Quốc tế 29/01/2014 10:08

Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới và những điều có thể bạn chưa biết

FICA - Người dân Mỹ thích nghĩ rằng họ có một hệ thống dân chủ, nhưng Fed là một ngoại lệ. Có thể nói, Fed là kế hoạch Ponzi lớn nhất trong lịch sử thế giới, và nếu người dân Mỹ hiểu thực sự Fed hoạt động như thế nào, họ chắc sẽ ngay lập tức yêu cầu giải tán nó.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, người dân Mỹ hiểu rằng Fed chính là tâm điểm những vấn đề kinh tế của nước mình. Đó chính là một hệ thống tiền tệ được tạo ra bởi các ngân hàng và hoạt động vì lợi ích của chính các ngân hàng.

Người dân Mỹ thích nghĩ rằng họ có một hệ thống dân chủ nhưng Fed là một ngoại lệ. Các nhà hoạch định khó hiểu, không do bầu cử của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đang điều hành hệ thống tài chính và quản lý kinh tế Mỹ. Lý do khiến thị trường tài chính ngán ngẩm khi Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu điều gì đó về nền kinh tế là bởi điều đó sẽ thay đổi hoàn toàn bất cứ khi nào Chủ tịch Fed lên tiếng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hiện nắm quyền lực mạnh mẽ nhất trong nền kinh tế nước này. Có thể nói, Fed là kế hoạch Ponzi (*) lớn nhất trong lịch sử thế giới, và nếu người dân Mỹ hiểu thực sự Fed hoạt động như thế nào, họ chắc sẽ ngay lập tức yêu cầu giải tán nó. Dưới đây là một vài sự thật liên quan tới Fed mà có lẽ không phải ai cũng biết.

1. Thời gian tuyệt vời nhất của tăng trưởng kinh tế trong lịch sử Mỹ là khi không có ngân hàng trung ương.

2. Nước Mỹ chưa bao giờ có vấn đề dai dẳng với lạm phát cho tới khi Fed ra đời. Trong thế kỷ trước khi Fed được thành lập, lạm phát trung bình năm chỉ khoảng 0,5%. Trong một thế kỷ sau khi Fed ra đời, lạm phát trung bình vào khoảng 3,5%, và thậm chí có thể cao hơn nữa nếu các số liệu lạm phát không bị can thiệp điều chỉnh mạnh mẽ.

3. Ngay cả khi sử dụng các số liệu chính thức, giá trị của đồng đô la Mỹ đã giảm hơn 96% kể từ khi Fed được thành lập 100 năm trước.

4. Trong vòng 20 năm sau khi Fed thành lập, kinh tế Mỹ chìm trong Đại Suy thoái.



5. Bạn có lẽ nên biết rằng đã có 10 cuộc suy thoái kinh tế khác nhau kể từ năm 1950. Fed đã tạo ra "bong bóng dotcom", Fed tạo ra "bong bóng nhà đất" và giờ đang tạo ra bong bóng trái phiếu lớn nhất trong lịch sử loài người.

6. Theo một báo cáo chính thức của chính phủ, Fed đã bí mật cho các ngân hàng lớn vay 16.100 tỷ USD trong khủng hoảng tài chính gần đây. Dưới đây là danh sách những ngân hàng nhận được tiền vay được trích trong báo cáo:

Citigroup - 2.513 tỷ USD
Morgan Stanley - 2.041 tỷ USD
Merrill Lynch - 1.949 tỷ USD
Bank of America - 1.344 tỷ USD
Barclays PLC - 868 tỷ USD
Bear Sterns - 853 tỷ USD
Goldman Sachs - 814 tỷ USD
Royal Bank of Scotland - 541 tỷ USD
JP Morgan Chase - 391 tỷ USD
Deutsche Bank - 354 tỷ USD
UBS - 287 tỷ USD
Credit Suisse - 262 tỷ USD
Lehman Brothers - 183 tỷ USD
Bank of Scotland - 181 tỷ USD
BNP Paribas - 175 tỷ USD
Wells Fargo - 159 tỷ USD
Dexia - 159 tỷ USD
Wachovia - 142 tỷ USD
Dresdner Bank - 135 tỷ USD
Societe Generale - 124 tỷ USD
"Tất cả những người vay khác" - 2.639 tỷ USD

7. Fed đã tạo ra khoảng 2.750 tỷ USD từ hư không và bơm chúng vào hệ thống tài chính trong 5 năm qua. Khoản tiền này đẩy thị trường chứng khoán lên cao chưa từng có và cũng khiến thị trường tài chính trở nên cực kỳ bất ổn.

8. Nới lỏng định lượng mạnh mẽ mang lại lợi ích cho những ai sở hữu cổ phiếu và các khoản đầu tư tài chính khác. Nói cách khác, nới lỏng định lượng mạnh mẽ có lợi cho những người giàu. Thậm chí Tổng thống Mỹ Obama cũng đã phải thừa nhận rằng 95% thu nhập của người dân Mỹ kể từ khi ông trở thành tổng thống thuộc về 1% những người có thu nhập cao nhất.

9. Chênh lệch giữa 1% những người giàu nhất và phần còn lại của nước Mỹ hiện lớn nhất kể từ những năm 1920.

10. Fed đã tranh luận kịch liệt tại tòa án liên bang rằng mình không phải là một cơ quan của chính phủ liên bang và vì vậy không phải là đối tượng của đạo luật Tự do thông tin.

11. Fed thừa nhận công khai rằng 12 ngân hàng Fed khu vực được tổ chức giống như các doanh nghiệp tư nhân. Các ngân hàng Fed khu vực phát hành cổ phiếu cho các ngân hàng thành viên trong khu vực quản lý của mình.

Khu vực quản lý của 12 ngân hàng Fed địa phương.


12. Fed có nhiệm vụ quản lý các ngân hàng lớn, nhưng đã chẳng làm gì để ngăn bong bóng phái sinh lãi suất 441 nghìn tỷ USD do lạm phát, điều hoàn toàn có thể phá hủy cả hệ thống tài chính.

13. Fed được thiết kế để trở thành một cỗ máy nợ vĩnh viễn. Các ngân hàng tạo ra Fed có ý định muốn bẫy chính phủ Mỹ vào một vòng xoáy nợ vĩnh viễn không bao giờ có thể thoát ra được. So với thời điểm khi Fed được thành lập 100 năm trước, nợ quốc gia của Mỹ hiện gấp hơn 5000 lần.

14. Chính phủ Mỹ sẽ chi hơn 400 tỷ USD chỉ tính riêng lãi trên nợ quốc gia trong năm nay. Nếu lãi suất trung bình nợ chính phủ Mỹ tăng lên 6% (trong quá khứ có lúc nó đã lên cao hơn thế), người dân Mỹ sẽ phải trả thêm hàng nghìn tỷ USD mỗi năm chỉ tính riêng phần lãi trên nợ quốc gia.

15. Theo Điều 1, Khoản 8 của Hiến pháp Mỹ, Quốc hội Mỹ là cơ quan duy nhất có thẩm quyền đúc tiền, điều chỉnh giá trị của chúng và của tiền nước ngoài, và điều chỉnh Tiêu chuẩn cân đo". Vậy chính xác thì tại sao Fed lại đang làm những việc đó?

(*) Ponzi là mánh lừa đảo bằng cách vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay.

Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn.

Nguồn: Wikipedia

 


Phương Linh
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *