Quốc tế 20/12/2014 07:50

Nga và Mỹ không đầu hàng trước đòn tra tấn giá dầu của OPEC

Giá dầu đã không rớt thêm trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi có một sự tăng giá nhẹ lên mức 54,89 USD/thùng được xem như một liều thuốc thử đối với những đối thủ của OPEC trong cuộc chiến giá dầu là Mỹ và Nga.

Mức giá dưới 55 USD/thùng được xem là phù hợp để đánh giá tiềm lực và khả năng chịu đựng của các hãng khai thác và xuất khẩu dầu của Mỹ và Nga. Nhưng có vẻ như cuộc chiến sẽ không ngã ngũ trong tương lai gần, khi Nga vẫn chưa giảm sản lượng, còn Mỹ thì vẫn chưa bỏ cuộc.

Pha rớt giá choáng váng của giá dầu trong tuần qua khi đưa giá dầu chạm đáy ở mức 54 USD/thùng đã khiến mọi cặp mắt đều đổ dồn về OPEC. Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ quyền lực nhất trên thị trường dầu thế giới này thông qua một quan chức cao cấp là giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Kuwait đã tuyên bố sẽ can thiệp nếu giá dầu xuống dưới mức 65 USD/thùng. Và giờ đây, khi giá dầu đã xuống thấp hơn mức giá đó đến cả 10 USD mỗi thùng, thì OPEC và Arab Saudi có vẻ như vẫn chưa có dấu hiệu sẽ can thiệp.

Thậm chí, OPEC còn tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết trong vấn đề giá cả dầu trên thị trường thế giới. Bộ trưởng bộ năng lượng UAE, ông Suhail Al-Mazrouei đã tuyên bố hồi đầu tuần rằng OPEC sẽ giữ nguyên quan điểm không can thiệp vào giá dầu trước kỳ họp tới của tổ chức, được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6.2015. 
 
Điều đó đồng nghĩa với việc dù giá dầu có về đến 40 USD/thùng, như phát biểu của ông này, thì OPEC cũng không quan tâm. Dù tổng thư ký OPEC, Abadalla El-Badri, phủ nhận rằng OPEC đang nhắm đến việc tranh giành thị phần với Mỹ và Nga, thì sự cứng rắn ấy của OPEC cũng khiến giới phân tích phải nhìn nhận lại vấn đề.
Quả thực, nếu người ta có nghi ngờ việc OPEC thờ ơ với việc giá dầu giảm quá sâu, thậm chí có thể gây ra những hậu quả không nhỏ với các thành viên trong tổ chức này, liên quan đến việc triệt hạ các hãng khai thác và xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ và Nga thì tình trạng hiện tại đang cho thấy OPEC đã đúng. 
 
Bất kể giá dầu tụt thê thảm và những dự báo kém lạc quan, cả Mỹ và Nga vẫn chưa bỏ cuộc. Nga dù đã phải sử dụng đến công cụ lãi suất để chặn đứng đà tụt giá của đồng Rup thì vẫn đang nhất quyết không giảm sản lượng. Trong khi đó các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ vẫn đang cầm cự một cách kiên cường dù họ bị dự đoán là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên từ việc dầu giảm giá.
Thực tế là, các hãng khai thác và xuất khẩu dầu ở cả Nga lẫn Mỹ đều không đơn độc trong cuộc chiến khốc liệt này. Xuất khẩu dầu mỏ vốn chiếm phân nửa ngân sách Nga hàng năm là nguồn thu quan trọng nhất của chính phủ, những khó khăn gặp phải do giá dầu giảm trong năm nay sẽ không thể bì được với việc để mất thị phần vào tay OPEC nếu như Nga chấp nhận giảm sản lượng ở thời điểm hiện tại. 
 
Những ai theo dõi sát sao tình hình ở xứ sở bạch dương có thể thấy chính phủ của tổng thống Putin vẫn đang bảo vệ nguồn lợi từ dầu của mình kỹ lưỡng thế nào. Nga thậm chí đã nâng lãi suất lên mức khó tưởng tượng là 17% thì sẽ có thể nâng lên cao hơn để đối phó với tình hình hiện tại.
Nếu như các hãng dầu ở Nga được hậu thuẫn bởi chính phủ, thì các hãng dầu ở Mỹ được hậu thuẫn bởi các hãng bảo hiểm. Hệ thống bảo hiểm ưu việt và tầm cỡ hàng đầu thế giới của Mỹ dĩ nhiên là không thể bỏ qua một vấn đề quy mô như bảo hiểm giá dầu mỏ, và nó cũng đang đưa ra các gói giải pháp đa dạng cho các công ty dầu tùy thuộc vào quy mô lớn nhỏ của các doanh nghiệp này. 
 
Theo đó, hầu hết các hãng khai thác và xuất khẩu dầu của Mỹ đã mua bảo hiểm trong giai đoạn giá dầu tăng cao để phòng ngừa một sự giảm giá đột ngột. Giờ đây, khi giá dầu giảm sâu, thì các doanh nghiệp này đang nhận được sự hỗ trợ tài chính không hề nhỏ từ các tập đoàn bảo hiểm khổng lồ, giúp họ trang trải những khó khăn để tiếp tục hoạt động.
Tuy vậy, các chuyên gia vẫn tỏ ra bi quan khi đánh giá về triển vọng duy trì hoạt động lâu dài của các hãng khai thác dầu đá phiến Mỹ trong bối cảnh giá dầu vẫn ở mức dưới 60 USD/thùng như hiện nay. Cổ phiếu của các công ty dầu Mỹ đang sụt giảm khá mạnh, với mức trung bình khoảng 49% trong số 76 công ty được khảo sát, các chi phí tài chính hiện cũng đang tăng lên gần gấp đôi, chi phí vay trung bình của các công ty năng lượng Mỹ trên thị trường đã đạt mức 10,43% trong khi chỉ có 5,68% trong tháng Sáu năm nay. 
 
Điều này được lý giải bởi bản chất cạnh tranh tự do của thị trường Mỹ, nơi lợi nhuận sẽ quyết định tất cả và các doanh nghiệp không được hỗ trợ bởi nhà nước trừ những trường hợp đặc biệt.
 
Theo Một thế giới
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *