Quốc tế 18/08/2015 09:16

Mưu đồ đằng sau việc phá giá đồng nhân dân tệ

Tỉ giá là chủ đề nóng nhất trong tuần qua. Thị trường thế giới đảo lộn vì Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ (NDT). Việt Nam cùng các quốc gia khác trong khu vực cũng đang chịu áp lực tỉ giá rất lớn. Áp lực tỉ giá vào cuối năm sẽ đè nặng, các chuyên gia tài chính hàng đầu Việt Nam dự báo gì?

Trung Quốc mưu đồ gì khi phá giá NDT? Có phải Trung Quốc đang chứng minh cho cả thế giới thấy NDT có thể trở thành một đồng tiền tự do chuyển đổi, tham gia vào quyền rút vốn đặc biệt và mạnh ngang USD, euro, yen Nhật?

 

Ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Đồng tiền tự do chuyển đổi và quốc tế hóa

Việc điều chỉnh tỉ giá dồn dập của Trung Quốc vừa qua nói lên một câu chuyện dài và tương đối rộng lớn. “Ý đồ” của Trung Quốc là muốn đồng NDT trở thành một đồng tiền tự do chuyển đổi, quốc tế hóa đồng NDT và trước mắt, Trung Quốc cùng với Quỹ Tiền tệ IMF hiện đang đàm phán việc đồng NDT có thể tham gia vào quyền rút vốn đặc biệt và là một trong những ngoại tệ cùng đồng USD, đồng bảng Anh, đồng euro, đồng yen Nhật trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Và để làm được điều này, IMF sẽ đòi hỏi Trung Quốc cần phải linh hoạt cơ chế tỉ giá hối đoái. Trung Quốc cũng chứng minh với thế giới rằng với một cơ chế tỉ giá hối đoái mới không xác lập bằng tỉ giá bình quân liên ngân hàng hằng ngày mà thay bằng tỉ giá mở cửa hằng ngày bằng tỉ giá đóng cửa hôm trước.

“Đương nhiên Trung Quốc đang giải thích rằng, việc phá giá đồng NDT thấp xuống để nhằm hỗ trợ xuất khẩu cũng như hỗ trợ tăng trưởng nhưng tôi cho rằng có vẻ như Trung Quốc không đơn thuần chỉ vì mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu xuất khẩu mà họ đang xử lý những vấn đề liên quan vị thế của đồng NDT trong một lộ trình quốc tế hóa đồng tiền của mình” - ông Phước nhấn mạnh.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế: Áp lực tỉ giá cuối năm sẽ nặng nề

Chính sách điều chỉnh tỉ giá khá hiệu quả trong thời gian qua và cũng đang linh hoạt hơn. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, có quan hệ thương mại, đầu tư với rất nhiều nước khác nhau, đặc biệt là năm nay, Trung Quốc có động thái rất mạnh về chính sách lãi suất và tỉ giá. Trung Quốc là một đối tác lớn, quan trọng của VN chúng ta, cho nên, tôi thấy áp lực về tỉ giá đối với NHNN từ nay đến cuối năm sẽ nặng nề và căng thẳng hơn so với các năm trước.

Chính vì vậy, NHNN cần có 3 động thái quan trọng:

Một là: Tiếp tục theo sát thị trường, đặc biệt những thị trường có quan hệ thương mại lớn với VN chúng ta, nhất là Trung Quốc, vì Trung Quốc có nhiều chính sách khá bất ngờ trong thời gian vừa qua.

Hai là: Tiếp tục chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt. Câu chuyện liên quan đến biên độ giao dịch cũng là một cách thức để chúng ta xử lý vấn đề.

Ông Phạm Thanh Hà - Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

Sau khi NHNN điều chỉnh biên độ tỉ giá, thị trường liên ngân hàng biến động tương đối mạnh. Do đó, các NHTM cũng thực hiện điều chỉnh tỉ giá niêm yết theo thị trường để kịp thời cân đối nhu cầu cho các khách hàng. Trả lời cho câu hỏi: “Áp lực với tỉ giá từ nay tới cuối năm ra sao?”, cuối năm là thời điểm cả cung và cầu ngoại tệ đều tăng mạnh.

Cung từ các kênh xuất khẩu, kiều hối, vốn đầu tư. Cầu ngoại tệ cho nhập khẩu, thanh toán của các doanh nghiệp. Cung ngoại tệ có khả năng tăng do điều chỉnh của NHNN có tác động tích cực đến xuất khẩu.

Với định hướng tỉ giá mục tiêu 2% và biên độ tỉ giá được nới rộng như hiện tại, thị trường ngoại hối nhiều khả năng sẽ hoạt động ổn định và hiệu quả. Thực tế, VCB vẫn mua ròng từ đầu năm đến nay, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng. Do vậy, áp lực tỉ giá trong vòng 4 tháng từ nay tới cuối năm cũng sẽ như diễn biến các năm và có thể không đáng lo ngại sau việc điều chỉnh của NHNN.

Theo Lan Hương - Quang Hùng (ghi)
Lao động

 
 
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *