Quốc tế 09/01/2015 07:20

Myanmar, “cường quốc ma túy” đang trở lại

Cách đây một thập kỷ, Myanmar đã có vẻ như sắp xóa được những cánh đồng thuốc phiện và những xưởng chế heroin trong rừng dọc theo biên giới phía Đông của nước này - khu vực “khét tiếng” với cái tên Tam Giác Vàng.

Myanmar, “cường quốc ma túy” đang trở lại

Một ruộng trồng anh túc ở Bang Laem, Myanmar - Ảnh: NYT

 

Tuy nhiên, theo tờ New York Times, ngày nay, những thung lũng nối tiếp nhau ẩn giữa những dãy núi mờ sương ở vùng Bang Laem của Myanmar lại phủ đầy loài hoa anh túc lộng lẫy. 

Theo kết quả các cuộc thăm dò do Liên hiệp quốc thực hiện, diện tích trồng anh túc ở Myanmar đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2006, tiến gần ngưỡng 60.900 ha. Tuy vậy, những con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ sự trỗi dậy của Myanmar với tư cách một nhân vật chính trên thị trường heroin toàn cầu.

Trong vòng mấy năm trở lại đây, ngày càng có nhiều nông dân ở Myanmar sản xuất hai vụ anh túc mỗi năm.

Trồng thuốc phiện là bất hợp pháp ở Myanmar, nhưng nông dân ở Bang Laem - một vùng xa xôi và cực nghèo - nói họ hầu như không có lựa chọn khả thi nào khác.

“Chúng tôi không muốn trồng thuốc phiện suốt đời”, nông dân Sang Phae, 36 tuổi, nói. Anh này đã sống ở Thái Lan gần một thập kỷ và về nước mang theo các kỹ thuật canh tác hiện đại.

“Chúng tôi biết là việc này không tốt trong xã hội, và các quốc gia khác không thích việc này. Nhưng chúng tôi chẳng có con đường nào khác”, Sang Phae nói.

Myanmar hiện đang giữ vị trí thứ nhì thế giới về sản lượng thuốc phiện, nhưng vẫn còn cách Afghanistan - nước đầu bảng - một khoảng cách xa.

Liên hiệp quốc ước tính, Afghanistan có 223.300 ha trồng thuốc phiện trong năm 2013, lớn gấp hơn 3 lần diện tích trồng loại cây này ở Myanmar. Tuy nhiên, heroin ở Tam Giác Vàng từ lâu nổi tiếng có chất lượng vượt trội và mức giá cao hơn nhiều so với hàng từ các nơi khác. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường chính cho heroin của Tam Giác Vàng.

Cho tới tận thập niên 1980, Myanmar là nguồn cung heroin lớn nhất thế giới. Bước sang thế kỷ 21, sản lượng thuốc phiện của Afghanistan tăng vọt, trong khi nguồn cung thuốc phiện từ Tam Giác Vàng sụt giảm, do Trung Quốc gây áp lực buộc các nhóm dân tộc thiểu số của Myanmar dọc theo biên giới phải dừng trồng cây anh túc.

Tuy vậy, thay vì biến mất, việc sản xuất thuốc phiện ở Myanmar đang dịch chuyển về phía Nam. Trong cuộc dịch chuyển này, cây thuốc phiện xa dần biên giới với Trung Quốc, tới những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm dân tộc thiểu số.

Trong khi Chính phủ Myanmar kiểm soát những thị trấn lớn, những khu vực miền cao của nước này là “lãnh địa” của những nhóm dân quân và binh sỹ dân tộc thiểu số, đồng thời cũng là trung tâm mới của hoạt động trồng thuốc phiện.

Sự trở lại của Myanmar trên thị trường ma túy, bao gồm cả sự nở rộ của hoạt động buôn bán chất methamphetamine, diễn ra trong bối cảnh nước này đã mở cửa với thế giới để khép lại 5 thập kỷ bị cô lập và nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội. 

Quân đội nước này bị cho là rất ngại tấn công vào hoạt động sản xuất, buôn bán và tàng trữ ma túy, vì lo làm như vậy sẽ phá hỏng các mối quan hệ liên minh lâu năm đã xây dựng được với các nhóm vũ trang thiểu số.

Ở Bang Laem, thuốc phiện được trồng trên những dãy núi ở vùng sâu vùng xa thuộc khu vực kiểm soát của những lực lượng đối lập lâu năm với Chính phủ. Những lực lượng này là nhánh phía Nam của nhóm vũ trang tự xưng Quân đội Nhà nước Shan (SSA), một nhóm muốn giành quyền tự trị.

Bang Laem được biết đến như một “vùng đen” khu vực này nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ Myanmar và thường không có người nước ngoài nào đặt chân tới.

Khi một đoàn quan chức Liên hiệp quốc và nhà báo tới Bang Laem mới đây, những cảnh sát chống ma túy hộ tống đoàn đã ở lại phía sau. Vào đầu tháng 12, một tuần trước chuyến thăm, một cảnh sát đã bị bắn trong một cuộc đụng độ với các phần tử nổi dậy, theo các quan chức Liên hiệp quốc.

Giới chức Liên hiệp quốc từ lâu cho rằng SSA tham gia buôn bán ma túy, nhưng phát ngôn viên Sai Hla của nhóm này tuyên bố, nhóm “ưu tiên xóa bỏ nạn buôn bán ma túy ở mức cao nhất có thể”.

Thuốc phiện không chỉ đem lại lợi nhuận cao, mà những tay buôn lậu còn cung cấp tài chính để người nông dân sản xuất loại ma túy này. Sự bùng nổ của cây thuốc phiện ở Bang Laem đã thu hút nông dân từ các khu vực khác của Myanmar. Mỗi năm, nông dân di cư từ các vùng khác tới nơi này đã phá những diện tích rừng lớn để có đất trồng cây anh túc.

Thời gian từ lúc trồng cây thuốc phiện tới lúc thu hoạch chỉ mất có 4 tháng. Sản phẩm thu hoạch được cũng rất gọn: sản lượng thuốc phiện cả năm của một nông dân bình thường chỉ cần nhét trong một cái vỏ gối là đủ.

“Đối với nhiều người Myanmar, thuốc phiện không phải là vấn đề, mà là giải pháp. Đó là cách để những nông dân nghèo tăng thu nhập, để có tiền mua muối, gạo, thuốc men và những mặt hàng thiết yếu khác”, nhà nghiên cứu Tom Kramer thuộc tổ chức theo dõi buôn bán ma túy bất hợp pháp Transnational Institute có trụ sở ở Hà Lan, nhận xét.

Dân làng ở Bang Laem cho biết, họ cảm thấy đang mắc kẹt trong một nền kinh tế thuốc phiện đầy rẫy sự phản trắc. Những tay môi giới thường đến thu mua thuốc phiện tươi ngay sau khi thu hoạch, nhưng dân làng cũng luôn phải cảnh giác với những phần tử “du côn” của nền kinh tế ngầm này. Không hiếm những người nông dân sau khi bán thuốc phiện bị những kẻ này “xin đểu”, thậm chí phải nộp tiền cho chúng dưới họng súng.

“Đúng là có thể lãi gấp 2-3 lần nhờ thuốc phiện, nhưng sẽ phải nộp tiền cho rất nhiều người”, cụ bà Ba Sang Jyan, 73 tuổi, có một cửa hàng tạp hóa nhỏ và một ruộng trồng thuốc phiện sau nhà, cho biết.

Bà Jyan và dân làng ở Bang Laem đưa ra một danh sách những đối tượng mà họ phải “cống nạp”: cảnh sát, lính chính phủ, SSA, và sỹ quan tình báo.

Bang Laem không có điện, chẳng có cơ quan công quyền hay đồn cảnh sát nào gần đó. Mãi tới năm ngoái, Liên hiệp quốc mới mở một con đường đất chạy qua một sườn núi ở vùng này. Trước đó, cách duy nhất để vào Bang Laem là một đường mòn nhỏ đầy bụi đất.

Liên hiệp quốc đã thuyết phục các gia đình trong vùng này dành một phần đất đai để trồng cây cà phê. Trước đây, các chương trình cây trồng thay thế ở Myanmar đã thất bại nhiều lần. Sản phẩm của những loại cây trồng như kiều mạch hay mía đường rất khó vận chuyển trong điều kiện giao thông kém.

Về phần mình, nông dân ở Bang Laem nói họ sẵn sàng trồng cà phê, nhưng cũng chưa muốn từ bỏ những cánh đồng thuốc phiện. 

“Tôi sẽ dừng sản xuất thuốc phiện ngay khi có thể, nhưng nếu trồng cà phê, tôi sẽ chẳng có gì mà ăn”, Nang Wan, 23 tuổi, nói khi đang dõi mắt theo đứa con nhỏ giữa lúc chồng cô thu hoạch nhựa anh túc.

 

Theo An Huy

VnEconomy

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *