Quốc tế 28/06/2018 06:56

Triều Tiên xây lại nền kinh tế tốn 63 tỷ USD, Hàn Quốc hưởng lợi

Trong ngắn hạn, việc xây lại nền kinh tế Triều Tiên sẽ kích cầu cho các công ty Hàn Quốc thuộc lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng. Về trung hạn, Hàn Quốc có thể sử dụng cơ sở hạ tầng được cải thiện để khám phá các cơ hội như thăm dò khai thác mỏ ở miền Bắc.

Mọi người đi lại trên một quảng trường bên ngoài ga đường sắt trung tâm ở Bình Nhưỡng vào ngày 12/6/2018. (Nguồn: Ed Jones | AFP | Getty Images)
Mọi người đi lại trên một quảng trường bên ngoài ga đường sắt trung tâm ở Bình Nhưỡng vào ngày 12/6/2018. (Nguồn: Ed Jones | AFP | Getty Images)

Theo CNBC, việc xây dựng lại nền kinh tế Bắc Triều Tiên có thể tiêu tốn hàng tỷ USD không gây ngạc nhiên cho các chuyên gia. Nhưng Hàn Quốc sẽ sẵn sàng đầu tư bao nhiêu, và được hưởng lợi bao nhiêu từ tiềm năng kinh tế của Triều Tiên thì không ai có thể đoán trước được.

Trong cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trọng tâm đã hướng tới việc có thể xây dựng lại nền kinh tế bị cô lập của Triều Tiên hay không.

Nhưng việc tái thiết đất nước bị trừng phạt bởi lệnh cấm vận và phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc sẽ không dễ dàng.

Trên thực tế, các nhà phân tích và kinh tế tại Citi ước tính chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng của Bắc Hàn có thể đạt mức 63,1 tỷ USD (tương đương hơn 1.434 nghìn tỷ đồng).

“Nếu các hội nghị gần đây dẫn đến việc mở cửa nền kinh tế Bắc Triều Tiên, chúng tôi ước tính sẽ cần 63,1 tỷ USD trong dài hạn để xây dựng lại giao thông và cơ sở hạ tầng gồm đường sắt, đường bộ, sân bay, cảng biển, nhà máy điện, mỏ, các nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn khí”, các nhà phân tích của Citi, đứng đầu bởi Kim Jin Wook cho biết.

Cụ thể, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ở Bắc Triều Tiên sẽ vào khoảng 24,1 tỷ USD cho 28 dự án đường sắt, 22,8 tỷ USD cho 33 dự án đường bộ và 16 dự án nhà máy điện có giá khoảng 10 tỷ USD. Chi phí ngay lập tức để thực hiện các dự án xây dựng lại như vậy sẽ là 11,6 tỷ USD, các nhà phân tích cho biết thêm.

Hiện nay, Hàn Quốc muốn tạo ra các liên kết hòa bình với “người anh em” đã bị chia cắt từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang hồi đầu năm là một bước tiến tới các mối quan hệ tốt hơn.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến thống nhất nào cũng đều không rõ ràng và đầy chướng ngại vật.

Về toàn cầu, các mối quan hệ cũng được cải thiện. Một hội nghị thượng đỉnh gần đây giữa ông Trump và ông Kim báo hiệu rằng nền kinh tế Triều Tiên có thể được phục hồi với toàn cầu nếu nước này cam kết không dùng bom hạt nhân.

Việc xây dựng lại Bắc Triều Tiên có thể liên quan đến các nước láng giềng bao gồm cả Hàn Quốc, trong ngắn hạn sẽ kích cầu cho các công ty Hàn Quốc, đặc biệt là những công ty thuộc lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng.

Về trung hạn, Hàn Quốc có thể sử dụng cơ sở hạ tầng được cải thiện để khám phá các cơ hội như thăm dò khai thác mỏ ở miền Bắc.

Đáng nói, các nhà phân tích cho biết thêm rằng, Hàn Quốc có thể giúp tài trợ cho việc xây dựng lại, sử dụng các nguồn lực công cộng, bao gồm các ngân hàng chính sách Nhà nước và quỹ đa bên của Triều Tiên để tài trợ cho đầu tư của mình.

Lý do khiến Bắc Triều Tiên nghèo khó cần nguồn chi cho cơ sở hạ tầng phần lớn là do sự cô lập và trừng phạt kinh tế đã hạn chế thương mại và đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bắc Hàn cũng dành rất ít chi phí cho cơ sở hạ tầng, thay vào đó, nước này bỏ tiền chi tiêu cho quân sự. Nước này được báo cáo là có tỷ lệ chi tiêu quân sự cao nhất so với GDP (23% trong giai đoạn 2005-2015) trên thế giới.

Hồng Vân

Theo CNBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *