Quốc tế 21/12/2019 06:27

Tiền "bốc hơi" khỏi Trung Quốc mạnh chưa từng thấy

Trung Quốc đang ra sức ngăn dòng tiền “bốc hơi” khỏi nước này trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tuy đã hạ nhiệt song chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Tiền bốc hơi khỏi Trung Quốc mạnh chưa từng thấy - 1

Dòng vốn bốc hơi mạnh khỏi Trung Quốc. (Ảnh minh họa: CNBC)

Trong một báo cáo công bố hồi tháng 10 năm nay, ông Gene Ma, trưởng bộ phận nghiên cứu thuộc Viện Tài chính quốc tế (IIF), cho biết khoảng 74 tỷ USD đã rời khỏi Trung Quốc thông qua các kênh điều tiết trong nửa đầu năm nay. Đây là con số thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo trên, dòng vốn bốc hơi khỏi Trung Quốc qua các kênh không chính thống ước tính lên kỷ lục 131 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019. Dòng vốn luân chuyển qua các kênh này có thể ví dụ như tuyên bố đầu tư ở nước ngoài song - một khoản đầu tư không có thật, hay huy động người thân, bạn bè rút ngoại tệ khỏi ngân hàng.

Hiện giới chức Trung Quốc đang ra sức để tránh lặp lại kịch bản xảy ra với thị trường tài chính của nước này cách đây 4 năm khi dự trữ tiền tệ của Trung Quốc bốc hơi gần 250 tỷ USD.

Cơ quan quản lý ngoại hối quốc gia Trung Quốc (SAFE) hôm 15/12 cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất của họ trong năm tới là ngăn chặn các rủi ro tài chính lớn, tránh dòng vốn “bất thường” chảy ra nước ngoài và ngăn chặn các hoạt động giao dịch bất hợp pháp.

“Chúng ta cần phải đối mặt với một cuộc chiến quan trọng để ngăn chặn các rủi ro tài chính, duy trì ổn định thị trường”, thông cáo của SAFE nhấn mạnh.

Thực tế, cơ quan này đã bắt đầu ngăn chặn tình trạng dòng vốn bốc hơi. Tháng 11 năm nay, SAFE đã phạt công ty thanh toán trực tuyến Chinabank Payments 4,2 triệu USD, khoản phạt lớn nhất từ trước đến nay, vì chuyển tiền ra nước ngoài. SAFE không nêu rõ số tiền mà Chinabank Payments đã chuyển ra nước ngoài, song nó được cho là lên tới hàng chục triệu Nhân dân tệ bởi Trung Quốc tính mức phạt dựa trên số tiền giao dịch vi phạm quy định.

Đầu tháng này, một khách hàng của Bank of China đã rút 50.000 USD khỏi tài khoản ngân hàng chỉ trong vòng 1 tuần. SAFE đã phạt ngân hàng này gần 6.000 USD vì vi phạm quy định về hạn mức rút ngoại tệ trong thời gian ngắn.

“Việc kiểm soát dòng vốn đang ngày càng chặt chẽ”, Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis, cho biết.

Sở dĩ tốc độ dòng vốn bốc hơi khỏi Trung Quốc có chiều hướng gia tăng do các lo ngại về tình hình kinh tế của nước này trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm và những tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ - Trung.

Để đối phó tác động từ việc Mỹ tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ giá Nhân dân tệ. Kể từ khi thương chiến nổ ra hồi giữa năm ngoái, Nhân dân tệ đã giảm 12% so với đôla Mỹ. Nội tệ mất giá làm tăng nguy cơ người dân chuyển tiền ra nước ngoài và động thái này tiếp tục khiến Nhân dân tệ suy yếu hơn nữa.

Cũng theo chuyên gia Herrero, việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi thương chiến cũng làm tăng nguy cơ dòng vốn bốc hơi khỏi nước này.

Tuần trước, giới chức Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đã đạt được thỏa thuận “Giai đoạn 1” nhằm hướng tới chấm dứt chiến tranh thương mại. Tuy vậy, thông tin này dường như vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn sức ép lên thị trường tài chính Trung Quốc. Chuyên gia Herrero cho rằng, Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ lại phá giá nội tệ nếu thỏa thuận không được ký kết thực sự hay bị hủy bỏ hoàn toàn.

Minh Phương
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *