Quốc tế 15/11/2019 08:41

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể “chạm đáy” vào năm 2020

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự đoán sẽ xuống thấp hơn mức 6% vào năm 2020, một số liệu không mấy khả quan cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể “chạm đáy” vào năm 2020 - 1

Các công nhân làm việc trong nhà máy Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NIFD), một viện nghiên cứu kinh tế có liên hệ với chính phủ Trung Quốc và đặt trụ sở tại Bắc Kinh, ngày 13/11 đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 5,8% vào năm 2020, so với ước tính 6,1% trong năm nay.

Con số dự báo trên thấp hơn cả mức đáy do chính phủ Trung Quốc đề ra trong ngưỡng 6 - 6,5% cho tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019. Đây tiếp tục là dấu hiệu cho thấy áp lực sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc do cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như các vấn đề khó khăn nội bộ.

Dự báo của NIFD cũng tương đồng với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Điều này đã chỉ ra thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt để đạt được mức tăng trưởng 6% trong năm 2019 và năm 2020, từ đó hoàn thành mục tiêu do chính phủ Trung Quốc đề ra về việc tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020 so với năm 2010.

Theo báo cáo của NIFD, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian dài do nền kinh tế toàn cầu đang phát triển chậm lại, trong khi đầu tư tư nhân có thể sụt giảm do những bất ổn của cuộc chiến thương mại.

Ông Li Yang, cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc và hiện là lãnh đạo viện nghiên cứu liên kết với Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), nhận định vấn đề thâm hụt tài khóa của chính phủ Trung Quốc sẽ trở nên nổi cộm trong tương lai, đồng thời cho rằng chính quyền trung ương Trung Quốc có thể sẽ phải phát hành thêm trái phiếu.

Giải pháp của Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại từ năm 2011, với tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống chỉ còn 6% vào quý 3/2019, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu tăng trưởng hàng quý được công bố lần đầu tiên vào năm 1992.

Theo Bloomberg, tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 1998 khi các công ty tư nhân đều đang rút dần hoạt động. Sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh thu bán lẻ cũng thấp hơn so với kỳ vọng. Người tiêu dùng Trung Quốc phải chi trả nhiều hơn để mua thực phẩm trong những tháng qua, trong đó giá thịt lợn và một số loại thịt khác đồng loạt tăng vọt.

Tình trạng sụt giảm tiếp tục là chủ đề của các cuộc thảo luận về việc liệu Trung Quốc có nên nới lỏng lập trường chính sách của nước này để hỗ trợ tăng trưởng như đã xảy ra ở nhiều nước phát triển, bao gồm cả Mỹ, hay không.

Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế bằng việc cắt giảm thuế và lãi suất, dỡ bỏ các rào cản đầu tư nước ngoài. Trong một động thái nhằm kích thích tăng trưởng, ngân hàng trung ương Trung Quốc ngày 17/10 đã bơm 200 tỷ Nhân dân tệ (28 tỷ USD) vào hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên được cho là vẫn chưa đủ để bù đắp sự sụt giảm của nhu cầu trong nước. Xung đột thương mại với Mỹ và nhu cầu nội địa suy yếu của Trung Quốc khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 từ 6,2% xuống còn 6,1%. Các chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tiếp tục sụt giảm với lập trường chính sách như hiện nay.

Bộ Thương mại Trung Quốc và một số quan chức Mỹ tuần trước nói rằng, họ nhất trí dừng một số loại thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu nếu hai nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, niềm hy vọng đã bị dập tắt sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông chưa đồng ý với bất kỳ phương án gỡ bỏ thuế quan nào với hàng hóa Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo SCMP, Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *