Quốc tế 24/03/2014 16:57

Mỹ từng tính cô lập Nga khỏi hệ thống giao dịch USD

FICA - USD có thể trở thành vũ khí 2 lưỡi khi được cả Nga và Mỹ dùng trong kế hoạch trừng phạt lẫn nhau.

Cô lập Nga khỏi hệ thống giao dịch USD

Báo chí Mỹ trong đó có New York Times và Wall Street Journal mới đây dẫn nguồn thạo tin cho hay, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự định sẽ thảo luận với Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseny Yatsenyuk vào ngày 12/3 về phương án trừng phạt Nga bằng cách cô lập nước này khỏi hệ thống giao dịch USD.


Tuy nhiên, ngay từ đầu, giới phân tích cho rằng, biện pháp trừng phạt này hoàn toàn bất khả thi. USD là đồng tiền dự trữ sử dụng cho các giao dịch quốc tế và dự trữ ngoại hối. Nga là một trong những thành phần quan trọng thứ 2 trên thị trường năng lượng, là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, là giám sát viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và thành viên nhóm G20. Hơn nữa, Nga là nước dự trữ USD nhiều nhất thế giới.


Sức mạnh của USD không phải phụ thuộc vào vàng mà vào niềm tin toàn cầu hay cách khác chính là uy tín của nó. Việc Mỹ quá lạm dụng USD làm vũ khí trừng phạt mang tính chính trị sẽ hủy hoại niềm tin vào đồng tiền này. Mỹ có thể thiệt hạt nặng nề nếu cô lập Nga khỏi hệ thống giao dịch USD bởi khi đó những nước bị ảnh hưởng sẽ tìm cách giảm dần phụ thuộc vào USD và hệ thống tài chính của Mỹ.


Trong khi đó, Rustam Tankaev, chuyên gia tại Liên minh dầu khí Nga nhận định: “Không khó để đưa ra những cơ chế mới cho phép Nga bán năng lượng mà không cần đến USD. USD không phải là một đồng tiền ổn định. Nếu không có các yếu tố phụ trợ, USD sẽ xuống dốc, khi đó có thể tính đến dùng bản vị vàng hay loại tiền tệ khác”. Ông này cũng cho biết, USD chiếm phần lớn trong dự trữ ngoại hối của Nga, nếu chúng bị bán tháo trên thị trường thì đồng tiền này sẽ chịu hậu quả nặng nề.


Những tranh luận về việc Mỹ có ý định cô lập Nga khỏi hệ thống giao dịch USD diễn ra ngay sau khi cố vấn kinh tế tổng thống Nga Sergei Glazyev hồi đầu tháng này nói rằng nếu Mỹ trừng phạt kinh tế Nga, Matxcơva buộc phải bỏ dự trữ USD và từ chối chi trả các khoản vay ở các ngân hàng Mỹ. Ông cho biết Matxcơva có thể kêu gọi mọi người bán USD nếu Washington đóng băng tài khoản USD của các doanh nghiệp và cá nhân Nga. Thực tế, doanh nghiệp Nga đã rút hàng tỷ USD khỏi các ngân hàng của Mỹ để tránh nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.


Mặc dù chính phủ Nga chưa bao giờ xém xét những đề xuất này nhưng ý tưởng bó USD khỏi lưu thông tiền tệ xuất hiện ở Nga từ khá lâu. Ông Dmitry Medvedev khi còn làm Tổng thống đã đề xuất lập một đồng tiền dự trữ mới, và có thể là rúp.


Nga-Mỹ “ăn miếng trả miếng” – Cơ hội trỗi dậy của nhân dân tệ


Tính đến cuối năm 2013, nhân dân tệ trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ nhì trong tài chính thương mại. Đồng tiền này được dự báo sẽ sớm vượt USD trở thành đồng tiền dự trữ số 1 thế giới, theo khảo sát của hãng tin CNBC công bố cuối tháng 2/2014.


Sự trỗi dậy của Trung Quốc phần lớn nhờ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu ngày càng tăng. Giám đốc điều hành, kiêm kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư lớn nhất của Nga, ông Yevgeny Gavrilenkov, cho rằng GDP của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, lên khoảng 14-16 nghìn tỷ USD trong thời gian ngắn nữa, ngang hàng với Mỹ và EU.


Nhân dân tệ được cho là cũng hưởng lợi từ căng thẳng Nga – Mỹ khi Nga chuyển trọng tâm sang châu Á.


Hôm 21/3 vừa qua, hệ thống thanh toán quốc tế Visa và Mastercard của Mỹ tuyên bố sẽ ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán nước ngoài cho 4 ngân hàng lớn của Nga. Các ngân hàng Nga này có thể sẽ chuyển hưởng dịch vụ thanh toán quốc tế thông qua sử dụng hệ thống UnionPay của Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan khác, người đứng đầu tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga, Rosneft, cho biết, nếu Mỹ, châu Âu cô lập Nga, Nga sẽ chuyển trọng tâm sang châu Á để tìm kiếm các thương vụ kinh doanh, năng lượng, hợp đồng quân sự và liên minh chính trị.


“Quan hệ Nga và phương Tây càng xấu đi bao nhiêu, thì Nga càng muốn gần gũi Trung Quốc bấy nhiêu. Nếu Trung Quốc cũng ủng hộ, thì không ai có thể nói rằng Nga bị cô lập”, Vasily Kashin, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện phân tích chiến lược và công nghệ nhận định.

Phương Linh
Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *