Quốc tế 21/08/2014 08:08

Quân đội Trung Quốc đã quá suy yếu vì tham nhũng?

FICA - Không ít sỹ quan quân đội Trung Quốc đang tỏ ra hoài nghi về khả năng chiến đấu và chiến thắng của quân đội do nạn tham nhũng tràn lan.

Những tháng gần đây, một loạt bài viết trên các tờ báo và phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã được tung ra, song hành với cuộc chiến chống tham nhũng đang ngày một nóng trong quân đội nước này. 

Từ Tài Hậu, nguyên phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc đã bị điều tra tham nhũng
Từ Tài Hậu, nguyên phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc đã bị điều tra tham nhũng

Một trong những chủ đề được bàn thảo đó là tham nhũng trong quân đội phải chịu trách nhiệm ra sao về thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến với Nhật 120 năm trước. Mối lo ngại là rất rõ ràng nhất là khi quân đội nước này được hiện đại hóa nhanh chóng, từ việc phát triển chiến đấu cơ tàng hình, tới sự xuất hiện của tàu sân bay đầu điên năm 2012.

Với một ngân sách quốc phòng “khủng”, chỉ xếp sau Mỹ, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng xuống Biển Đông ở phía Nam, và sang biển Hoa Đông, gây bất ổn cho khu vực, thậm chí với cả Washington.

Tuy nhiên, hai vụ bê bối lớn đã làm lộ rõ tình trạng tham nhũng đã ăn sâu vào PLA – một mục tiêu lớn trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hồi tháng 6 vừa qua, Trung Quốc khẳng định sẽ đưa tướng Từ Tài Hậu, người từng giữ chức phó chủ tịch Quân ủy trung ương cho tới khi nghỉ hưu năm 2013, ra tòa án binh vì nhận hối lộ.

Đầu năm nay, nước này cũng đã khởi tố một trong những tay chân của ông Từ là thiếu tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của PLA vì tội tham nhũng. Ông Cốc bị sa thải từ năm 2012, sau khi bị phát hiện “bán” hàng trăm vị trí trong quân đội, trục lợi hàng triệu USD nhờ được quyền bổ nhiệm, cất nhắc nhiều sỹ quan, quản lý các hợp đồng phát triển trên đất đai do quan đội sở hữu.

Điều khiến một số vị tướng và chuyên gia quân sự Trung Quốc lo lắng đó là, việc mua bán các chức vụ cấp cao – vốn từ lâu là một bí mật mà ai cũng biết – đã dẫn tới việc người tài bị gạt sang một bên.

“Bất kể bạn chi cho quân đội lớn ra sao, sẽ không bao giờ là đủ nếu những quan chức tham nhũng này không ngừng xuất hiện”, thiếu tướng Luo Yuan, một trong những người có nhiều bài viết đáng chú ý về quân sự tại Trung Quốc khẳng định.

“Những khoản tiền bị biển thủ bởi các quan chức tham nhũng như Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn Sơn lên đến hàng trăm triệu hay hàng tỷ nhân dân tệ. Chúng ta có thể sản xuất bao nhiêu chiến đấu cơ với số tiền đó? Nếu tham nhũng không bị loại trừ, chúng ta sẽ bị đánh bại ngay từ trước khi ra trận”, vị tướng về hưu nhận định.

Bài học từ quá khứ

Mới đây Chủ tịch Tập đã yêu cầu lực lượng vũ trang với khoảng 2,3 triệu quân, lớn nhất thế giới, cần sẵn sàng chiến đấu, cho dù Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh rằng họ muốn quan hệ hòa bình với các quốc gia láng giềng.

Quân đội Trung Quốc đông đảo nhưng tham nhũng tràn lan
Quân đội Trung Quốc đông đảo nhưng tham nhũng tràn lan

Lần gần nhất các lực lượng của Trung Quốc bị thử thách thực sự là vào năm 1979, khi họ đưa quân vào Việt Nam trong cuộc chiến tranh Biên Giới. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters của Anh, PLA đã bị bầm dập trước các binh sỹ được tôi rèn qua thực tiễn chiến trường của Việt Nam.

Từ cuối những năm 1990, Trung Quốc đã tăng cường trấn áp tham nhũng trong quân đội bằng cách cấm PLA tham gia các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, quân đội lại tham gia vào các hoạt động kinh tế, do sự buông lỏng kiểm tra và mất cân đối, các nguồn tin cho hay.

Đối với những sỹ quan hối lộ để thăng tiến, tham nhũng là một cách để thu lời từ khoản đầu tư của họ, các chuyên gia quân sự cho biết. Ví dụ về tham nhũng có thể thấy từ việc quân đội cho các công ty tư nhân thuê đất, bán biển số quân đội, việc cư trú bất hợp pháp trong các chung cư của PLA hoặc nhận lại quả mỗi khi mua sắm thiết bị hay lương thực, thực phẩm.

Khẳng định quyết tâm bài trừ các hình thức tham nhũng này, ông Tập dự kiến sẽ đưa tướng Liu Yuan, một người từng đưa ra tố giác trong năm 2012, mở đường cho việc điều tra tham nhũng đối với ông Từ và ông Cốc, vào Quân ủy trung ương. Ông Liu hiện giữ chức chính ủy của Cục hậu cần PLA.

“Tham nhũng trong quân đội rõ ràng phải bị loại trừ, điều này là bắt buộc vì sự phát triển của các lực lượng vũ trang”, một cựu sỹ quan cấp cao về hưu giấu tên khẳng định.

Báo giới Trung Quốc thời gian qua đã đề cập nhiều tới việc nạn tham nhũng từng là nguyên nhân chính yếu ra sao, góp phần vào thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến với Nhật thời nhà Thanh. Điều này mới đây đã được Trường đảng trung ương của Trung Quốc khơi lại trong một bài báo hồi tuần trước.

“Dưới triều Thanh…quân đội xuống cấp không thể chấp nhận khi kỷ luật lỏng lẻo, huấn luyện chiếu lệ, bài bạc, thường xuyên lui tới lầu xanh, hút thuốc phiện và các hoạt động lố lăng khác lan tràn”, bài báo viết.

Đề tài này đã được các cơ quan trong quân đội Trung Quốc thảo luận rất nhiều.

“Tham nhũng trong quân đội đang ở mức nguy hiểm chưa có tiền lệ”, thiếu tướng Kun Lunyan, một nhà bình luận có tiếng trong quân đội Trung Quốc khẳng định. “Liệu chúng ta có muốn bi kịch lịch sử này lặp lại với quân đội của chúng ta hay không?”, Kun viết, và lưu ý rằng các binh sỹ ngày nay “ghê tởm” thực tế rằng họ chỉ có thể thăng tiến nếu “họ dựa vào tiền để mua chức vụ”.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *