Quốc tế 10/10/2014 13:12

Ông Putin muốn Việt Nam tham gia Liên minh Kinh tế Á – Âu?

FICA - Các nước sáng lập Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ bàn với Việt Nam, Israel, Ấn Độ và Ai Cập để tăng cường hợp tác thương mại, xa hơn nữa là tham gia liên minh

Các lãnh đạo của Nga, Belarus và Kazakhstan sẽ thảo luận sự phối hợp làm việc của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) với Việt Nam, Israel, Ấn Độ và Ai Cập tại cuộc họp Hội đồng Kinh tế tối cao Á-Âu ở Minsk ngày 10 tháng 10, - ông Yury Ushakov, Trợ lý Tổng thống Nga cho biết trên Đài tiếng nói nước Nga vào chiều qua.

 

Các nước tham gia vào Liên minh Kinh tế Á - Âu ngày (03/10)

 

Được biết, vào ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Hiệp ước thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu sau khi Quốc hội nước này thông qua văn kiện trên cuối tháng 9 vừa qua.

 

Với quyết định này, Nga đã trở thành nước đầu tiên trong 3 quốc gia tham gia EEU (gồm cả Belarus và Kazakhstan) hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết thiết để EEU có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

 

Việc thành lập EEU thay thế cho Liên minh thuế quan (thành lập vào năm 2010) được đánh giá là nhằm củng cố nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau của các nước thành viên, đồng thời sẽ mang đến kỳ vọng xây dựng một cơ cấu kinh tế đủ mạnh để đối trọng với Liên minh Châu Âu (EU), từ đây làm bệ phóng cho một nước Nga hùng mạnh trên trường quốc tế.

 

Bên cạnh đó, việc gia tăng “Chính sách hướng Đông” bằng hợp tác kinh tế đang được đánh giá là việc mở ra hy vọng đa dạng hóa cho nước Nga trong tăng đầu tư và thị trường thương mại. EEU ra đời đã củng cố và dần hiện thức hóa tham vọng chuyển hướng sang thị trường đầy tiềm năng châu Á-Thái Bình Dương của Nga. Trước đó, Mátxcơva cũng đã triển khai chính sách hướng Đông khi hình thành một "liên minh năng lượng" với Trung Quốc qua thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD.

 

Như vậy, động thái trên của Nga và 1 số nước thành viên sáng lập của EEU đang tỏ rõ ý định xây dựng liên minh hệ thống với các nước trong khu vực Á – Âu nhằm dọn đường cho những kế hoạch và tham vọng lớn nhằm đối chọi với tổ chức liên minh Kinh tế Châu Âu EU.

 

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, EU đã phát triển đến một cấp độ cao, liên minh tiền tệ - cấp độ liên kết kinh tế cao nhất. Bên cạnh đó, rất nhiều các Hội đồng, Ủy ban và Hiến pháp được thành lập, chặng đường tới, để EEU có thể đuổi kịp và đối trọng với EU là rất dài và khó khăn.

 

Hiện, Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga – Belarus và Kazhactan. Trong khi đó Trung Quốc cũng dự định tăng cường hợp tác với EEU trong việc trao đổi thông tin hải quan đối với hàng hóa và dịch vụ, Ấn Độ và Israel đề xuất thiết lập chế độ thương mại ưu đãi với EEU… Như vậy, một khu vực tự do thương mại giữa châu Âu và châu Á là rất triển vọng.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *