Quốc tế 22/11/2014 20:30

Thủ tướng Shinzo Abe đỡ thế nào trước cú sốc kinh tế?

Sự suy giảm tăng trưởng trong quý 3 của Nhật vừa được công bố đã thực sự giáng một đòn mạnh vào chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng được Thủ tướng Shinzo Abe khởi động cách đây hai năm.

Nhiều nỗi lo cho Thủ tướng Shinzo Abe

Sau hai năm triển khai rầm rộ, đã đến lúc nội các chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abebước vào giai đoạn quan trọng nhất để chứng tỏ cho khu vực và thế giới thấy rằng, Nhật Bản có thực sự đủ khả năng để tạo nên một bước nhảy vọt đánh dấu sự trỗi dậy của cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này hay không.

Khác với sự suy giảm tăng trưởng trong quý 2 khi GDP của Nhật giảm 7,3% vốn được đánh giá là một giai đoạn trầm cần thiết sau gần hai năm kích thích kinh tế một cách liên tục, sự suy giảm tăng trưởng 1,6% trong quý 3 năm 2014 đã thực sự là một hồi chuông cảnh báo. 
 
Sự suy giảm tăng trưởng trong hai quý liên tiếp được giới chuyên gia coi là một biểu hiện của việc nền kinh tế rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh những chính sách thúc đẩy tăng trưởng vẫn được đẩy mạnh thì việc nền kinh tế rơi vào suy thoái qua việc suy giảm trong hai quý liên tiếp còn hơn là một tín hiệu báo động.
 
Sự suy thoái kinh tế bất ngờ này được coi là trùng khớp với những đánh giá bi quan của giới phân tích về các chính sách tăng trưởng của Thủ tướng Shinzo Abe. Trong đó, sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ồ ạt thông qua bơm tiền vào nền kinh tế, tăng đầu tư công và thúc đẩy tiêu dùng của chính phủ Nhật được coi là thiếu đi những biện pháp căn bản có tác dụng lâu dài. 
 
Hãng tin tài chính Bloomberg đánh giá từ sau khi các biện pháp tăng trưởng được mệnh danh là Abenomics triển khai cho tới nay đã có khoảng 1.000 tỉ USD rơi vào túi giới đầu tư chứng khoán.
 
Việc thiếu đi những biện pháp căn bản thực sự hiệu quả để thúc đẩy tiêu dùng, vốn là một trong những đòn bẩy quan trọng nhất để kích cầu nội địa của Abenomics được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Nhật suy giảm trong hai quý liên tiếp. 
 
Tiêu dùng gia đình và doanh số bán lẻ chưa thực sự tăng ổn định sẽ lập tức bị ảnh hưởng bởi những tác động như tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8 % trong tháng 4 năm 2014. Khi thuế tiêu thụ tăng, các chỉ số tiêu dùng gia đình và bán lẻ lập tức giảm một cách đáng kể.
 
Có thể bạn quan tâm
Các biện pháp tăng thuế tiêu thụ của chính phủ Nhật có vẻ như đã có một tác động vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia. 
 
18 chuyên gia được tờ Wall Street Journal khảo sát ý kiến đã không một ai dự đoán chuẩn xác sự suy giảm của kinh tế Nhật trong quý 3 năm 2014. 
 
Việc tăng thuế tiêu thụ được xem như giải pháp cần thiết để tăng nguồn thu, đảm bảo nợ của Nhật ở trong giới hạn cho phép sau những khoản chi khổng lồ vào nền kinh tế trong hai năm vừa qua. Đồng thời, nó cũng được coi là thuốc thử cần thiết cho độ hiệu quả của Abenomics. 
 
Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt, Chính phủ Nhật sẽ thu được khoản ngân sách cần thiết và có thể tiếp tục nâng thuế thu nhập theo dự kiến lên 10% vào tháng 10.2015.
 
Vì vậy, việc nền kinh tế rơi vào suy thoái sau khi thuế tiêu thụ được tăng lên 8% là một tín hiệu cảnh báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nhật đã không được như kỳ vọng. Thủ tướng Shinzo Abe đã lập tức quyết định tạm dừng việc tăng thuế tiêu thụ lên 10% như dự kiến vào năm 2015 để tránh việc nền kinh tế rơi vào suy trầm lâu hơn. 
 
Các vấn đề kinh tế cùng với các vấn đề liên quan đến việc dự định tái khởi động các nhà máy hạt nhân và dự luật cho phép quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài đang tạo nên một áp lực không nhỏ lên nội các của Thủ tướng Abe.
 
Giới phân tích cho rằng đây là giai đoạn có tính chất quyết định đối với tương lai nước Nhật và nền kinh tế Nhật. Cuộc tổng tuyển cử sớm vào giữa tháng 12 tới sẽ quyết định số phận nội các của Thủ tướng Abe và đi liền với đó là các chính sách tăng trưởng được gọi là Abenomics này. 
Một nội các khác nhiều khả năng sẽ không đủ quyết tâm và quyết liệt để tiếp tục theo đuổi các chính sách kinh tế mạnh mẽ này của ông Abe, đồng nghĩa với việc nước Nhật sẽ lại rơi vào con đường suy trầm kinh tế như trước đây một lần nữa.
 
Theo Nhàn Đàm
Một thế giới
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *