Quốc tế 05/09/2014 07:29

Số tử vong do Ebola tăng vọt, hơn 1.900 người chết

FICA - Đã có hơn 1.900 người chết vì bệnh Ebola ở Tây Phi, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo vụ dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay vẫn chưa được khống chế.

Số tử vong do Ebola tăng vọt, hơn 1.900 người chết

Báo cáo của WHO ngày hôm qua cho biết đã có hơn 3.500 ca bệnh được xác nhận ở Guinea, Sierra Leone và Liberia, với hơn 1.900 người tử vong – và dịch bệnh vẫn đang gia tăng.

Số liệu mới nhất này cho thấy sự gia tăng đáng kể so với con số 1.552 trường hợp tử vong và 3.069 trường hợp mắc bệnh mà WHO báo cáo mới vài ngày trước đó. Số tử vong cũng cao hơn tất cả những vụ dịch Ebola trước đây cộng lại.

Cho đến nay, đã có hơn 30 người chết trong một ổ dịch khác tại Cộng hòa dân chủ Congo. Hôm qua Nigeria cũng báo cáo ca tử vong thứ 7.

Tại Mỹ, Nancy Writebol, nhân viên y tế bị nhiễm Ebola trong khi làm việc ở Liberia, đã bình phục nhưng cũng thừa nhận mình vừa trải qua “những ngày đen tối”."

Một y tá người Anh bị nhiễm vi rút trong khi làm việc tại Sierra Leone đã được xuất viện sau khi điều trị bằng thuốc thử nghiệm ZMapp

Hạn chế đi lại có thể khiến dịch Ebola trầm trọng thêm

Hạn chế đi lại có thể làm cho dịch Ebola ở tây Phi trầm trọng thêm, khiến nguồn cung cấp y tế và thực phẩm bị giảm sút và ngăn không cho các bác sĩ tới được những nơi cần thiết nhất.

Vụ dịch tồi tệ nhất từ trước tới nay đang tấn công mạnh nhất ở Sierra Leone, Liberia, Nigeria và Guinea đã khiến các hãng hàng không hủy bỏ các chuyến bay và nhiều nước dựng rào chắn với những người đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng.

"Nếu áp đặt việc kiểm dịch hàng không đối với những nước này thì chúng ta sẽ làm xói mòn cuộc chiến chống dịch bệnh: việc luân chuyển nhân viên y tế nước ngoài và phân phối lương thực thực phẩm, vốn đã thiếu thốn, sẽ càng khó khăn hơn," Sylvain Baize, giám đốc Trung tâm bệnh sốt xuất huyết của Viện Pasteur ở Lyon, Pháp, nói. Điều này cần được cân nhắc với nguy cơ nhiễm bệnh “rất hạn chế” đối với phi hành đoàn, vì vi rút chỉ có thể lây lan khi triệu chứng đã xuất hiện và chỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của người bệnh.

WHO đang kêu gọi dỡ bỏ lệnh hủy các chuyến bay tới tây Phi

Hãng Air France đã tạm ngưng dịch vụ tới Freetown, còn British Airways thì hủy các chuyến bay tới Freetown và Monrovia. Royal Air Morocco hiện chỉ còn đường bay cung cấp dịch vụ thông thường tới thủ đô của Sierra Leone và Liberia, trong khi Brussels Airlines có lịch bay không đều đặn.

Nam Phi đã cấm những người không phải công dân nước mình đến từ Guinea, Liberia và Sierra Leone. Ả rập Xê út ngừng cấp visa cho công nhân đến từ những nước này, và nhiều nước khu vực tây Phi đã đóng cửa biên giới trên bộ với những quốc gia bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên theo Michael Kinzer, người của Trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ và đang phụ trách công tác giám sát và tư vấn Ebola cho Guinea thì việc đóng cửa biên giới cũng giống như chúng ta nhắm mắt khoanh tay trước dịch bệnh. "Các nước tốt hơn là nên dành tiền và nguồn lực để chuẩn bị cho hệ thống y tế phát hiện kịp thời bệnh nhân Ebola và đáp ứng đúng sao cho vi rút không lây lan.

Hôm thứ Ba vừa qua Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đã cảnh báo “mối lo ngại nghiêm trọng về an ninh lương thực” do thương mại qua biên giới bị gián đoạn.

Cẩm Tú

(Tổng hợp)

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *