Quốc tế 03/08/2019 16:25

Tiền mặt của Trung Quốc: Có đủ để giữ Đông Timor ra khỏi Asean?

Asean lo sợ sự viện trợ của Trung Quốc để cải thiện nền kinh tế Đông Timor, có thể là một con bài nhằm chen chân vào khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh tình hình biển Đông đang căng thẳng.

 

Các cậu bé chơi gần một bến cảng ở Dili, Đông Timor. Ảnh: AFP

 

Để gia nhập Asean, quốc gia trẻ nhất Đông Nam Á này cần cải thiện nền kinh tế, nhưng, trong việc cải thiện nền kinh tế với sự giúp đỡ của Trung Quốc, liệu Đông Timor có cơ hội để gia nhập Asean?

Khi bắt đầu xây dựng cảng nước sâu ở Đông Timor trị giá 490 triệu USD, mọi thứ đã diễn ra với một tiếng nổ - theo đúng nghĩa đen.

Chính phủ đã phải từ bỏ quy định về các vụ nổ để nhà thầu Trung Quốc có thể làm nổ tung một mỏ đá ở vịnh Tibar, cách thủ đô Dili, Đông Timor 10km về phía tây và triển khai một dự án nhằm tăng cường liên kết thương mại giữa quốc gia trẻ nhất Đông Nam Á này với khu vực.

Đôi khi, những vụ nổ vào giữa tháng Bảy là một dấu hiệu của sức mạnh, một dấu ấn thực tế rằng nền kinh tế lớn nhất châu Á đã và đang giúp phát triển một trong những nước láng giềng nhỏ nhất và nghèo nhất. Bên cạnh đó, là một lời nhắc nhở lớn về tương lai của quốc gia trẻ này.

Cảng Tibar Bay, được thiết kế để xử lý 750.000 container hàng hóa mỗi năm, nằm trong số 20 dự án đang được xây dựng bởi các công ty nhà nước Trung Quốc tại nước này.  Đông Timor đã nhờ Trung Quốc để giúp phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng - hai điểm yếu trong quá khứ đã ngăn cản họ tham gia diễn đàn đa phương hàng đầu khu vực, Asean (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á).

Quốc gia này đã hy vọng gia nhập khối kể từ khi giành được độc lập từ Indonesia vào năm 2002, làm đơn xin gia nhập chính thức vào năm 2011, và ngày nay là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không phải là thành viên của Asean. Việc tham gia này không chỉ thúc đẩy cơ hội giao dịch mà còn tượng trưng cho quốc gia 17 tuổi, sắp đến tuổi trưởng thành - từ một quốc gia bị chiếm đóng trở thành người chơi trong khu vực.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng với việc xoay vòng sang Trung Quốc, Đông Timor có thể đã đưa ra một lý do nữa để Asean loại trừ nước này. Trước đây, những quốc gia ở Hiệp hội - nhất là Singapore - đã đề nghị quốc gia này cải thiện nền kinh tế và cơ sở hạ tầng nếu muốn gia nhập khối. Bây giờ, khi đã có cơ sở hạ tầng, Asean lại sợ thành viên thứ 11 của mình có thể trở thành một con ngựa thành Troy của Trung Quốc nếu gia nhập Asean.

Tất cả những điều đó khiến Đông Timor gặp thế tiến thoái lưỡng nan: để gia nhập Asean, đất nước cần phải cải thiện nền kinh tế, nhưng, việc cải thiện nền kinh tế [nhờ vào Trung Quốc], có thể gây khó khăn cho cơ hội gia nhập Asean.

Con ngựa thành Troy?

Đại sứ Trung Quốc tại Đông Timor, Xiao Jianguo, người tham dự buổi lễ khai thác đá, đã làm giảm bớt nỗi sợ hãi, khi ông nói “Bắc Kinh là một người hàng xóm tốt, một người bạn tốt và một đối tác tốt”.

Đại sứ nói, “Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ Đông Timor về đào tạo nguồn nhân lực và phát triển cơ sở vật chất để có thể tham gia vào Asean, thỏa mãn nguyện vọng của Đông Timor.”

Ông nói thêm rằng “Việc gia nhập vào các khu vực Asean, sẽ giúp tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Asean”

Các nhà phân tích cho rằng những bình luận như vậy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở một số quốc gia thành viên Asean, những người sợ rằng việc thừa nhận một quốc gia được Trung Quốc ủng hộ sẽ gây ảnh hưởng tới kinh tế và chính trị của khối.

Theo Maria Ortuoste, một nhà phân tích trước đây làm việc cho Philippines, cho biết “khối Asean vẫn đang cảnh giác với sự chia rẽ do các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, như là việc hội nghị thượng đỉnh Asean đã bị trì hoãn vì Campuchia và Lào - dường như chịu ảnh hưởng của Trung Quốc - đã gây khó khăn cho Hiệp hội”

“Trung Quốc đã không ngại uốn éo và luồn lách”. Ortuoste nói, hiện là phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học bang California.

Cần giúp đỡ

Nền kinh tế Đông Timor đang cần sự giúp đỡ, không còn nghi ngờ gì nữa. Cho đến năm 2015, doanh thu từ dầu khí đã thúc đẩy nền kinh tế, nhưng hiện nay, mọi thứ không còn nữa khi quốc gia này không đủ vốn đầu tư để tiếp tục khai thác.

Trên hết, dân số của đất nước này là một trong những nhóm trẻ nhất trên thế giới - độ tuổi trung bình của 1,3 triệu người là 19 và một con số ước tính đưa ra tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 40%.

Với những vấn đề như vậy, việc Đông Timor tìm kiếm đầu tư từ phía Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng.  

Nguồn viện trợ từ Trung Quốc

Trung Quốc đã giúp đỡ Đông Timor rất nhiều, từ các cơ sở quân sự và chính phủ cho đến xây dựng phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông chính của toàn quốc gia. Đông Timor hiện được cho là đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc khai thác tài nguyên dầu khí, nguồn thu nhập chính của nước này.

Cựu tổng thống Jose Ramos-Horta nói với tờ South China Morning Post vào tháng 11 rằng, Trung Quốc đã tặng Đông Timor các tòa nhà quốc gia, tòa nhà của bộ quốc phòng  và văn phòng tổng thống, đồng thời đã cung cấp các khoản tài trợ hàng triệu đô la cho quốc gia này về cơ sở hạ tầng. Đông Timor được chấp nhận là thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Bắc Kinh hậu thuẫn năm 2017.

Tòa nhà Chính phủ của Đông Timor ở thủ đô Dili. Ảnh: AFP

Đại sứ Indonesia, Sahat Sitorus nói với tờ Jakarta Post trong tháng này, rằng trong khi đất nước của ông vẫn là nhà đầu tư lớn ở Đông Timor, các công ty Trung Quốc gần đây đã đưa ra đề nghị về các dự án cơ sở hạ tầng cho Đông Timor mà các công ty Indonesia không thể sánh được.

Và đang có những dấu hiệu, Đông Timor cũng đang ngày càng tiến gần hơn tới Trung Quốc, với việc quốc gia này sẽ tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc phát triển cảng biển 1 tỷ đô la Mỹ ở thành phố ven biển phía nam Beaço.

Làm như vậy, đại sứ Indonesia cảnh báo, sẽ có nguy cơ đất nước này trở thành Sri Lanka ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng các khoản nợ, gia hạn các khoản vay mà họ biết rằng quốc gia này không thể trả được - để kiểm soát cảng biển Hambantota. “Nếu Trung Quốc muốn mở rộng, không ai có thể ngăn họ xây dựng căn cứ quân sự ở cảng biển Beaço, Đông Timor” ông Sahat nói.

Một kịch bản như vậy sẽ đưa Asean vào một câu đố của riêng mình. Nếu Đông Timor trở thành thành viên thứ 11 của khối, quốc gia này có nguy cơ đem đến tình huống mà Asean lo ngại nhất: sự mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.

Thùy Dung

Theo Scmp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *