Quốc tế 10/01/2014 15:23

Người dân Trung Quốc bực tức vì nghỉ Tết quá muộn

FICA - Trong khi người Việt Nam đang hồ hởi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ Tết âm lịch sớm hơn thường lệ, người Trung Quốc lại không khỏi bực tức khi phải làm việc hết 30 tháng Chạp. Không ít người cho rằng lịch nghỉ Tết khiến họ không thể về nhà đón giao thừa.

Suốt từ năm 2007 đến nay, người Trung Quốc đã quen với việc được nghỉ Tết âm lịch bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp. Bởi vậy, năm nay, rất nhiều người cũng đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ Tết bắt đầu từ ngày này.

 
Tết âm lịch là ngày lễ quan trọng nhất với người Trung Quốc
Tết âm lịch là ngày lễ quan trọng nhất với người Trung Quốc
 

Tuy nhiên, theo thông báo của Văn phòng Hội đồng nhà nước Trung Quốc, Tết âm lịch sẽ chỉ được tính từ 31/1 và kéo dài 7 ngày liên tục đến 6/2, sau khi làm bù 2 ngày cuối tuần trong các tuần trước và sau tết.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, quyết định loại ngày 30 tháng Chạp khỏi lịch nghỉ Tết chính thức là theo ý kiến của công chúng. Hãng tin này cũng dẫn lời một số chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ lịch nghỉ lễ mới. Trong đó giáo sư Dong Keyong, đến từ đại học Renmin ở Bắc Kinh cho rằng, lịch nghỉ lễ mới: “vẫn đảm bảo truyền thống đoàn tụ gia đình quan trọng dịp Năm mới’.

Một số người khác lại cho rằng, lịch nghỉ Tết như trên chỉ khiến nhiều chủ sử dụng lao động phải quay lại với việc cho công nhân nghỉ sớm vào ngày 30 tháng Chạp.

Thay đổi này đang vấp phải sự phản ứng không nhỏ từ dư luận, khi nhiều người cho biết không thể kịp trở về quê cùng gia đình ăn bữa cơm tất niên, đón giao thừa và theo dõi chương trình gala chào năm mới trên truyền hình.

Theo một khảo sát của trang mạng Sina được tờ thời báo Hoàn cầu đăng tải, có tới 88% người được hỏi phản đối việc phải đi làm vào ngày 30 tháng Chạp.

Trên tiểu blog Weibo, các cư dân mạng Trung Quốc đồng loạt chỉ trích lịch nghỉ lễ mà họ xem là một sự tấn công “phi nhân tính” vào ngày lễ quan trọng nhất của nước này.

“Vào ngày 30 tháng Chạp, tôi có kế hoạch tới tham quan sở điện lực, sở tài chính, sở y tế, sở an toàn lao động, sở văn hóa, sở các vấn đề xã hội, sở công an và sở giao thông. Hãy thử xem cơ quan nào dám nghỉ vào ngày đó”, một cư dân mạng viết.

Một người khác thì dẫn một đạo luật mà quốc hội nước này thông qua đầu năm 2013 quy định việc con cái trưởng thành phải tới thăm hỏi bố mẹ già và bình luận: “Chính phủ thật lố bịch. Họ đòi chúng ta tới thăm cha mẹ nhiều hơn. Công nhân xa nhà thì phải làm việc. Một số người phải đi 4-5 ngày đường mới về đến nhà, và như vậy họ cũng chỉ có được vài ngày cho bố mẹ, ông bà”.

Năm nay nhiều người lao động Trung Quốc có thể không kịp đón giao thừa tại nhà
Năm nay nhiều người lao động Trung Quốc có thể không kịp đón giao thừa tại nhà

“Nếu không được nghỉ vào ngày 30, làm sao tôi có thể về nhà và đoàn tụ với bố mẹ? Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng đạo làm con”, một người khác đến từ Thiên Tân viết.

Một người khác có tên Wuxi đến từ Giang Tô thì châm biếm: “Các quan chức nhà nước giờ mang hộ chiếu nước ngoài, đón lễ Tạ ơn và mừng Giáng sinh thì còn ai quan tâm tới Tết cổ truyền Trung Quốc?”

Cai Jiming, một giáo sư tại đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, người nằm trong nhóm nghiên cứu cải cách hệ thống ngày nghỉ lễ của Trung Quốc thì vẫn bảo vệ lịch nghỉ lễ mới. Vị này khẳng định khảo sát cho thấy một số cơ quan chính phủ và công ty vẫn cho nhân viên nghỉ nửa ngày hoặc cả ngày 30 tháng Chạp, cho dù đây có là ngày nghỉ lễ chính thức hay không.

Tết âm lịch là mùa đi lại tấp nập nhất trong năm tại Trung Quốc và thường được ví là cuộc di cư tập thể thường niên lớn nhất của con người trên thế giới. Năm ngoái, theo Tân Hoa xã, 3,42 tỉ lượt người đi lại đã sử dụng các hệ thống giao thông công cộng tại Trung Quốc. Với rất nhiều người trong số hơn 260 triệu lao động nhập cư tại nước này Tết cũng là dịp duy nhất họ về thăm nhà.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *