Quốc tế 08/03/2014 07:32

Nga bị ảnh hưởng gì từ các lệnh cấm vận của EU?

FICA - Kết thúc phiên họp khẩn các lãnh đạo châu Âu hôm qua (6/3), một loạt biện pháp trừng phạt Nga do can thiệp vào Ukraine đã được đem ra cảnh báo Mátxcơva. Dù vậy, theo các nhà phân tích, nếu có được áp đặt, các lệnh cấm vận cũng khó khiến Nga hề hấn.

Chia rẽ vì lợi ích riêng

Kết thúc cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels hôm qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố: “Nếu không có sự hạ nhiệt, EU sẽ quyết định các biện pháp bổ sung, như hạn chế thị thực nhập cảnh, đóng băng tài sản và hủy cuộc họp thượng đỉnh Nga - EU”.

 

Cả Anh và Đức đều không muốn cấm vận Nga
Cả Anh và Đức đều không muốn cấm vận Nga

Điều đó có nghĩa là rốt cuộc, các lãnh đạo EU vẫn chưa thể thống nhất về một lệnh trừng phạt đủ sức nặng đối với Mátxcơva, điều mà Mỹ đã rốt ráo thực hiện với tuyên bố đình chỉ hợp tác quân sự và đàm phán thương mại.

Cho đến nay biện pháp trừng phạt duy nhất mà EU đã đưa ra để đáp lại cái họ gọi là “hành động khiêu khích” từ Nga, khi nước này can thiệp vào Crimea, đó là “ngừng công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8”.

Trên thực tế, thất bại này đã được dự báo trước ngay từ khi hội nghị chưa diễn ra. Ý và Pháp không muốn trừng phạt Mátxcơva. Thụy Điển và các nước Đông Âu thì có quan điểm cứng rắn. Chính phủ Anh thì lo rằng lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng tới London và khiến các nhà tài phiệt giàu có, chi tiêu mạnh tay rời bỏ nơi đây.

Hôm thứ Hai, một phóng viên tự do đã chụp được bức ảnh một tài liệu mật mà một quan chức Anh mang tới cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia tại phố Downing. Tài liệu khẳng định Anh “vào lúc này, không nên ủng hộ các lệnh cấm vận thương mại,…hoặc đóng cửa trung tâm tài chính London với các quan chức Nga”.

Trong khi đó, ngành công nghiệp Đức thì đang vận động hành lang mạnh mẽ chống lại các lệnh trừng phạt với Nga. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong EU, với kim ngạch cao gấp hơn 3 lần nước đứng thứ hai là Ý. Đức cũng là nước tiêu thụ khí đốt của Nga lớn nhất, đóng góp tới 1/4 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga.

Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi sau cuộc họp, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo EU lúc này là “nhanh chóng ký thỏa thuận chính trị gia nhập EU cho Ukraine”, và EU chuyển tiền viện trợ tới Kiev, mà tuyệt nhiên không đề cập đến lệnh cấm vận kinh tế.

Và như tiết lộ của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, châu Âu “không hào hứng gì” trong việc áp đặt lệnh cấm vận với Nga.

Lệnh cấm vận… bị xem thường

Bình luận về các lệnh cấm vận mà EU bàn thảo, bao gồm ngừng đám phán về tự do đi lại Nga - EU và đám phán về một hiệp định mới điều chỉnh mối quan hệ giữa hai bên, bản thân đại sứ Nga tại Brussels, Vladimir Chizhov, tỏ rõ sự xem thường , bởi trên thực tế cả hai nội dung trên đều đã bị “đóng băng” từ lâu.

 

Vị thế của Nga tại Crimea vẫn sẽ vững vàng như một cỗ xe tăng
Vị thế của Nga tại Crimea vẫn sẽ vững vàng như một cỗ xe tăng
 
 

“Chúng có vẻ không quá ấn tượng. Tôi thậm chí sẽ nói rằng chúng còn kiềm chế hơn cả những lời cảnh báo chính trị xung quanh các vấn đề này. Bởi các tiến trình trên thực chất đã bị EU đóng băng. Nó không dẫn đến đâu cả”, ông Chizhov phát biểu trên website EurActiv.

Các nhà phân tích thì cho rằng, Putin đã tính tới các phản ứng có thể xảy ra sau khi Nga kiểm soát Crimea, và nhận thấy đáng để làm vậy. Bên cạnh đó, các lệnh cấm vận luôn là con dao hai lưỡi. Ví dụ, hiện có tới hơn 6000 công ty Đức hoạt động tại Nga. Một lệnh đóng băng tài sản đối với một số nhân vật cấp cao tại Nga cũng sẽ khiến các ngân hàng châu Âu tổn thương.

Chizhov chỉ ra rằng kim ngạch thương mại EU - Nga trị giá khoảng 1 tỷ euro/ngày. Và “đó là một con số đáng cân nhắc trước khi có bất kỳ biện pháp hạn chế nào. Đây không phải lời đe dọa, mà là một lời khuyên có tính thân tình. Một khi nói về quan hệ thương mại và kinh tế, đó luôn là một tuyến phố hai chiều”.

Thực vậy, với tư cách đối tác thương mại lớn nhất của Nga, ngay từ năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều của hai đối tác này lên tới gần 400 tỷ euro. Các quốc gia EU đóng góp gần 75% vốn FDI vào Nga, đồng thời Nga cũng cung cấp tới 33% lượng khí đốt hàng năm cho EU.

EU đã luôn giữ vai trò then chốt trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, vốn bùng phát sau khi Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych tại hội nghị thượng đỉnh EU tháng 11/2013 đã khước từ việc gia nhập khối này, mà quay sang nhận gói cứu trợ kinh tế từ Mátxcơva. Quyết định này đã khiến những người thân EU tại Ukraine nổi giận và bạo lực bùng phát.

Nhiệm vụ của EU là phải đáp trả, nhưng họ lại thiếu phương tiện để làm việc này một cách nhanh chóng và hiệu quả.

“Cho dù họ quyết định làm gì đi chăng nữa, liệu nó có tác động gì không?”, Jan Techau, giám đốc cơ quan nghiên cứu Carnegie Europe tại Brussels, Bỉ nhận xét. “Các công cụ trong hộp đồ nghề của họ không đủ mạnh để tạo khác biệt. Người Nga vẫn ở đó và không ai có thể đẩy họ đi. Chúng ta không thể thay đổi tình hình”.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *