Quốc tế 24/10/2014 07:34

Nhu cầu tài sản an toàn giảm khiến giá vàng bất ngờ lao dốc

Nhu cầu tài sản an toàn giảm bớt khiến giá vàng bất ngờ lao dốc. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ và giá dầu thô bật ngược trở lại nhờ các thông tin khả quan của nền kinh tế.

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau báo cáo lợi nhuận của 1 số doanh nghiệp đạt kỳ vọng cộng với dấu hiệu tăng trưởng mạnh hơn của kinh tế châu Âu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/10, chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, Dow Jones tăng 1,3% và Nasdaq tăng 1,6%.

Các số liệu kinh tế vĩ mô hôm qua đã cho thấy kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể đã bước tránh xa khủng hoảng. Chỉ số sản xuất PMI khu vực bất ngờ tăng trong tháng 10 trong khi kinh tế Tây Ban Nha phục hồi với số người thất nghiệp quý III giảm xuống thấp nhất 3 năm. Tại Đức, sản xuất cũng tăng trở lại trong tháng 10 sau khi bị sụt giảm hồi tháng 9. Những thông tin sáng sủa trên góp phần cải thiện niềm tin giới đầu tư, hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm.

Tại Mỹ, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tháng qua giảm xuống thấp nhất 14 năm cho thấy nền kinh tế cải thiện đã tạo động lực cho chủ doanh nghiệp giữ nhân viên. Số lượng đơn trung bình 4 tuần qua giảm xuống 281.000 đơn, thấp nhất kể từ tháng 5/2000, thấp hơn nhiều so với tuần trước đó 284.000 đơn, số liệu do Bộ Lao động cung cấp.

Ngoài ra, phố Wall tăng trở lại còn do lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp mới công bố cao vượt dự đoán. Tuy nhiên, các chỉ số hạn chế mức tăng sau tin tờ New York Post đưa: một bác sĩ, điều trị bệnh nhân Ebola tại châu Phi đã được đưa về bệnh viện New York với các dấu hiệu của virut nguy hiểm này. New York Post cho biết đây là thông tin từ nguồn giấu tên. Những lo lắng về dịch bệnh Ebola đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân, tác động cả đến các thị trường chứng khoán, đặc biệt là Mỹ.

Trong khi đó, giá vàng giảm mạnh nhất hơn 2 tuần sau các số liệu kinh tế khả quan từ châu Âu và Mỹ. Đồng đô la tăng giá lên cao nhất 2 tuần so với giỏ 10 đồng tiền chính của thế giới cũng là nguyên nhân đẩy giá vàng đi xuống.

Trên sàn Comex, New York, giá vàng giao tháng 12 giảm 1,3% chốt phiên tại 1.229,1 USD/oz, giảm mạnh nhất kể từ 3/10. Trước đó, giá còn chạm 1.226,3 USD/oz, thấp nhất 1 tuần qua. Trên sàn Kitco, lúc 7h20 sáng nay, giá vàng giao ngay đứng tại 1.230,4 USD/oz, thấp hơn đóng cửa phiên trước 10,6 USD/oz.

Lượng vàng do các quỹ ETF nắm giữ tiếp tục giảm, phá mốc thấp nhất 5 năm qua. Như vậy, từ đầu năm đến nay, tài sản vàng của các quỹ ETF đã giảm 5,9% sau khi giảm tới 33% trong năm 2013, số liệu do Bloomberg cung cấp. Các nhà quản lý tiền tệ cắt giảm đặt cược hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn vàng tại sàn Comex suốt 8 trong 9 tuần qua.

Giá vàng đã giảm 8,4% trong quý III do giới đầu tư tin rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng sẽ kích thích Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm nâng lãi suất cơ bản. Lãi suất cơ bản tăng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng do các hàng hóa nguyên liệu nói chung chỉ được mua nhiều khi giá cả thị trường tăng, trong khi đó, đồng USD mạnh hơn càng làm giảm nhu cầu cất trữ giá trị.

Giá dầu thô châu Âu tăng mạnh nhất 4 tháng và dầu thô Mỹ phục hồi từ mức thấp nhất 2 năm. Nguyên nhân chính là nguồn cung của Ả Rập Xê Út, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới được thông báo giảm đi. Theo nguồn tin từ nước này, Ả Rập Xê Út tháng 9 cung ra thị trường 9,36 triệu thùng dầu, thấp hơn 328.000 thùng so với tháng trước. Giá dầu còn tăng nhờ các dấu hiệu kinh tế châu Âu, Trung Quốc và Mỹ phục hồi, cải thiện cầu tiêu thụ.

Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 tăng 2% lên 82,09 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent giao tháng 12 cũng tăng 2,5% chốt phiên tại 86,83 USD/thùng,

Phương Linh

Theo Bloomberg/Reuters

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *