Quốc tế 08/01/2014 13:49

Màn dạo đầu chiến dịch đóng cửa Bangkok

FICA - Ngày 7/1, hàng nghìn người biểu tình đổ ra đường khởi đầu cho chiến dịch "đóng cửa Bangkok" vào ngày 13/1 tới.

Trong nỗ lực buộc Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra từ chức, ngày 7/1, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ đã đổ ra đường. Người biểu tình phong tỏa tất cả các ngả đường chính trên địa bàn thủ đô và ngăn không cho chính phủ hoạt động. Đây được cho là màn khởi đầu cho chiến dịch “đóng cửa Bangkok” vào ngày 13/1 tới. Diễn biến này tiếp tục làm trầm trọng thêm những bất ổn tại Thái Lan.

Theo hãng tin Reuters, ít nhất 5000 người đã tỏa ra đường từ một trại biểu tình chính tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok. Người biểu tình đã tuần hành sang bên kia sông đến mạn Thonburi của thành phố rồi quay trở lại. Cảnh sát không đưa ra ước tính về quy mô của đám đông này. Đây được cho là cuộc tập dượt của phe biểu tình trước kế hoạch “đóng cửa” Bangkok vào ngày 13/1 tới. 

 

Cảnh sát ở thủ đô Bangkok lập hàng rào ngăn người biểu tình (Ảnh AFP)

 

Nhằm đối phó với cuộc “đại biểu tình” của phe “áo vàng”, 20.000 cảnh sát với sự yểm trợ của quân đội sẽ được triển khai trên các tuyến đường vào ngày 13/1 tới, ngày đầu tiên trong kế hoạch "đóng cửa Bangkok" của người biểu tình.

 

Người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr nhận định, sẽ có rất nhiều đám đông biểu tình trong ngày 13/1 và lo ngại khả năng xảy ra bạo lực. Do vậy, binh lính sẽ bảo vệ cơ quan chính phủ quan trọng và cảnh sát sẽ giữ nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên đường phố. Nếu tình hình xấu đi, Thủ tướng có thể ban bố tình trạng khẩn cấp.

 

Trong khi đó, Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) của phe "áo đỏ" thân chính phủ hôm qua cũng tuyên bố sẽ tập trung phản biểu tình trên toàn quốc vào ngày 13/1 nhằm đối trọng với cuộc biểu tình của phe “áo vàng”. Lãnh đạo phe “áo đỏ” cũng cảnh báo sẽ nổi dậy nếu quân đội tiến hành đảo chính.
 
 
Hiện Tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha vẫn đứng ngoài cuộc đối đầu giữa chính phủ với phe biểu tình. Tuy nhiên, thời gian gần đây có những nghi vấn về sự can thiệp của quân đội.
 

Lo ngại này không hẳn không có cơ sở, nhất là khi quân đội đang di chuyển các xe tăng và các thiết bị khác đến Bangkok để chuẩn bị cho cuộc diễu binh vào ngày 18/1; và cũng bởi trong 81 năm qua, Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính (cả đảo chính thành công lẫn thất bại). Năm 2006, ông Thaksin cũng từng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính, đánh dấu bất ổn chính trị kéo dài ở Thái Lan.

 

Ông Charoenwongsak - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển tương lai (IFD) của Thái Lan nhận định: “Hiện quân đội đang có một vị trí trong cán cân quyền lực. Khi cuộc khủng hoảng trở nên xấu đi thì họ sẽ bị áp lực. Trong trường hợp này thì buộc họ phải hành động”.

 

Ngày 7/1, Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cho biết sẽ buộc tội hàng trăm chính trị gia, phần lớn thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Hiện có khoảng 308 nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện bị phán quyết là vi phạm luật vì đã tham gia soạn thảo và đề xuất những thay đổi Hiến pháp.

 

Nếu chính thức bị Ủy ban chống tham nhũng kết tội, hồ sơ của các chính trị gia sẽ được chuyển đến Thượng viện- cơ quan có quyền cấm các nghị sỹ này hoạt động chính trị trong 5 năm. Những người ủng hộ bà Yingluck xem hành động của Ủy ban chống tham nhũng là một động thái chính trị nhằm loại bỏ đảng Vì nước Thái cầm quyền.
 
 
Cho đến lúc này, Chính phủ tạm quyền của bà Yingluck đã đưa ra các bước đi cho tiến trình hòa giải dân tộc và ổn định đất nước, trong đó có việc thúc đẩy cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng tới. Tuy nhiên, phe đối lập vẫn không lùi bước, quyết thúc đẩy cuộc đấu tranh đường phố bằng việc tiến hành các cuộc biểu tình đại quy mô, kể cả chiến dịch “đóng cửa Bangkok” vào ngày 13/1 để buộc chính phủ của bà Yingluck phải từ chức.
 
Ông Charoenwongsak cho biết thêm: “Bạo lực leo thang sẽ là không thể tránh khỏi. Điều này sẽ khiến những vấn đề mà chúng ta đang lo ngại trầm trọng hơn”.
 
 
Sự chia rẽ trong xã hội Thái Lan đang đẩy đất nước này vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến nến kinh tế và cuộc sống của chính người dân. Chỉ số chứng khoán của Thái Lan đã giảm hơn 12% trong vòng một tháng qua. Đồng Bath của nước này giảm xuống mức thấp trong nhiều năm, gần 6% so với đồng USD kể từ đầu tháng 11/2013. Kim ngạch xuất khẩu cũng giảm và ngành công nghiệp du lịch - đóng góp khoảng 7% GDP của nước này (khoảng 25 tỷ USD) bắt đầu bị tác động.
 

Cho đến nay, đã có nhiều quốc gia ban hành cảnh báo du lịch đối với công dân của mình đến Thái Lan và ít nhất một hãng hàng không đã hủy bỏ các chuyến bay đến Bangkok do nhu cầu giảm.

Theo Vũ Anh Tuấn

VOV- Trung tâm Tin/Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *