Quốc tế 18/12/2013 15:09

Nước nào bị ảnh hưởng nặng nhất nếu Fed giảm gói kích thích?

FICA - Các thị trường mới nổi vốn hưởng lợi từ gói kích thích tiền tệ khổng lồ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lại dễ trở thành nạn nhân nhất nếu Fed giảm kích thích.

Thị trường gần đây xáo động bởi những đồn đoán về việc Fed cắt giảm chương trình kích thích tiền tệ càng làm rõ hơn tính cấp thiết của việc chính phủ các nền kinh tế mới nổi cần phải nhìn nhận nghiêm túc về cải cách trong nước.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán rằng Fed sẽ sớm cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE3), nhóm bộ 5 “mỏng manh” (theo Morgan Stanley bao gồm Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ) một lần nữa lại trở thành tâm điểm.


Bất chấp việc ngân hàng trung ương (NHTW) các quốc gia này đang gấp rút tăng lãi suất nhằm chống lại tác động của đồng nội tệ mất giá, chính phủ các nước này vẫn chưa thể tiến hành các cải cách trong nước liên quan đến lao động, thuế nhằm giải phóng nền kinh tế cũng như thu hút đầu tư – đặc biệt là trong bối cảnh các nước này đều tổ chức bầu cử vào năm 2014.


1. Brazil


Cách đây 4 năm, chồng cũ của Luciamara Tavares bỏ đi, đồng thời để lại cho cô món nợ 12.000 Real . Hiện nay món nợ này đã lên đến 60.000 Real (tương đương 26.000 USD) khi mà lãi suất các khoản vay tiêu dùng của Brazil đã lên đến gần 3 con số.


Tuy tình hình của Tavares khó khăn nhưng nhìn tổng thể, mấy năm qua vẫn là mấy năm dễ dàng với kinh tế Brazil. Trong trường hợp Fed cắt giảm gói QE3, dòng tiền giúp đẩy lãi suất của Brazil xuống mức thấp kỷ lục (nhưng hiện nay đã trở lại mức 2 con số) sẽ biến mất, ảnh hưởng đến tất cả từ người đi vay cho đến chính phủ.


Các đồn đoán hồi mùa hè về việc Fed có thể giảm quy mô gói QE3 đã phơi bày rõ sự mất cân đối đang trở nên nghiêm trọng của kinh tế nước này, bao gồm: thâm hụt ngân sách chính phủ gia tăng, lạm phát cao… nhưng nó chưa khiến chính phủ Brazil phải can thiệp.Điều này nếu xảy ra sẽ dẫn đến đồng nội tệ giảm giá, lạm phát tăng cao cũng như lãi suất tăng.


Người ta cho rằng chính phủ Brazil sẽ ngăn điều này xảy ra khi mà năm 2014 sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên liệu các thị trường có chịu đựng được hay không lại là vấn đề khác khi mà Brazil đang phải đối mặt với việc bị đánh tụt hạng tín nhiệm cũng như các cuộc biểu tình chính trị có thể xảy ra trong thời kỳ World Cup.


2. Ấn Độ


Là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các quan ngại trước đó của nhà đầu tư về việc Fed cắt giảm gói QE3, quyết định sắp tới của Fed có nguy cơ hủy hoại đà phục hồi của đồng Rupee và thị trường chứng khoán nước này.


Tuần trước, thị trường chứng khoán Ấn Độ đạt mức cao nhất từ trước đến nay nhờ vào các kỳ vọng về việc thay đổi chính phủ tại kỳ bầu cử quốc gia sắp tới được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ giúp cho Ấn Độ trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh thân thiện hơn, đồng thời thổi bùng hy vọng về một sự thay đổi mang tính bước ngoặt tại nền kinh tế lớn số 3 châu Á.


Gần đây, các quan ngại về việc Fed cắt giảm QE3 dịu bớt nhờ vào việc thống đốc Raghuram Rajan của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (NHTW  nước này) tiếp tục thắt chặt việc nhập khẩu vàng cũng như thành công ngoài mong đợi của kế hoạch thu hút đầu tư từ tiết kiệm của người Ấn Độ ở nước ngoài.


Động thái cắt giảm mạnh mẽ gói QE3 của Fed có thể làm đảo ngược sự phục hồi khiêm tốn này của Ấn Độ. Tỷ lệ tăng trưởng mới tăng lên mức 4,8% trong quý III đã bị lu mờ bởi một loạt số liệu kinh tế ảm đạm gồm lạm phát tăng cao cũng như sản lượng công nghiệp sụt giảm.


Theo kinh tế gia Chetan Ahya của Morgan Stanley thì: “Ấn Độ chưa giải quyết được vấn đề của mình mà chỉ đang kéo dài thời gian với các dòng tiền đang đổ vào nước mình. Nước này sẽ phải gồng mình chống chọi khi mà các dòng tiền dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng 3-6 tháng tới.”

3. Thổ Nhĩ Kỳ


Phản ứng đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ khi xuất hiện đồn đoán Fed cắt giảm QE3 là “cứ tự nhiên”, bất chấp việc xảy ra mùa hè. Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu sự “dũng cảm” này có phải là hậu quả của việc Thổ Nhĩ Kỳ không thể nhận thức được các yếu kém mang tính căn bản của mình so với các quốc gia còn lại trong nhóm bộ 5 “mỏng manh”.


Bất chấp các lạc quan của Bộ trưởng Tài chính cũng như người đứng đầu của thị trường chứng khoán nước này hay của các nhà đầu tư, sức mạnh thật sự của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một dấu hỏi lớn.  


Nước này có thể có mức nợ chính phủ ở mức lành mạnh cũng như thâm hụt tài khóa nhỏ - đặc biệt là so với Brazil và Indonesia nhưng lại phụ thuộc vào các dòng tiền nóng. Hơn 80% thâm hụt tài khoản vãng lai được đảm bảo bởi các dòng vốn ngắn hạn hơn là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều công ty đang đối mặt với khoản nợ nước ngoài ngày một tăng cao.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với các rủi ro chính trị trong bối cảnh nước này không chỉ đối mặt với nguy cơ cắt giảm QE3 mà còn là cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần  cũng như các đấu đá trong nội bộ liên minh và các cuộc điều tra hình sự về các nhân vật có liên quan đến giới chính trị. Điều này làm cho việc khắc phục các yếu kém mang tính cơ cấu – bao gồm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp và tỷ lệ tiết kiệm suy giảm – càng trở nên mơ hồ hơn.

4. Nam Phi


Tạm thời không quan tâm đến khả năng cắt giảm gói QE3, nền kinh tế lớn nhất châu Phi đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề nội tại cũng như triển vọng đen tối về việc dòng vốn chảy ra nước ngoài sẽ trở nên tồi tệ hơn.


Tăng trưởng kinh tế của nước này đang ở được các chuyên gia dự đoán là sẽ xuống mức dưới 2% - thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2009 cộng với hàng loạt cuộc đình công, biểu tình trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức 25% cũng như tỷ lệ nghèo đói cao và tỷ lệ thâm hụt tài khoản vãng lai đã đạt mức 6,8%.


Bộ trưởng Tài chính Pravin Gordhan của nước này cho biết bên cạnh việc Mỹ cần tăng cường tuyên truyền và minh bạch hơn việc giảm quy mô gói QE3 nhằm làm giảm thiểu hóa hậu quả của các cú shock, ông này cũng thừa nhận rằng các thị trường mới nổi cần phải “vào cuộc” nhằm làm giảm thâm hụt và củng cố niềm tin vào môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.


Bất chấp các khó khăn, Bộ trưởng Tài chính Gordhan được ca ngợi đã có công hạn chế tăng chi tiêu công cũng như giữ cho mức tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 2,2% bất chấp việc Đại hội Đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào năm tới.


Tuy nhiên các nhà phân tích cho biêt Nam Phi cần phải tiến hành nhiều biện pháp cắt giảm lãng phí chi tiêu công cũng như các nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng và giảm thâm hụt.


5. Indonesia


Ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất cơ bản thêm 17,5% (175 điểm cơ bản) từ tháng 6 nhằm làm chậm lại dòng vốn chảy ra nước ngoài đang gây áp lực giảm giá nghiêm trọng lên đồng Rupia. Thâm hụt tài khoản vãng lai đã lên mức kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990.


Bất chấp việc lãi suất cao, đồng Rupiah của nước này đang ở mức thấp kỷ lục. Đồng tiền yếu, về lý thuyết, sẽ giúp Indonesia giảm thâm hụt tài khoản vãng lai về mức 2,5% GDP vào năm tới trong bối cảnh xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn. Lãi suất đi vay cao cũng sẽ giúp làm giảm nhu cầu nhập khẩu và cắt giảm thâm hụt hơn nữa.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Indonesia cần phải làm nhiều hơn nữa để ổn định nền kinh tế nước này một khi Fed cắt giảm QE3. Tác động của các dòng vốn chảy ra nước ngoài sẽ còn lớn hơn nữa khi mà 1/3 nợ của Chính phủ Indonesia là nợ nước ngoài. Gần đây, Ngân hàng Thế giới World Bank đã cắt giảm tỷ lệ dự báo tăng trưởng của Indonesia xuống 5,3% vào năm 2014 – giảm mạnh so với mức 6,3% của năm 2012. Và cũng như Ấn Độ, Indonesia sẽ tiến hành bầu cử vào năm sau do đó làm giảm hy vọng tiến hành các cải cách cơ cấu tối quan trọng của nước này.

Phương Linh

Theo Financial Times

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *