Quốc tế 29/03/2015 14:50

Singapore và hành trình hóa rồng

Từ một quốc gia còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đảo quốc Singapore đã lột xác thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại hàng đầu thế giới.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên 
 
Nếu tính riêng trong nhóm các quốc gia không có tài nguyên thì Singapore là quốc gia giàu có nhất thế giới, với dân số chỉ hơn 5 triệu người. Bình quân GDP tính trên đầu người của Singapore luôn nằm trong top 5 thế giới lên đến mức 55.000 USD/người (chỉ đứng sau 2 quốc gia là Qatar và Luxembourg).
 
Chìa khóa cho sự chuyển mình của Singapore chính là việc quốc gia này đã tạo ra một trung tâm tài chính quy mô hàng đầu châu lục, cũng như thế giới (10% GDP của Singapore đến từ lĩnh vực tài chính).
 
Bởi lẽ, người ta thức ở Singapore khi thị trường tài chính phương Tây chìm trong giấc ngủ, từ khi San Francisco tắt đèn đi ngủ cho tới khi Zurich thức dậy vào buổi sáng. Singapore đã lấp đầy chỗ trống và cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng.
 
Sau khi lên nắm quyền năm 1960, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tập trung vào bồi đắp những yếu tố cơ bản của nền kinh tế - khuyến khích tiết kiệm và đầu tư. Bước đột phá trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Singapore đến vào năm 1968, khi Texas Instruments bắt đầu sản xuất chip bán dẫn ở Singapore.
 
National Semiconductors theo chân ngay sau đó. Hewlett-Packard là một cái tên khác bị thu hút bởi Singapore và General Electric thành lập tới 6 cơ sở sản xuất ở đây. Đến những năm 1980, Singapore đã trở thành một nước lớn trên thị trường xuất khẩu hàng điện tử. Đến năm 1997, có gần 200 Cty Mỹ đặt cơ sở ở đây với tổng vốn đầu tư lên đến 19 tỷ USD.
 
Về đối nội, Singapore thực thi một đường lối của riêng mình với chế độ một đảng lãnh đạo với những luật lệ nghiêm khắc (phạt từ những điều nhỏ nhặt như xả rác công viên, kéo nước nhà vệ sinh, nhóm họp từ 5 người phải xin phép...).
 
Sự nghiêm khắc này đã giúp đảo quốc Sư tử trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Chính sự an toàn cũng như thịnh vượng của đảo quốc đã thu hút dân cư tới từ nhiều quốc gia khác nhau trên toàn cầu. Thế nhưng, tăng trưởng về dân số không làm cho Singapore gặp rắc rối về kinh tế, mà mang lại sự phát triển cho nhiều ngành nghề tại quốc gia này. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại đảo quốc sư tử này chỉ khoảng 2%.
 
Ngoài ra, xác định giáo dục là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, Thủ tướng Lý Quang Diệu ban hành hàng loạt chính sách giáo dục, trong đó có sử dụng tiếng Anh bắt buộc trong trường học - một quyết định cực kỳ nhạy cảm tại một quốc gia đa dạng về sắc tộc như Singapore.
 
Ông Lý Quang Diệu kiên định với chính sách của mình bởi nhận thức rõ rằng tiếng Anh là ngôn ngữ để kiếm tiền và giúp Singapore hội nhập quốc kinh tế toàn cầu, và một nền kinh tế đa dạng, nhạy cảm kinh doanh.
 
Dù còn đó, những lời bình khác nhau từ bên ngoài, thế giới phải công nhận họ là xứ sở trong lành. Theo nghĩa thực, đó là môi trường sạch sẽ và xanh tươi. Theo nghĩa rộng, đó là cuộc sống văn minh, kỷ cương và mức độ tham nhũng xếp loại thấp nhất thế giới.
 
Ở đây, một nước Singapore nhiều dân tộc (Hoa, Ấn, Mã lai), nhiều tôn giáo (Khổng giáo, Thiên chúa giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo), nhưng xã hội ổn định, mọi người cùng tồn tại bên nhau và cùng đưa đất nước phát triển nhanh trở thành Con Rồng Châu Á, đạt những tiêu chí sống - tuổi thọ và thu nhập - hàng đầu thế giới.
 

Hành trình vươn lên trở thành con rồng Châu Á của Singapore chỉ trong vòng 30 năm, đã để lại cho nhiều quốc gia trong khu vực những bài học đắt giá, trong đó có Việt Nam.

Theo Doanh nhân Sài Gòn
* Trích bài viết của tác giả BÙI NGỌC SƠN - Viện Kinh tế Chính trị Thế giới đăng trên trang DĐDN ngày 28/3
 
 
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *