Quốc tế 29/03/2014 07:02

Obama hứa xa, Putin đòn gần: Ukraine lãnh đủ

Lời hứa của Tổng thống Mỹ Obama còn ở xa thì những phản ứng của Tổng thống Nga Putin lại rất gần, tác động tức thời. Áp lực dồn ép lên Ukraine ngày một lớn, nguy cơ phá sản được cảnh báo còn lời hứa hỗ trợ hàng tỷ USD vẫn ở thì tương lai.

Khí đốt, hết thời ngon bổ rẻ

Sau khi Ukraine ký thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính phủ nước này đã ngay lập tức nhận được thông báo Nga sẽ tăng giá khí đốt thêm 79% từ ngày 1/4.

Văn bản thỏa thuận giảm 100 USD cho mỗi nghìn khối gas cho Ukraine đã hết hiệu lực với những diễn biến mới trong mối quan hệ giữa nước này với Nga, EU và Mỹ.

Để đối phó với quyết định của Kremlin và cũng là theo những cam kết với IMF, chính phủ lâm thời Ukraine sẽ tăng 50% giá gas trong nước kể từ ngày 1/5 và tiến tới hủy bỏ dần tất cả các trợ cấp năng lượng đến năm 2016. Ukraine cũng sẽ tăng giá 40% đối với các công ty phân phối khí đốt sưởi ấm từ ngày 1/7.

Đại diện chính quyền tạm thời Urkraine cũng như các chuyên gia đều cho rằng, diễn biến này sẽ khiến kinh tế Ukraine rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả xã hội.

Giá gas và khí đốt sưởi ấm tăng trong bối cảnh đại đa số người dân Ukraine đang chi phần lớn lương của mình cho ăn uống khiến cho người dân sẽ thêm khốn khó.

{keywords}

Nga sẽ tăng giá khí đốt thêm 79%

Gói cứu trợ trị giá 18 tỷ vừa ký với IMF có thể sẽ giúp nền kinh tế Ukraine không rơi vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, giống như ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha, người dân Ukraine sẽ phải oằn mình với những điều kiện mà tổ chức này đưa ra. Bên cạnh đó, giới quan sát còn lo lắng về tốc độ giải ngân của những đồng tiền này.

Với tình trạng cạn kiệt tài chính, lại vừa trải qua biến động chính trị kéo dài, những gì mà người dân Ukraine có thể sẽ phải trải qua còn tệ hại hơn nhiều so với Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Những diễn biến căng thẳng gần đây cho thấy, tình hình rất khó có thể thay đổi. Ukraina đã ký thỏa thuân với IMF trong khi Nga có lẽ cũng không có lý do gì để tiếp tục giảm giá khí đốt cho Ukraine kể từ quý II.

Rõ ràng, sức ép này có tác dụng rất lớn lên một nền kinh tế đang cần 30-40 tỷ USD trong vòng 2 năm tới để tránh sự đổ vỡ.

Trước mắt, người dân Ukraine sẽ sống trong tình trạng "đói" khí đốt, khí sưởi ấm và giá cả leo thang. Các khoản vay dễ dãi trị giá hàng chục tỷ USD từ Nga sẽ không được xem xét lại. Nền kinh tế Ukraine tất nhiên sẽ nợ nhiều hơn khi các gói tiền từ IMF đổ về.

Lời hứa ở xa, nước Nga ở gần

Trên thực tế, việc lấy tiền từ phương Tây có vẻ không hề dễ dàng như từng thấy ở trường hợp Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Hồi cuối tháng 2/2014, khi mà nền kinh tế Ukraine rơi vào tình trạng rệu rã, các nguồn tiền từ Nga bị cắt trong bối cảnh biểu tình diễn ra không có điểm dừng, thì các khoản viện trợ từ EU và Mỹ chỉ dừng lại ở những lời hứa.

{keywords}

Lời hứa của Tổng thống Mỹ Obama còn ở xa thì những phản ứng của Tổng thống Nga Putin lại rất gần

Sự việc Nga sáp nhập Crimea có thể đã khiến tình hình thay đổi. Lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 27/3 đã nhanh chóng thông qua các dự luật cung cấp viện trợ cho Ukraine, ủng hộ khoản vay 1 tỷ USD cho chính quyền nước này. Trong khi IMF cũng đã có một bước tiến lớn khi hứa cung cấp cho Ukraine một gói cứu trợ trị giá 18 tỷ USD.

Nhìn bề ngoài, đây là những động thái khá mạnh nhưng những nỗ lực vực dậy Ukraine bị nghi ngờ ở chỗ đầu tàu kinh tế EU là Đức gần đây cho biết trừng phạt Nga là không cần thiết và hy vọng vào những biện pháp đã đưa ra trước đó (trừng phạt nhắm vào các quan chức, tài phiệt Nga).

Trên thực tế, cái mà Nga cần nhất là Crimea - cái cổng ra biển của cường quốc này đã thuộc về Nga. Ukraine là vùng đất quan trọng nhưng không phải là cốt yếu. Nga có lẽ không nhất thiết phải giành quyền kiểm soát ở đây như chính tổng thống Putin tuyên bố không sáp nhập thêm bất cứ vùng đất nào của Ukraine.

Trong khi đó, EU cũng không thể can thiệp vào Ukraine theo hướng ngăn sông cấm chợ kinh tế Nga. Các dòng dầu khí chảy qua Ukraine sang châu Âu chắc chắn sẽ vẫn phải tiếp tục.

Đây rất có thể là yếu tố khiến cả EU và Mỹ cân nhắc khi rót tiền vào Ukraine, nhất là trong bối cảnh kinh tế EU hồi phục chậm chạm còn Mỹ cũng không sáng sủa, đang ngập trong nợ nần và thâm hụt ngân sách.

Đi kèm với việc IMF - mà đứng sau là Mỹ bơm tiền vào là các điều kiện. Các điều kiện quá khắt khe có thể khiến cho bất ổn xã hội lớn lên. Ở chiều ngược lại, Putin có lẽ cũng không còn nhiều điều để nói với Ukraine và phương Tây. Thay vì Mỹ, Nga mới là người đang xoay trục sang châu Á.

Những nước cờ trên ván cờ Đông-Tây gần đây có thể thấy, dường như chính quyền tạm thời của Ukraine mà đứng sau đó là phương Tây đang đứng trước những nước cờ khó giải. Nước Nga đã sáp nhập Crimea không mất quá nhiều sức người sức của. Tất nhiên, sẽ có nhiều đánh đổi nhưng rõ ràng ông Putin đang có rất nhiều nước đi đáng gờm. Đơn giản, những đường ông dẫn dầu sang EU vẫn chảy mà có lẽ khó ai có thể nói chuyện phá bỏ.

Theo Huấn Tú

VEF

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *