Quốc tế 14/05/2015 07:30

Tranh bán khí đốt sang châu Âu: Mỹ "nói xấu" Nga

Một phái đoàn của Mỹ đã tới Hy Lạp nhằm đàm phán về một đường ống truyền khí đốt sang châu Âu, thay thế cho Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ của Nga.

Mỹ thông báo vừa đạt được thành công trong việc thuyết phục Hy Lạp đồng ý tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt từ biển Caspian qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu, thay thế cho dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ của Nga.

 

Theo đó, Mỹ đã cử một đoàn đám phán của Bộ Ngoại giao nước này, dẫn đầu là ông Amos Hochstein, sang Hy Lạp đàm phán về các vấn đề liên quan tới năng lượng. Theo thông tin từ đoàn đám phán phía Mỹ, hai bên "đã đạt được nhiều đồng thuận hơn là bất đồng".

 

"Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ không hề tồn tại," ông Hochstein nói, ám chỉ tới đề xuất đường ống dẫn khí sang châu Âu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ của Nga. "Chẳng có bên nào đứng ra xây dựng nó, chẳng có thoả thuận nào đạt được... Trong khi đó, cần phải tập trung vào những điều thực tế hơn. Chúng tôi đã đạt được đồng thuận trong dự án của mình và Hy Lạp đã đồng ý."

 

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã "dụ dỗ" Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với kế hoạch xây dựng Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, đường truyền dẫn khí đốt từ Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga sang châu Âu, có lộ trình từ biển Đen tới châu Âu, đi qua Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hoà Macedonia, Serbia và Hungary. Kế hoạch này nếu trở thành sự thực sẽ là "chiếc phao cứu sinh" đối với một Hy Lạp đang vùng vẫy trong khủng hoảng, ngân khố cạn kiệt. Theo những gì truyền thông đưa tin, khoản tiền Nga sẽ chuyển trước cho Hy Lạp có thể lên tới 5 tỉ USD.

 

Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (màu xanh). Nguồn: Internet
Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (màu xanh). Nguồn: Internet
 

Mỹ đã thường xuyên thúc giục Hy Lạp tham gia đường ống xuyên biển Adriatic (Trans-Adriatic Pipeline, TAP), đoạn nối dài của đường ống đi qua Anatolian, Thổ Nhĩ Kỳ (Trans-Anatolian Pipeline TANAP) sẽ chuyển khí đốt từ vùng biển Caspian (ngoài khơi Azerbaijan) đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Albani trước khi tới Italia từ vùng biển Adriatic.

 

Đường ống truyền dẫn khí đốt Trans-Adriatic Pipeline - TAP (màu đỏ). Nguồn: Internet
Đường ống truyền dẫn khí đốt Trans-Adriatic Pipeline - TAP (màu đỏ). Nguồn: Internet

Trong một phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp Nikos Kotzias cho biết, kế hoạch đường ống dẫn khí đốt với Nga có thể mang lại cho Hy Lạp hàng tỉ USD. Nhưng vướng mắc nằm ở chỗ, chưa hề có một thoả thuận nào đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về đường ống sẽ đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ này.

 

Mới đây vào ngày 7/5, Tổng thống Nga Putin và Thủ thướng Hy Lạp Tsipras đã có cuộc trao đổi qua điện thoại bàn về dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Và sau đó, phía Hy Lạp, vốn rất lạc quan về nguồn năng lượng dồi dào của mình, cho biết nước này đã sẵn sàng tham gia vào dự án nếu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đi đến thoả thuận.

 

Trong chuyến làm việc tại Athens, đại diện phía Mỹ, ông Hochstein đã cố gắng thuyết phục chính phủ Hy Lạp rằng nước này có thể tận dụng được nguồn năng lượng dồi dào của mình. "Đa dạng hoá chính là con đường tốt nhất để tạo được nguồn cung ổn định," ông này nói. "Điều này đồng nghĩa với việc cần phải có khí đốt từ những nguồn khác, ngoài Nga, nhằm tạo ra sự cạnh tranh."

 

Phái đoàn của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng đa dạng hoá nguồn cung và cạnh tranh sẽ giúp cải thiện an ninh năng lượng tại châu Âu.

 

"Nguồn cung mới, cách thức mới, lộ trình mới. Không nên để một quốc gia nào đó thống trị hạ tầng và sản xuất khí đốt, điều này cần được thực hiện bởi nhiều công ty, nhiều tổ chức, nhiều quốc gia khác nhau. Không ai có thể dùng nó (khí đốt) để làm công cụ đàm phán, gây sức ép đối với các quốc gia khác." ông Hochstein nói. 

 

Cũng theo ông này, thì trên thực tế, Nga không phải là muốn giúp Hy Lạp để nước này có thể giải quyết tình trạng nợ nần. Trả lời phỏng vấn tờ The New York Times, ông Hochstein khẳng định Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một dự án về kinh tế, nó đơn thuần là con bài chính trị của Nga.

 

Tất nhiên, không chỉ có Nga nhìn những đường ống dẫn khí đốt này thông qua lăng kính chính trị. Mỹ đương nhiên cũng không chỉ đơn thuần cho rằng TAP sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của châu Âu và khí đốt tới từ Nga. Mỹ còn đang nỗ lực củng cố những đồng minh của Khối quân sự bắc Đại Tây Dương - NATO tại bán đảo Balkan, cũng như hạn chế tầm ảnh hưởng của Nga lên khu vực này, nơi mà hai cường quốc Nga - Mỹ từ lâu đã luôn đối đầu nhằm giành quyền ảnh hưởng.

 

Theo Trang Kiều

Đất Việt

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *