trình xây dựng ở trung tâm Doha nói với tờ Guardian: “Chúng tôi đến đây làm việc để kiếm ngoại tệ cho tổ quốc”.

Triều Tiên hiện dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, đang bị quốc tế cấm vận do tham vọng theo đuổi các chương trình hạt nhân.

Vì thế, ngoại tệ có được từ nguồn nhân lực lao động xuất khẩu là công cụ cần thiết để Triều Tiên vực dậy nền kinh tế suy thoái trầm trọng.
 
Tại các công trình xây dựng vốn sẽ trở thành thành phố Lusail (trị giá 45 tỉ USD), nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup 2022, 4 công trình được cho là sử dụng lao động Triều Tiên, dù không có thông tin họ tham gia xây các sân vận động World Cup.
 

Tại công trình nọ, lao động Triều Tiên chống chọi cát sa mạc và cái nóng hầm hập, lo xây dựng một tháp chung cư cao cấp. Họ làm việc từ lúc ngày chuyển qua đêm, thật lâu sau khi công nhân các nước khác tan ca.

Một lao động Triều Tiên cho biết: “Chúng tôi không thường được trả công. Tiền không về thẳng tay chúng tôi. Lãnh tiền không phải việc của chúng tôi, mà là của công ty tuyển dụng nhân công Triều Tiên”.

Giám đốc dự án của công trình này nói lao động Triều Tiên xuất khẩu lao động “không có lấy một cắc trong người” và “họ vay chúng tôi khi mua những thứ lặt vặt như thuốc lá”.

Các nguồn tin ở Qatar của báo Guardian nêu: có lẽ khoảng 3.000 lao động Triều Tiên đang làm việc tại nhiều dự án ở nước này. Họ thuộc nguồn lao động xuất khẩu đến khắp thế giới của chế độ Bình Nhưỡng nhằm kiếm số ngoại tệ cần thiết.
 
Theo những nhóm người bỏ trốn, có khoảng 65.000 người Triều Tiên xuất khẩu lao động, chủ yếu làm việc ở Nga, Trung Quốc, Mông Cổ và Trung Đông.
 

Kim Joo-il, một cựu sĩ quan quân đội Triều Tiên trốn khỏi nước này năm 2005, ước tính Bình Nhưỡng thu 70% lương của lao động Triều Tiên ở nước ngoài, và sau khi bị tính “phí” mua thức ăn, hàng tiêu dùng cơ bản, người lao động chỉ nhận được 10% mức lương.

Hai nhân viên của hai công ty tuyển dụng lao động (thuộc nhà nước Triều Tiên) ở Qatar thừa nhận: công nhân không lãnh lương, nhưng nhấn mạnh một phần lương của họ được gửi cho gia đình của họ ở Triều Tiên.
 
Cách đối xử với người lao động nhập khẩu của Qatar đã bị “soi”, khi nước này tăng tốc chuẩn bị tổ chức World Cup 2022, sau khi báo Guardian hồi năm ngoái công bố những vụ ngược đãi, những cái chết của người lao động nhập cư.
 
Hồi tháng 5.2014, Qatar công bố nhiều thay đổi để cải thiện cuộc sống và điều kiện làm việc cho lao động nhập khẩu.
 

Người phát ngôn Bộ Lao động-xã hội Qatar nói: “Chúng tôi cực kỳ nghiêm túc khi nắm bắt từng vấn đề liên quan nguồn thu nhập của người lao động. Hiện có 2.800 lao động Triều Tiên tại Qatar, và chúng tôi chưa hề nghe họ phàn nàn lời nào về tiền lương, cách họ được đối xử”.

Bộ này cũng “quyết tâm tiếp tục cải thiện điều kiện lao động cho tất cả công nhân đang làm việc tại Qatar, và sẽ phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp cùng các chính phủ khác để hoàn thành mục tiêu này”.

 
Theo Mai Hà 
Một thế giới/Guardian
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *