Quốc tế 15/01/2014 07:36

Nhật tung “núi tiền” đấu với với Trung Quốc tại châu Phi

FICA - Sau 8 năm không có thủ tướng Nhật nào tới thăm khu vực cận Sahara, những ngày qua, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có chuyến công du tới 3 quốc gia tại đây. Mang theo những cam kết viện trợ hào phóng, Tokyo cho thấy đang muốn so kè ảnh hưởng với Trung Quốc.

Sự đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc dường như đang lan rộng ra khắp thế giới. Sau nhiều năm căng thẳng quanh những hòn đảo hoang vu trên biển Hoa Đông, hay cạnh tranh vì ảnh hưởng tại châu Á, hai quốc gia này đang so kè trên một sân đấu mới: châu Phi.

Thủ tướng Nhật được người dân châu Phi chào đón
Thủ tướng Nhật được người dân châu Phi chào đón

Đây là một khu vực mà Tokyo từ lâu đã để cho Bắc Kinh qua mặt, giúp đối phương có thể tạo được ảnh hưởng kinh tế và chính trị khổng lồ khắp châu Phi.

Nhưng bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, một sự chuyển biến lớn trong chiến lược đã diễn ra, khi thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới Bờ Biển Nga, bắt đầu chuyến công du 5 ngày tại 3 quốc gia vùng Cận Sahara là Bờ Biển Ngà, Ethiopia và Mozambique. Đây là lần đầu tiên ông Abe tới khu vực này và cũng là thủ tướng đầu tiên của Nhật tới đây trong 8 năm qua.

Phát biểu trong ngày 14/1 tại tổng hành dinh của Liên minh châu Phi (AU) ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đưa ra những cam kết hỗ trợ hào phóng.

“Nhằm phản ứng trước các cuộc xung đột và thảm họa tại châu Phi, Nhật đang chuẩn bị thực hiện chương trình cứu trợ trị giá xấp xỉ 320 triệu USD”, ông Abe khẳng định.

Cũng nằm trong gói hỗ trợ này, ông Abe cam kết chi 25 triệu USD để hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tại Nam Sudan, nơi các cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy đã đẩy quốc gia non trẻ nhất châu Phi tới miệng vực nội chiến toàn diện.

Ngoài số tiền dành cho Sudan, ông Abe còn khẳng định Nhật sẽ ủng hộ 3 triệu USD cho cuộc khủng hoảng tại Cộng hòa trung Phi, nơi xung đột leo thang từ năm ngoái.

Trước đó trong cuộc họp với Tổng thống Mozambique Armando Guebuza hôm 12/1, ông Abe cũng đã công bố kế hoạch dành 70 tỷ Yên (676 triệu USD) hỗ trợ phát triển chính thức cho quốc gia này tới 2017.

Ông Abe gặp gỡ cùng Tổng thống Mozambique Armando Guebuza
Ông Abe gặp gỡ cùng Tổng thống Mozambique Armando Guebuza

“Kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc”

Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật, nhiệm vụ chính của chuyến đi của ông Abe đó là tìm kiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho Nhật, giữa lúc Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào lục địa lớn nhất thế giới.

Phát biểu trước khi lên đường đi châu Phi, ông Abe tuyên bố: “Châu Phi là tiền tuyến đối với ngoại giao của Nhật Bản”.

Đây là một sự “leo thang” nhanh chóng của Nhật tại mặt trận châu Phi, cho dù chắc chắn chưa thể đe dọa vị thế hàng đầu của Trung Quốc cả về thương mại và đầu tư cũng như chính trị tại đây.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần qua đã nhanh chóng khẳng định chuyến thăm của ông Abe là động thái so kè với Bắc Kinh tại lục địa đen. Dẫn lời một số nguồn tin Nhật Bản, tờ China Daily khẳng định lãnh đạo Nhật đang tìm cách “kiềm chế” ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi.

Còn tờ Thời báo hoàn cầu thì dẫn lời nhà phân tích về Nhật Bản Geng Xin cho rằng Tokyo đang “tỏ ra nồng ấm” với châu Phi nhằm cố gắng xóa đi hình ảnh về một Nhật Bản là “gã khổng lồ về kinh tế, nhưng chỉ là chú lùn về chính trị”. Ông Xin cho rằng Nhật đang tìm cách vận động châu Phi bỏ phiếu cho mình trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hua Chunying, một người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng phát đi một cảnh báo tới Nhật: “Nếu có quốc gia nào đó muốn tìm cách dùng châu Phi để so kè, quốc gia đó đã có quyết định sai lầm và chắc chắn thất bại”, bà Chunying khẳng định trong một cuộc họp báo hồi tuần trước.

Trong khi hai nước vẫn đang so kè cùng nhau, có một thực tế đó là Trung Quốc đã có một chiến lược quyết liệt hơn nhiều tại châu Phi, và đến nay vô cùng thành công. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi trong năm 2011 gấp khoảng 7 lần Nhật Bản, và lượng hàng xuất khẩu của họ tới đây cũng gấp Nhật 5 lần.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu hoặc lớn thứ hai của khoảng một nửa quốc gia tại châu Phi. Họ là nhà đầu tư chính vào lĩnh vực khoáng sản và nhà nhập khẩu lớn nhất dầu mỏ, khoảng sản từ nhiều quốc gia châu Phi. Các công ty xây dựng Trung Quốc cũng đang thi công đường sá, đường cao tốc, các tuyến đường sắt, sân vận động, hệ thống trung chuyển và bệnh viện khắp châu Phi.

Nhật cũng sẽ khó theo kịp Trung Quốc về ảnh hưởng chính trị tại đây. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên công du châu Phi. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc vừa kết thúc chuyến công du châu Phi trước khi ông Abe tới đây, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái đã chọn châu Phi làm điểm đến đầu tiên sau khi đắc cử.

Năm ngoái, Nhật đã cam kết tới 32 tỷ USD viện trợ công cũng như tư nhân cho châu Phi trong 5 năm tới, nhưng điều này chỉ giúp khẳng định danh tiếng của họ với tư cách nhà viện trợ, hơn là một đối tác thương mại.

Theo công bố của chính phủ Nhật, hiện chỉ có 2 công ty của nước này có mặt tại Bờ Biển Ngà, trong khi chỉ duy nhất 1 công ty có mặt tại Ethiopia. Số cư dân Nhật tại châu Phi cũng chỉ bằng 1% so với khoảng 1 triệu người Trung Quốc tại đây.

Theo Asahi Shimbun, các chuyên gia đã cảnh báo về việc không cần thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc.

“Nhật Bản trong lịch sử đã giành được thiện chí nhất định từ châu Phi với các chương trình hỗ trợ của mình”, Sayaka Funada-Classen, phó giáo sư về châu Phi tại đại học ngoại giao Tokyo cho biết. “Những sự đánh giá đó sẽ bị vứt bỏ nếu chúng ta chỉ cố làm những gì Trung Quốc làm trong cuộc đua cung cấp những hỗ trợ”.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *