Quốc tế 21/12/2014 07:29

Tham tán Việt Nam nói “người Nga vẫn lạc quan” khi đồng rúp mất giá

Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga nhận định người dân Nga vẫn lạc quan khi đồng rúp mất giá "vì họ không lấy đồng USD làm thước đo mà lấy đồng rúp làm thước đo giá trị nền kinh tế". Về dài hạn, theo ông ngoại thương giữa Việt Nam và Nga không bị ảnh hưởng nhiều.

dong rup mat gia

Ảnh hưởng ngắn hạn
 
Trước sự sụt giảm mạnh mẽ của đồng rúp Nga trong thời gian gần đây đã khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với các doanh nghiệp Nga tỏ ra lo ngại. Ngay cả chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng chỉ ra những khó khăn trước mắt mà nền kinh tế Việt Nam có thể gặp phải khi đồng rúp Nga mất giá.
 
Tuy nhiên, trao đổi với Một Thế Giới, ông Phạm Quang Niệm, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga lại khá lạc quan.
 
"Trong bối cảnh Nga đang thả nổi đồng rúp, thể hiện ở việc đồng rúp bị mất giá thì lượng hàng nhập khẩu sẽ bị hạn chế ở một mức độ nhất định. Các nhà nhập khẩu Nga phải cân nhắc nhiều hơn đến yếu tố khối lượng, giá cả, hạn ngạch nhập khẩu.
 
 Tuy nhiên, đây là ảnh hưởng khó khăn mang tính ngắn hạn và có thể là giải pháp tình thế, còn về bình diện chung, thị trường Nga vẫn là thị trường nhập khẩu từ Việt Nam" - ông Niệm nói.
 
Cũng theo ông, người dân Nga hoàn toàn không bi quan trước sự mất giá của đồng rúp như báo chí từng đưa tin: "Tôi thấy người Nga vẫn lạc quan và không thấy bị ảnh hưởng nhiều lắm. Bởi họ không lấy đồng USD làm thước đo mà lấy đồng rúp làm thước đo giá trị nền kinh tế, cho nên tất cả các mặt hàng chỉ nhích giá lên một chút, không đáng kể. 
 
Thực ra, những mặt hàng thiết yếu như bánh mì thậm chí còn rẻ hơn, nói chung là không ảnh hưởng quá nhiều".
 
Hiện nay Nga vẫn giao thương với Việt Nam bằng đồng USD, nhưng về lâu dài thì có thể sẽ dùng đồng nội tệ để thanh toán. "Cho nên về dài hạn sẽ không ảnh hưởng nhiều vì đấy là cách nước Nga thả nổi đồng tiền trong một mức độ nhất định để tăng trưởng sản xuất cũng như xuất khẩu", ông Niệm nói.
 
dong rup mat gia
 Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga (Ảnh TTXVN)
 
Đừng nghĩ Nga là thị trường dễ tính nữa
 
Còn đồng rúp đang bị thả nổi và bị mất giá hiện này chỉ là tạm thời, không làm cho nhập khẩu của Việt Nam vào Nga bị gián đoạn hay bị giảm một cách nhiều như nhiều người nghĩ" - ông Niệm đánh giá.
 
Đặc biệt, vị Tham tán thương mại của Việt Nam tại Nga còn cho rằng, trong bối cảnh đồng rúp mất giá không hề ảnh hưởng đến Hiệp định thương mại tự do và Liên minh Hải quan. Thậm chí, khi Hiệp định có hiệu lực thì sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho hàng Việt Nam vào Nga, vì khi đó thuế sẽ giảm xuống rất thấp. 
 
"Đây là một trong những lợi ích của Việt Nam về ngắn hạn và trung hạn mà chúng tôi đã tính đến" - ông Niệm khẳng định.
 
Tuy nhiên, ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn công tác xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ triển lãm. 
Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiết kiệm chi phí quảng cáo nên hay sử dụng internet để tìm khách hàng, tuy nhiên người Nga chưa quen với việc đó mà muốn xem hàng trực tiếp rồi sau đó mới tiến đến ký hợp đồng, cho nên các doanh nghiệp Việt cần tăng cường tham gia hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường. 
 
"Bộ Công thương trong năm tới cũng có 2 lịch xúc tiến thương mại rất lớn ở Nga. Tôi nghĩ nếu các doanh nghiệp tranh thủ điều kiện, thời cơ tham gia được những triển lãm này và các triển lãm khác sẽ là cơ hội tốt để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga" - ông Niệm nói.
Bên cạnh đó, quan niệm thị trường Nga dễ tính hơn các thị trường khác đã là tư duy cũ. "Hàng nông sản, thủy sản đặc biệt là thủy sản của chúng ta có chất lượng không tốt lắm. Có thể lô đầu được nhưng những lô sau chất lượng kém nên dễ bị tạm ngừng nhập khẩu. Thị trường Nga là thị trường tiềm năng nên có yêu cầu rất cao, không khác gì EU, có những điểm còn cao hơn cả EU nên các doanh nghiệp cần phải hết sức chú ý" - ông Niệm khuyến cáo.
Theo số liệu của Hải quan Nga năm 2013, xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Nga đã tăng 8,5% so với năm 2012. Trong khi đó Nga xuất khẩu sang Việt Nam giảm 1,1%, đạt 1,370 tỉ USD.
Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu vào Nga đạt 2,599 tỉ USD và trong năm này, Việt Nam đã xuất siêu sang Nga là 1,225 tỉ USD. Đây cũng là năm thứ 3 Việt Nam xuất siêu sang Nga.
Còn theo số liệu Hải quan Nga trong 9 tháng đầu năm 2014 thì kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt 2,532 tỉ USD, giảm 9,1%. Nga xuất khẩu sang Việt Nam đạt 800,7 triệu USD giảm 0,3%. Việt Nam xuất khẩu Nga đạt 1,731 tỉ USD, giảm 12,7%.
Như vậy, trong 9 tháng vừa qua Việt Nam đã xuất siêu sang Nga 930,6 triệu USD. Dự kiến cả năm 2014, trị giá xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 3,850 tỉ USD.
Theo Duyên Duyên
Một Thế giới
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *