Quốc tế 13/11/2013 07:16

Thị trường thế giới chững lại trước lo ngại từ Fed

FICA - Chứng khoán, giá dầu và giá vàng đồng loạt giảm trước lo ngại Fed sẽ cắt giảm kích thích kinh tế Mỹ tháng tới.

Kết thúc phiên giao dịch 12/11, 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm điểm, chỉ số Nasdaq gần như giữ nguyên. Dow Jones giảm 0,2% từ bỏ mốc điểm cao kỷ lục trong lịch sử ghi nhận trong phiên trước đó, S&P 500 cũng giảm 0,2%. Khoảng 5,9 tỷ cổ phiếu giao dịch trên các sàn của Mỹ, thấp hơn 2,9% so với trung bình 3 tháng. Chỉ số biến động thị trường VIX tăng 2,3% lên 12,82 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng đi giảm từ mốc cao nhất 5 năm. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 0,6%. Trước đó chỉ số này đã tăng 5 tuần liên tiếp nhờ ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất cơ bản đồng thời Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên chương trình mua trái phiếu tháng trước.

Giới đầu tư phương Tây tỏ ra thận trọng hơn để đánh giá xem xét lợi nhuận của các doanh nghiệp đồng thời chờ đợi Trung Quốc sẽ thực hiện cam kết thúc đẩy vai trò thị trường trong tăng trưởng kinh tế như thế nào. Cam kết này vừa được công bố hôm qua sau phiên họp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tọa là chủ tịch Tập Cận Bình.

Tại Mỹ, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan và các chỉ số kinh tế phục hồi làm tăng nhận định Fed sẽ cắt giảm kích thích trong tháng 12 tới. Cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đạt kỷ lục trong tháng này do Fed đã duy trì chương trình mua trái phiếu hàng tháng. S&P 500 tăng tới 160% so với mức thấp nhất đạt được tháng 3/2009, riêng từ đầu năm đến nay chỉ số này cũng tăng 24%, ghi nhận năm tăng điểm tốt nhất 1 thập kỷ. Kết quả này càng cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đủ khỏe để đón nhận việc cắt giảm kích thích.

Hôm qua có thêm 13 doanh nghiệp Mỹ công bố lợi nhuận quý III. Tính chung lại, 74% trong số 450 doanh nghiệp công bố có lợi nhuận vượt kỳ vọng của các chuyên gia. Richard Sichel, trưởng bộ phận đầu tư của Philadelphia Trust còn nhận định "Đây là mùa báo cáo lợi nhuận tốt đẹp, nó đang hỗ trợ mạnh mẽ thị trường".

Giá vàng giảm cùng nguyên nhân lo ngại Fed sớm cắt giảm kích thích kinh tế Mỹ. Ngoài ra, giá giảm còn do nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất yếu đi, đặc biệt là khu vực châu Á do người mua chờ đợi giá tiếp tục xuống thấp hơn nữa mới mua vào. Kết thúc phiên 12/11, giá vàng giao kỳ hạn tháng 12 tại sàn Comex, New York giảm 9,9 USD/oz, tương đương 0,8% xuống còn 1.271 USD/oz. Như vậy, giá vàng đã giảm 4 phiên liên tiếp với tổng mức giảm gần 4%. Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á cũng giảm 14,9 USD/oz so với đóng cửa phiên trước xuống còn 1.267 USD/oz lúc 6h50 sáng nay. Trước đó vài tiếng, giá còn chạm sát 1.260 USD/oz.

Giá dầu thô lại đứng ở mốc thấp nhất 5 tháng do dự báo dự trữ dầu thô Mỹ tuần qua tiếp tục tăng lên cao nhất kể từ tháng 6. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao kỳ hạn tháng 12 giảm 2,2% chốt phiên tại 93,04 USD/thùng. Giá dầu Brent dùng phổ biến tại châu Âu giao cùng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,6% xuống còn 105,81 USD/thùng. Chênh lệch giá dầu Brent và WTI nới rộng lên 12,77 USD/thùng.

Giá vàng giao ngay trên Kitco (đường màu xanh lá cây)

Các chuyên gia trong khảo sát của Bloomberg nhận định dự trữ dầu Mỹ, nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới tăng tuần thứ 8 liên tiếp với sản lương gần mức cao nhất 24 năm. Báo cáo chính thức và cung cầu dầu thô Mỹ sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố ngày mai (14/11).

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng toàn cầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Mỹ sẽ vượt Nga trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới năm 2015 nhờ khai thác dầu đá phiến bằng các công nghệ khoan và chiết suất tiên tiến.

Lam Thanh
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *