Quốc tế 26/01/2015 12:20

Mật độ dân số đô thị tăng chóng mặt tại Đông Á

FICA - Dân số đô thị ở Đông Á tăng nhanh hơn với mức tăng bình quân hàng năm là 3%, đạt 778 triệu trong năm 2010 – con số lớn nhất so với bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Phải mất hơn 50 năm châu Âu mới đô thị hoá được số dân như vậy.

Theo một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phát hành, có gần 200 triệu người đã di chuyển đến các khu vực đô thị tại khu vực Đông Á trong giai đoạn 2000-2010, tương đương với số dân của một nước lớn thứ sáu trên thế giới.

Lần đầu tiên, dữ liệu so sánh các khu đô thị và dân số một cách nhất quán trên toàn khu vực Đông Á đã giúp các chính phủ và các nhà lãnh đạo đô thị hiểu biết tốt hơn về hình hài và quy mô tăng trưởng để họ có thể thực hiện đô thị hóa đúng đắn - tạo cơ hội cho tất cả mọi người.

“Đô thị hóa nhanh chóng là một thách thức đáng kể cho khu vực Đông Á, nhưng chúng ta không thể quản lý những gì chúng ta không thể đo lường được” - ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á cho biết. “Chúng tôi cung cấp dữ liệu này để lãnh đạo các đô thị có thể có được một bức tranh tốt hơn và hành động để đảm bảo rằng tăng trưởng đô thị mang lại lợi ích cho người dân đang di chuyển ngày càng nhiều đến các thành phố, đặc biệt là người nghèo.”

Theo báo cáo “Thay đổi Cảnh quan Đô thị Đông Á: Đánh giá một thập kỷ Phát triển Không gian” của WB, nhìn chung thì đô thị ở Đông Á tăng với tốc độ trung bình 2,4% mỗi năm trong thời gian nghiên cứu, với tổng diện tích đô thị vào năm 2010 là 134.800 km2 vào năm 2010.

Dân số đô thị tăng nhanh hơn với mức tăng bình quân hàng năm là 3%, đạt 778 triệu trong năm 2010 – con số lớn nhất so với bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Phải mất hơn 50 năm châu Âu mới đô thị hoá được số dân như vậy.

Báo cáo cũng cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa đô thị hóa và tăng trưởng thu nhập, và mối liên hệ giữa năng suất lao động cao hơn cùng với tỉ lệ dân số đô thị tăng lên.

Theo đó, vùng Đông Á có 869 khu vực đô thị có trên 100.000 dân. Trong đó bao gồm 8 thành phố lớn với hơn 10 triệu người, bao gồm đồng bằng Châu thổ Châu Giang, Thượng Hải và Bắc Kinh của Trung Quốc; Tokyo và Osaka của Nhật Bản; Jakarta, Seoul và Manila. Đồng bằng Châu thổ Châu giang của Trung Quốc đã vượt qua Tokyo và trở thành đô thị lớn nhất thế giới cả về quy mô và dân số.

Đồng thời, báo cáo cho thấy con số các đô thị nhỏ hơn cũng tăng đáng kể. Thực tế là, có 572 khu đô thị nhỏ nhất - với dân số từ 100.000 đến 500.000 người - và 106 khu đô thị vừa với dân số từ 1.000.000 - 5.000.000 người có diện tích đất lớn hơn so với 8 siêu thành phố kể trên.

Một đặc điểm đáng chú ý trong mở rộng đô thị này là các khu đô thị đang có mật độ dân ngày càng tăng, mà, nếu quản lý tốt, sẽ tốt hơn cho môi trường và cung cấp các dịch vụ cho người dân hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng làm nảy sinh thách thức đáng kể do bị phân mảnh, trong đó gần 350 khu đô thị nằm trong nhiều khu vực hành chính của địa phương. Trong một số trường hợp, nhiều thành phố được sát nhập thành một thực thể duy nhất trong khi chúng tiếp tục được quản lý một cách riêng rẽ.

Tuy tăng trưởng đáng kể và nhanh chóng như vậy nhưng số liệu cho thấy rằng tổng diện tích đô thị hoá khu vực Đông Á chưa đến1%, và dân số đô thị chỉ chiếm 36% - qua đó thấy rằng quá trình mở rộng đô thị tại khu vực mới chỉ bắt đầu.

“Cần định dạng đô thị, quản lý mật độ dân cư và phối hợp hành chính đúng đắn thì mới có thể chấm dứt nghèo cùng cực và tăng cường chia sẻ thịnh vượng,” Abhas Jha, Trưởng bộ phận Thực hành Toàn cầu về Ứng phó , Đô thị, Nông thôn và Xã hội của Ngân hàng Thế giới nói.

Bích Diệp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *