Quốc tế 20/11/2014 20:14

Làn sóng quốc hữu hóa nhấn chìm kinh tế Crimea

Kể từ sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 năm nay, các doanh nghiệp trên bán đảo này rơi vào cảnh lao đao. Ngành công nghiệp du lịch của Crimea suy sụp, các công ty bị cắt nguồn cung và khách hàng quan trọng từ Ukraine.

Làn sóng quốc hữu hóa nhấn chìm kinh tế Crimea

Khách bộ hành ở Moscow đi qua một bức tường có vẽ bản đồ Crimea - Ảnh: Bloomberg.

 

Giờ đây, các doanh nghiệp ở Crimea còn đang hứng chịu một “cú đấm” mới mang tên quốc hữu hóa.

Theo tờ Business Week, chính quyền Crimea với sự hẫu thuẫn của điện Kremlin đang mạnh tay quốc hữu hóa các doanh nghiệp thuộc các ngành từ làm bánh cho tới đóng tàu bị cho là “không hiệu quả”, có ý nghĩa quan trọng chiến lược, hoặc thân với Chính phủ ở Kiev.

Krymkhleb, hãng sản xuất bánh mỳ và kẹo lớn nhất Crimea, đã bị quốc hữu hóa vào ngày 12/11 vừa qua sau khi chủ sở hữu của công ty này bị chính quyền cáo buộc tội rửa tiền và cung cấp tài chính cho hoạt động quân sự chống lại lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine. Một công ty cung cấp bột mỳ cho Krymkhleb cũng chung số phận bị quốc hữu hóa.

Cùng ngày 12/11, chính quyền Crimea còn quốc hữu hóa một khu nghỉ dưỡng (resort) thuộc quyền sở hữu Serhiy Taruta, một nhà tài phiệt Ukraine. Ông Taruta là từng người được Kiev bổ nhiệm vào vị trí thống đốc vùng Donetsk trong thời gian vài tháng, thay cho một nhân vật thân Nga giữ ghế này trước đó. Chính quyền Crimea nói, khu nghỉ dưỡng này bị quốc hữu hóa bởi các nhà quản lý khu có hành vi bất hợp pháp là ngăn cản không cho công chúng được vào công viên gần đó. 

Một mục tiêu khác gần đây của làn sóng quốc hữu hóa ở Crimea là Zaliv, công ty đóng tàu dân sự lớn nhất vùng. Vào cuối tháng 8, một nhóm người tự xưng là lực lượng tự vệ Crimea ập tới trụ sở công ty này bên bờ cảng Kerch và yêu cầu quản lý công ty trao quyền kiểm soát cho một công ty có trụ sở ở Moscow. 

“Hiện tại các đại diện của chủ sở hữu hợp pháp của Zaliv không được phép thực hiện chức năng của họ”, công ty này cho biết trên website riêng, đồng thời nói thêm rằng các hoạt động của công ty đã bị “đóng băng hoàn toàn”. Không một lý do chính thức nào được đưa ra cho vụ quốc hữu hóa Zaliv, nhưng Chính phủ Nga đã tuyên bố muốn cải tổ ngành công nghiệp đóng tàu ở Crimea.

“Tất cả các doanh nghiệp ở Crimea hoạt động không hiệu quả, bên bờ vực phá sản, hoặc bị chủ sở hữu từ bỏ, đều sẽ bị quốc hữu hóa”, ông Sergei Tsekov, một thượng nghị sỹ đại diện Crimea tại Quốc hội Nga ở Moscow, phát biểu trong một chương trình tin tức tiếng Nga hôm 13/11.

Chính quyền Crimea cũng đã đe dọa sẽ quốc hữu hóa các công ty mà họ cho là nợ tiền các ngân hàng Nga. Một trường hợp như vậy là các trạm phát điện năng lượng mặt trời ở Crimea do công ty Activ Solar của Áo xây dựng và vận hành. Ông Sergey Aksyonov, Thủ tướng mới đắc cử của Crimea, cho rằng Active Solar nợ các ngân hàng Nga 300 triệu USD. Active Solar phủ nhận điều này và nói họ không vay một đồng nào từ các cơ quan, tổ chức của Nga.

Ngay sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã nhanh tay quốc hữu hóa một số doanh nghiệp quốc doanh của Ukraine trên bán đảo này thuộc các lĩnh vực từ đường ống dẫn nhiên liệu cho tới chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu của các vụ quốc hữu hóa này là đánh vào các nhà tài phiệt Ukraine như Igor Kolomoyskiy - Thống đốc thân Kiev của vùng Dniepropetrovsk của Ukraine. Ngân hàng Privat Bank của ông Kolomoyskiy đã đóng cửa các chi nhánh ở Crimea sau khi bán đảo này sáp nhập Nga, để mặc người gửi tiền đòi bồi thường từ Moscow. 

Phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 9, Thủ tướng Crimea Aksyonov nói, ông Kolomoyskiy đã cung cấp tài chính cho hoạt động quân sự chống lại lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. “Đó là quyền đạo đức và nghĩa vụ đạo đức của chúng tôi phải thực hiện vụ quốc hữu hóa này”, ông Aksyonov nói về việc quốc hữu hóa Privat Bank.

Luật mới được thông qua của Crimea còn cho phép chính quyền có quyền tịch biên tài sản tư nhân và quốc hữu hóa những tài sản được cho là “có giá trị đặc biệt về mặt xã hội, văn hóa hoặc lịch sử”.

Trong một số trường hợp, chính quyền Crimea nói họ quốc hữu hóa doanh nghiệp vì lợi ích của công nhân viên, những người đã bị chủ doanh nghiệp lừa dối hoặc đối xử không công bằng. 

“Công nhân viên đã tự mình thiết lập quyền kiểm soát doanh nghiệp của chính họ. Chúng tôi chỉ giúp họ một chút thôi”, ông Aksyonov nói sau vụ quốc hữu hóa công ty bánh mỳ Krymkhleb.

 

Theo Diệp Vũ

VnEconomy

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *