Thời sự 24/02/2014 07:13

“Nợ xấu có thể tăng nhưng độ nguy hiểm không tăng”

Đó là những chia sẻ của TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, xung quanh vấn đề nợ xấu, bất ổn vĩ mô và thị trường bất động sản bên lề hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014: Vấn đề và Giải pháp cho Doanh nghiệp” do TBKTVN tổ chức vào cuối tuần qua tại Tp.HCM.


TS. Trần Du Lịch.

Theo ông, kinh tế vĩ mô 2014-2015 có thể ổn định được hay không? Làm sao để giữ được ổn định vĩ mô mà không để tái lạm phát cao?

Chúng ta đã chuyển được từ lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu, tức là 6-7%. Mặt khác, cái gây bất ổn cao nhất là hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang được giải quyết từ từ. Mặc dù khả năng đổ vỡ mất thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đã xử lý được, nhưng còn cục nợ xấu vẫn còn và đang cần được giải quyết từ từ.

Từ những vấn đề trên, tôi tin rằng kinh tế vĩ mô 2014-2015 sẽ được ổn định, đó là điều chắc chắn. Cái chúng ta cần hiện nay là tập trung là tái cơ cấu đầu tư, hệ thống ngân hàng thương mại và tổng công ty Nhà nước. Nếu 2 năm tới, chúng ta làm tốt việc tái cơ cấu này, chúng ta sẽ tiến tới tái cấu trúc toàn bộ kinh tế.

Riêng vấn đề thị trường bất động sản, nhiều câu hỏi đặt ra có nên cứu thị trường bất động sản không? Xin thưa rằng, nhà nước, Chính phủ không thể cứu thị trường và cũng không nên cứu thị trường này. Chính phủ, nếu tốt lắm là làm vai trò “bà đỡ”, còn để thị trường “tự đẻ”, tự điều chỉnh.

Như ông vừa nói, Chính phủ chỉ có thể là “bà đỡ”, chứ không thể giúp doanh nghiệp vượt khó. Nhưng nếu không có những chính sách cụ thể để kích cầu thị trường bất động sản thì làm sao họ có thể vượt qua khó khăn?

Trong kinh tế thị trường, Chính phủ và Nhà nước trong vai trò “bà đỡ”, làm giỏi vai trò này là tốt rồi, không thể làm thay bà mẹ để “đẻ” được, cái này là của thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ có nhiều chính sách để hỗ trợ, đóng vai trò “bà đỡ”. 

Ví dụ, vai trò “bà đỡ” của Chính phủ thể hiện, thứ nhất qua sự hỗ trợ về thuế, Quốc hội đã ban hành một loạt luật để miễn giảm thuế áp dụng từ 2014 (thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác). 

Thứ hai, để kích thị trường, tăng thu chi, tăng đầu tư Quốc hội đã quyết bổ sung trái phiếu chính phủ 170.000 tỷ trong các năm tới cùng với cái đang có để tăng đầu tư cũng là hỗ trợ thị trường. 

Thứ ba, về tín dụng, tuy nghẽn nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì theo chỉ đạo Chính phủ là ưu tiên 5 lĩnh vực. Trên địa bàn Tp.HCM 2013, 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) chiếm đến gần 80% lượng tín dụng trên địa bàn. Năm 2014, 5 lĩnh vực này tiếp tục được ưu tiên hỗ trợ, hay gói 30.000 tỷ cũng là hỗ trợ.

Quay lại vấn đề nợ xấu. Theo báo cáo đánh giá mới nhất của Moody’s, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam ít nhất phải chiếm 15%. Ông nhận định gì về con số này?

Không biết Moody’s căn cứ vào đâu mà đưa ra con số này (Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra phản biện về báo cáo này), nhưng phải thừa nhận rằng 3 giải pháp giảm nợ xấu thực hiện trong 2 năm nay như: (1) Ngân hàng đã phải thiết lập dự phòng rủi ro về nợ xấu, (2) Tích cực đòi nợ, (3) Mua nợ xấu, tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã giảm tương đối.

Dĩ nhiên năm 2013 cũng có chủ trương cho phép cơ cấu lại nợ, cách làm như vậy đi từng bước cũng mất vài năm để xử lý được bài toán căn cơ. Nếu nói 2014 tình hình nợ xấu tệ hơn các năm trước thì không đúng.

Theo nguyên tắc quốc tế, một doanh nghiệp nợ 3 ngân hàng, chỉ cần 1 ngân hàng nợ đáo hạn không trả được thì lập tức nợ tại 2 ngân hàng kia bị chuyển thành nợ xấu; nhưng ở Việt Nam rất khó. Không phải doanh nghiệp đến hạn không trả là họ mất khả năng thanh toán đâu, đôi khi họ giữ lại tiền để làm chuyện khác. 

Tôi nghĩ chúng ta tuân thủ nguyên tắc quốc tế nhưng phải làm từng bước, chứ chúng ta làm ngay thì rõ ràng các ngân hàng không theo kịp.

Tôi xin nói lại, xử lý nợ xấu ngân hàng Việt Nam phải có mục đích “xử lý nhưng không để đổ vỡ”. Tôi nghĩ khi đến tháng 6 khi thực hiện Thông tư 02 tổng nợ xấu toàn hệ thống có thể sẽ tăng trên giấy tờ nhưng độ nguy hiểm không tăng. Chúng ta dùng kỹ thuật để tính con số nợ xấu lên hay xuống không giải quyết được vấn đề. Nợ xấu là vấn đề phải xử lý, nhưng con số bao nhiêu không quan trọng. 

Chủ trương của Chính phủ năm nay là ưu tiên giải quyết nợ xấu mà tôi hay gọi là “cục máu đông”. Không di lý “cục máu đông” làm sao tuần hoàn được. 

Thứ hai, có thể áp dụng Thông tư 02 làm tăng nợ xấu nhưng bản chất không nguy hiểm hơn.

Theo Minh Tú

VnEconomy

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *