Quốc tế 12/05/2015 15:52

Thâm Quyến: Từ làng chài thành đô thị tráng lệ

Bloomberg nhận định, thành phố Thâm Quyến (Shenzhen) của Trung Quốc sẽ sớm vượt qua cả Hongkong.

Như trong một câu chuyện cổ tích, từ một làng chài nhỏ bé, nhìn sang bên kia là Hongkong hoa lệ, Thâm Quyến (Shenzhen) vụt biến thành một thành phố hiện đại và nguy nga với rất nhiều tòa nhà cao chọc trời, trung tâm thương mại lớn, và các công xưởng “khủng”.

Trong 30 năm qua, kể từ khi hình thành và phát triển, đặc khu kinh tế Thâm Quyến luôn ghi dấu ấn của Đặng Tiểu Bình người đặt nền móng cho việc xây dựng Thâm Quyến thành đặc khu kinh tế đầu tiên và lớn nhất nước, nhằm thử nghiệm mô hình kinh tế thị trường tư bản tại nước CHND Trung Hoa.

Người dân Thâm Quyến khiêu vũ buổi tối tại một quảng trường có hình chân dung Đặng Tiểu Bình (Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg)
Thâm Quyến nổi tiếng với khẩu hiệu “mỗi ngày xây một cao ốc, ba ngày làm một đại lộ”. Điều ấn tượng nhất ở Thâm Quyến chính là những văn phòng 24h: từ 8h-18h ban ngày để buôn bán với các nước đông bán cầu, từ 18h đến 6h sáng hôm sau để xuất nhập khẩu với các nước Tây bán cầu như Mỹ, Canada, và các nước Mỹ La tinh.

Các nhà máy sản xuất đồ chơi và quần áo giờ đã nhường chỗ cho các công xưởng điện tử quy mô lớn, cùng với các trung tâm công nghệ cao và hệ thống ngân hàng.

Công nhân ăn trưa tại một công trường xây dựng ở Thâm Quyến năm 1985 (Ảnh: ChinaFotoPress)
Thâm Quyến tăng trưởng GDP 7.8% trong quý I năm nay - mức cao nhất trong các thành phố lớn của Trung Quốc. Mô hình lao động giá rẻ đã được thay thế bởi nguồn lao động chất lượng cao và sáng tạo.

Sơn Nam được coi là “trái tim công nghệ” của Thâm Quyến với mức thu nhập bình quân đầu người là 49.730 USD/năm, cao hơn cả Nhật, Đức và Hongkong. Nhiều tập đoàn trong nước gây dựng được tên tuổi tại đây, như Tập đoàn viễn thông Huawei Technologies, Công ty công nghệ thông tin Tencent Holdings, và Tập đoàn bảo hiểm Ping An Insurance.

Toàn cảnh Thâm Quyến năm 1985 (Ảnh: ChinaFotoPress)
Từ một làng chài nghèo khó, sau 30 năm, Thâm Quyến đã có những bước phát triển vượt bậc, GDP tăng gấp 980 lần so với năm 1979, bình quân mỗi năm tăng trưởng 27%. Theo số liệu thống kê, GDP của Thâm Quyến năm 2014 đạt 1600,198 tỉ nhân dân tệ (khoảng 256 tỉ USD). Kim ngạch xuất khẩu của Thâm Quyến đứng đầu Trung Quốc trong 20 năm liên tục (1978 -2012).
Các tòa nhà chung cư cao tầng mọc san sát tại huyện Nam Sơn của Thâm Quyến (Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg)
Các chuyên gia cho rằng, yếu tố làm nên thành công của Thâm Quyến là do vị trí địa lý thuận lợi (tiếp giáp với Hồng Kông) với nhiều cảng (với 17 cảng, Thâm Quyến là thành phố nhiều cảng nhất Trung Quốc), và chuyển đổi mô hình thành công (từ sản xuất  công nghiệp truyền thống sang công nghệ kỹ thuật cao).

Một yếu tố nữa đảm bảo cho Thâm Quyến duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao trong thời gian dài là chính sách mở cửa và ưu đãi trong thu hút vốn đầu tư. Được coi là “khu thí nghiệm” của công cuộc cải cách mở cửa Trung Quốc, Thâm Quyến là địa phương đầu tiên thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tiên phong thực  hiện thị trường hóa sử dụng đất. Đây cũng là nơi phát hành tấm cổ phiếu đầu tiên tại Trung Quốc, đi đầu trong việc phát triển doanh nghiệp cổ phần và thị trường vốn./.

 
Theo Trần Ngọc
VOV/Bloomberg
 
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *