Quốc tế 10/03/2019 11:37

Thấy gì từ nguy cơ Trung Quốc nới lỏng chính sách?

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ kéo theo tác động dây chuyền tới các quốc gia nằm trong chuỗi giá trị tạo bởi nước này, điển hình như khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Tại báo cáo phân tích vừa công bố, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tạm lắng, động lực tăng trưởng kinh tế suy giảm đang trở thành tâm điểm chính. Đa phần các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu kể từ năm 2019. Trong đó, mọi sự tập trung đều đổ dồn vào nền kinh tế Trung Quốc, động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hơn 2 thập kỷ qua.

Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2019 xuống ngưỡng 6-6,5%

Chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc liên tục sụt giảm và nhìn chung đều ở dưới ngưỡng tối thiểu 50 điểm. Số đơn đặt hàng mới và sản lượng chỉ vừa mới cải thiện nhẹ trong tháng 2 vừa qua.

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố mục tiêu kinh tế cho năm tài khóa 2019. Điểm nổi bật liên quan tới việc Chính phủ nước này hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 xuống ngưỡng 6-6,5% so với mục tiêu “6,5-7%” trước đó. Ngưỡng “6%” có thể coi là mức tăng trưởng thấp nhất trong hàng chục năm vừa qua.

Hiện tại, dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2019 của các tổ chức dao động trong khoảng 6,2-6,3% trong năm 2019. Do đó, không quá khó hiểu khi chính sách điều hành kinh tế trong năm nay của Trung Quốc thiên về hướng nới lỏng.

Dưới góc nhìn riêng, VDSC nhấn mạnh tới một số điểm chính đáng chú ý. Theo đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ kéo theo tác động dây chuyền tới các quốc gia nằm trong chuỗi giá trị tạo bởi nước này, điển hình như khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Điểm đầu tiên liên quan tới chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc. Sau những đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc liên tiếp trong năm 2018 nhằm đảm bảo thanh khoản trên hệ thống ngân hàng, Trung Quốc dự định sẽ cắt giảm thuế giá trị gia tăng và tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP. Cụ thể, thuế giá trị gia tăng sẽ được cắt giảm từ 16% về khoảng 9-13% trong khi tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP được nâng lên 2,8% từ mức 2,6% trong năm 2018.

Các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn có thể sẽ tiếp tục triển khai và được tài trợ bằng trái phiếu chính quyền địa phương.

Tại Malaysia, chính phủ mới đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống 4,5-5,5% trong giai đoạn 2018-2020, thấp hơn mức 5-6% trước đó. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách cũng sẽ tăng lên ngưỡng 3% từ nay cho tới năm 2020.

Tương tự như trường hợp tại Úc, giới chuyên gia dự báo chính phủ nước này sẽ sớm đưa ra các gói hỗ trợ đối với hộ gia đình trước thềm bầu cử liên bang sắp tới. Philippines dự báo sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong nửa đầu năm 2019.

Với vai trò là một trong ba trung tâm sản xuất của thế giới và tiêu thụ lượng lớn hàng hoá cơ bản, biến động trong nền kinh tế và chính sách điều hành của Trung Quốc luôn ảnh hưởng trực diện tới thị trường hàng hoá nói chung.

Theo Goldman Sachs, đà hồi phục của thị trường hàng hoá đang suy yếu và thị trường này sẽ ổn định hơn trong thời gian tới. Trong 6 tháng qua, diễn biến giá hàng hoá đã biến động giảm và tăng mạnh theo mô hình chữ V.

Hiện tại, các yếu tố cung cầu sẽ dẫn dắt xu hướng của thị trường hàng hoá. Trong đó, cam kết hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung của Trung Quốc được kỳ vọng tạo lực đẩy cho tổng cầu chung và giúp triển vọng giá các mặt hàng năng lượng và phi năng lượng tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi chính sách kích thích của Trung Quốc đối với khu vực doanh nghiệp nước này có thể giúp thị trường hàng hoá khởi sắc, thật khó có thể kỳ vọng vào tác động lan toả tích cực ngay tới các nước trong khu vực.

Trung Quốc hiện nay đã và đang vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn của hàng loạt quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của các nước Đông Á và Đông Nam Á sang thị trường Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ quý IV/2018.

Đối với trường hợp của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang nước láng giềng này đã liên tục giảm trong 5 tháng vừa qua. Đáng chú ý nhất là hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Samsung đang yếu đi.

M.C

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *