Quốc tế 25/05/2014 10:22

Mưu đồ của Trung Quốc với giàn khoan 981?

Việc Trung Quốc ngày 2/5 kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ là một bước trong chuỗi những âm mưu thôn tính Biển Đông được chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị từ trước đó rất lâu.

Trung Quốc chuẩn bị âm mưu với giàn khoan Hải Dương 981 như thế nào?

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Giàn khoan Hải Dương 981 là thuộc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Được thành lập năm 1982, CNOOC là một trong 116 doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc (SASAC). Dù xếp sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) và Sinopec trong lĩnh vực dầu khí, nhưng CNOOC là công ty lớn nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác dầu khí ở ngoài khơi.

Để đáp ứng cơn khát dầu của Trung Quốc, trong bài viết “CNOOC’s Offshore Strategy Intensifies”, đăng trên mạng Energy Tribune ngày 18/7/2013, Tim Daiss cho rằng nhiệm vụ mà Bắc Kinh giao cho CNOOC là phải tìm kiếm được nhiều dầu khí chừng nào có thể.

Với mức tăng trưởng kinh tế hiện tại và – cùng với sự tăng trưởng đó – ngày càng có nhiều người Trung Quốc dùng xe hơi, quốc gia này càng ngày càng cần dầu khí. Mãi tới năm 1993, Trung Quốc vẫn là một quốc gia xuất khẩu dầu. Nhưng theo Cục Quản lý Thông tin năng lượng (EIA) của Mỹ vào tháng 9/2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo số liệu của của EIA, mỗi ngày Trung Quốc cần nhập đến 6.3 triệu thùng dầu dù Trung Quốc là nước sản xuất dầu lớn thứ tư trên thế giới (4.5 triệu thùng/mỗi ngày trong năm 2013). Trong khi con số ấy ở Mỹ là 6.1 triệu.

Không khai thác đủ dầu cho tiêu thụ nội địa một phần cũng vì – như Tim Daiss nhận định – các nguồn dầu dự trữ của Trung Quốc một ngày một cạn. Vì vậy, Trung Quốc cần tìm kiếm dầu từ các quốc gia khác. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện tại, dầu khí còn đóng một vai trò quan trọng khác trong chiến lược phát triển – và đặc biệt tham vọng trở thành cường quốc – của Trung Quốc.

Trong cuốn “China, Oil and Global Politics”, xuất bản năm 2011, Philip Andrews-Speed và Roland Dannreuthe cho rằng Trung Quốc đạt được tham vọng đó hay không tùy thuộc rất nhiều vào việc nước này có tìm đủ được nguồn dầu khí.

Vì những lý do đó, qua CNOOC, Bắc Kinh đã và đang tìm cách ký kết các hợp đồng mua bán, khai thác dầu khí tại nhiều nước khác nhau ở Nam Mỹ, Trung Đông hay châu Phi. Và quan trọng hơn cả là việc chính quyền Bắc Kinh ra lệnh cho CNOOC xây dựng giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 để đi vơ vét dầu khí ở những vùng biển tranh chấp và thậm chí còn hơn cả thế nữa.

CNOOC đã đầu tư đến 923 triệu USD và mất ba năm để xây dựng giàn khoan này. Hải Dương 981 là một giàn khoan nước sâu khổng lồ – nặng đến 31.000 tấn, dài 114 m, rộng 90 m, cao 137.8 m – và có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m.

Hải Dương 981 đã được chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 9/5/2012 khi tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một vị trí trên Biển Đông, cách Hong Kong 320 km.

Song song với việc xây dựng giàn khoa này, CNOOC còn tìm cách ký kết các hợp đồng (mua bán, hợp tác) với nhiều công ty khác trên thế giới để thăm dò, khai thác dầu khí để thủ đắc những trang bị kỹ thuật hiện đại.

Trung Quốc chuẩn bị âm mưu với giàn khoan Hải Dương 981 như thế nào?

Biếm họa về cơn khát dầu của Trung Quốc

Khu vực nước sâu Biển Ðông là một khu vực hầu như chưa được đụng chạm đến xét về mặt khai thác dầu mỏ và khí đốt. Lý do quan trọng nhất khiến khu vực này còn chưa được đụng chạm đến là vì tranh chấp chủ quyền khiến các công ty tư nhân không ai muốn thăm dò và khai thác ở vùng biển này. Từ giữa năm 2012, khi chủ đề này trở nên nóng, hãng tin Reuters đã trích lời của Gordon Kwan thuộc Mirae Asset Securities cho rằng “nếu bạn có thể khoan dầu ở miền tây châu Phi, Vịnh Mexico, Brazil, hay Biển Bắc, thì tại sao lại phải đến Biển Ðông làm gì?”

Trong khi các công ty tư nhân không muốn mạo hiểm làm ăn trên Biển Ðông, các công ty của nhà nước như CNOOC có thể có lý do để tiến vào khu vực này. Vì theo lời chủ tịch của CNOOC hồi năm 2012, Wang Yilin, các giàn khoan nước sâu, ngoài chức năng kiếm tiền cho công ty, còn là các “lãnh thổ quốc gia di động” và là một “vũ khí chiến lược”.

Trên thực tế, việc khai thác dầu khí ở Biển Ðông cũng không được bất cứ bên nào đả động đến cho mãi tới thời gian gần đây. Lý do là để thăm dò và khai thác được dầu/khí ở các vùng nước sâu thì phải cần đến các công nghệ khai thác ở vùng nước sâu (thí dụ như các giàn khoan nước sâu lưu động hoặc các tàu khoan).

Trên nguyên tắc, các nước có thể thuê các thiết bị khoan ở vùng nước sâu như thế. Tuy nhiên, do sự bùng nổ về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, công suất sử dụng của các thiết bị khoan nước sâu luôn ở mức 90% đến 100%, vì vậy việc thuê mướn thiết bị gần như là không thể. Ðó là chưa kể những quan ngại về chuyện ăn cắp công nghệ khi cho các công ty ở các quốc gia không có truyền thống tôn trọng vấn đề bản quyền thuê.

Vì thế, để thực thi chủ quyền trên thực tế thông qua việc khoan dầu/khí ở Biển Ðông, các bên tham gia tranh chấp trên vùng biển này sẽ phải dựa vào thực lực công nghệ của chính mình, hoặc là đi mua. Trong số các nước đang tranh chấp ở khu vực này, mới chỉ có Trung Quốc là có được công nghệ khoan ở vùng nước sâu, và cũng chỉ mới có được từ năm 2011. Dự án trị giá tới gần 1 tỉ USD được hoàn thành và đặt tên Hải Dương 981 do CNOOC sở hữu có khả năng khoan với độ sâu 3km dưới mặt nước biển.

Kể từ đó Trung Quốc liên tục đề cập đến câu chuyện khai thác dầu khí ở Biển Ðông. Ðộng thái đầu tiên kể từ khi có Hải Dương 981 là đưa giàn khoan này tới khoan thử ở vùng biển phía Tây Nam của Hồng Kông giữa tháng 5/2012. Vùng biển này, theo AP, nằm hoàn toàn trong chủ quyền của Trung Quốc chứ không thuộc vùng đang bị tranh chấp trong Biển Ðông. Tuy nhiên, độ sâu của vùng khoan “thử nghiệm” này chỉ có khoảng 1,5km. Ðiều này làm nhiều người khi đó đồn đoán rằng Hải Dương 981 có nhiều khả năng sẽ được kéo xuống vùng biển tranh chấp để thực thi cái gọi là “lãnh thổ quốc gia di động” theo lời của chủ tịch CNOOC.

Trung Quốc chuẩn bị âm mưu với giàn khoan Hải Dương 981 như thế nào?

Ngoài chức năng kiếm tiền cho công ty, các giàn khoan nước sâu của CNOOC còn là các “lãnh thổ quốc gia di động” và là một “vũ khí chiến lược”

Tuy nhiên, có giàn khoan 981 không thì chưa hẳn đã đủ, vì công nghệ là một chuyện, còn kinh nghiệm lại là chuyện khác. CNOOC đã đi thêm một bước đi nữa là mua thành công công ty dầu khí Nexen của Canada với trị giá hơn 15 tỉ USD hồi đầu năm 2013. Ðây là một công ty thuộc hàng “lão tướng” trong việc khai thác dầu khí ở vùng nước sâu với nhiều năm hoạt động khai thác ở vịnh Mexico. Với sự tăng cường kinh nghiệm và công nghệ của Nexen, có vẻ như điều kiện đã đủ “chín” để CNOOC đưa 981 xuống vùng Biển Ðông của Việt Nam.

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam là một hành động “ném đá dò đường” về chính trị nhiều hơn là một hoạt động thăm dò dầu khí thực sự.

“Thực thi chủ quyền thực tế” trên Biển Ðông của Trung Quốc là câu chuyện mà giới phân tích đã dự liệu từ lâu. Ðộng thái mới này, tuy đột ngột về mặt thời điểm, không phải là một động thái bất ngờ về mặt chiến lược và chiến thuật.

Các chuyên gia cho rằng một phản ứng quyết liệt và biết kìm chế của Việt Nam là hết sức cần thiết. Việt Nam không nên chủ động châm ngòi một cuộc xung đột vũ trang trên biển, nhưng Việt Nam phải làm mọi cách để hoạt động thăm dò của giàn khoan 981 không thể diễn ra, bao gồm cả việc điều động lực lượng hải quân ra can thiệp.

Nếu Việt Nam không làm điều này, thì Biển Ðông không chỉ có Hải Dương 981, mà sẽ còn có nhiều giàn khoan khủng nữa trong tương lai đến từ Trung Quốc. Với công nghệ và kinh nghiệm của Nexen mà CNOOC đã nuốt trọn, điều này là hoàn toàn khả thi.

 

Theo S.Phương
Petrotimes

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *