Quốc tế 11/03/2014 14:51

Kỷ niêm 3 năm sóng thần Nhật Bản: Miyagi, mùa anh đào trổ bông

FICA - Tôi dấn bước trèo lên con đê ở Minami-sanriku. Gió tháng 3 tê tái. Thái Bình Dương đây ư? Xanh hiền hòa một màu. Thế mà chính nó, đã cuốn đi bao thành phố xinh đẹp và cũng hiền hòa lắm, mà tôi đi qua.

Con đê dài, dường như mới được vun cao. “Ngay dưới đây này, trước đây là phố nhỏ. Dọc đê này là những ngôi nhà...”. Giọng người bạn Nhật bâng quơ, giấu nỗi nghẹn ngào. Người Nhật vẫn thế, không muốn làm phiền ai, đến cả lúc đớn đau.

Vâng, đây là quê hương của chị, thị trấn Minami-sanriku ở tỉnh Miyagi, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của trận sóng thần tháng 3/2011.

  Những gì còn lại ở Minami-sanriku,
dọc con đê, bên kia là Thái Bình Dương
 Những gì còn lại ở Minami-sanriku, dọc con đê, bên kia là Thái Bình Dương

Tôi lặng ngắm từ trên đê con phố xinh đẹp mà chị đang kể. Nó hẳn là sầm uất lắm, tiếng nói tiếng cười hẳn là át cả con sóng vỗ cách đó chỉ vài chục mét. Phố ấm áp xôn xao mỗi khi thuyền cá cập bờ. Những mái nhà nhỏ, những chùm hoa Anh đào bằng nhựa trang trí rực rỡ trước những cửa hàng. Chẳng là sắp đến mùa Anh đào mãn khai rồi mà, người Nhật bao giờ cũng trang trí cửa hàng của mình bằng những trùm Anh đào bằng nhựa....

Nhưng bây giờ trước mắt hai chị em chỉ còn con đường nhỏ là nguyên vẹn. Hai bên đường là móng những ngôi nhà. Tất cả đã được dọn dẹp sạch sẽ, đến không còn cả một cái đinh hay mẩu gỗ vụn.

Tất cả đều rất lạnh.

Khu phố này rất nhỏ, những quả đồi cũng rất nhỏ và nằm rất gần, tưởng như chỉ chạy mấy bước là tới. “Nhà chị trên ngọn đồi kia. Vừa ăn cơm trưa xong thì động đất. Mọi người cũng không ai để ý. Cho đến khi nghe những tiếng răng rắc và la hét dưới đồi. Chạy ra, thì nước đã dâng lên từ lúc nào....”

Phố nhỏ, nhà nhỏ, những con người nhỏ. Làm sao chống chọi với hung tàn. Tôi tưởng như mình là chị mải mốt chạy xuống lưng đồi. Dưới kia là bạn bè, tưởng như chỉ với tay ra là nắm được tay họ. Trời rét thế này...

Có mấy quả đồi như vậy vây quanh thị trấn. Quả đồi nào cũng giống nhau ở chùm cây phất phơ trên đỉnh, còn ngang lưng đồi trở xuống nhìn xa cứ trọc lốc. Dấu tích sóng thần tràn qua đấy. Nước dâng đến đâu, cây chết đến đấy. Đã mấy năm rồi....

Chúng tôi đi qua Minami-sanriku, Natori, Ishinomaki, Matsushima, những thành phố nằm dọc Thái Bình Dương thuộc tỉnh Miyagi. Một ngày quá ít ỏi để có thể hiểu được sâu sắc điều gì. Nhưng chúng tôi đã nhìn thấy...

Mọi thứ đã quang quẻ, sạch sẽ lắm. Hầu như chỉ còn những nền đất nói cho chúng tôi biết nơi này đã từng là những ngôi nhà, khu phố, nghĩa địa, chùa chiền...

Những ngôi nhà tạm được dựng lên cách xa nơi ở cũ. Những trung tâm dã chiến để cho công nhân xây dựng nghỉ ngơi và đón tiếp người qua đường. Những con đường trải nhựa thẳng mịn. Những thửa ruộng được canh tác rất công nghiệp, dường như được thay lớp đất mới. Tất cả được làm rất quy củ và sạch sẽ.

Vẫn còn những dấu tích nhắc nhở về thảm họa. Như ngôi tháp canh lừng lững ở Minami-sanriku, nơi sự hy sinh của cô phát thanh viên được cả thế giới biết đến. Cô đã phát thanh kêu gọi mọi người nhanh chóng sơ tán khỏi sóng thần, và cô đã hy sinh.

 Những gì còn lại ở Minami-sanriku,
dọc con đê, bên kia là Thái Bình Dương

Tháp canh ở Minami-sanriku vẫn nghi ngút hương khói người dân tưởng nhớ cô phát thanh viên ngày nào

Người nơi khác đến đây chắc phải trầm trồ trước tốc độ tái thiết của Nhật Bản, và tôi nghĩ rằng, khó nước nào có thể làm được như Nhật Bản.

Nhưng có tiếp xúc với người dân nơi đây, mới thấy Người Nhật vẫn không bằng lòng với tốc độ tái thiết ấy. Họ nói rằng không thích báo chí, chỉ đến và đi, chẳng có ích gì. Họ kể chuyện với tôi, một người bình thường. Tôi không thấy mình buồn bã qua câu chuyện của họ. Tôi chỉ thấy khâm phục.

Một anh nhân viên ngân hàng bỏ làm ở tỉnh khác, về đầu quân cho nhóm dọn dẹp ở quê mình: “Trước đây tôi nhiều bạn ở khu phố này lắm. Mỗi lần tôi đi công tác về là chúng tôi cùng đi nhậu. Đấy, còn bây giờ thì cô xem” – anh chỉ tay ra khoảng không trước mặt.

Một chủ doanh nghiệp chuyên chế biến phụ tùng cho nhà máy ô tô, giờ mở cửa hàng giữa nơi chỉ còn là đồng không mông quạnh, để bán thú nhồi bông: “Nhà tôi chỉ mất tài sản, nhưng bao nhiêu người khác mất người thân. Tôi phải làm gì để họ vui chứ...”.

Một cô giáo già, tình nguyện làm người thuyết trình trong khu nhà tưởng niệm do bà và người dân dựng lên, ngay trước ngôi trường khang trang bỏ trống: “Lúc động đất, có báo động, nhưng không ai để ý. Học sinh về, rồi một số em lại quay trở lại trường và chơi ở sân trường này. Sóng ập đến, 14 em đã chết. Chúng tôi ở đây để nhắc mọi người cảnh giác”.

Bà chỉ tay vào bức ảnh chụp những gì còn sót lại ở trường.

Trong câu chuyện của họ, chỉ có tôi khóc.

Chính phủ Nhật Bản chủ trương di rời các khu dân cư lên những vùng đất cao hơn. “Chúng tôi vẫn muốn sống với nhau. Những người hàng xóm chúng tôi sẽ vẫn sống ở cạnh nhau.” – cô giáo nói khi chúng tôi thăm ngôi trường ngay sau nhà tưởng niệm.

Ngôi trường ở thành phố Natori,
trước trường là đài tưởng niệm các em học sinh đã mất
Ngôi trường ở thành phố Natori, trước trường là đài tưởng niệm các em học sinh đã mất

Những tấm ảnh về ngôi trường được trưng bày trong
nhà tưởng niệm

Những tấm ảnh về ngôi trường được trưng bày trong nhà tưởng niệm

Hiện nay vẫn còn hàng chục nghìn người ở những nơi bị ảnh hưởng của thảm họa phải sống trong các khu nhà tạm. Người dân Nhật Bản chia sẻ với Đông Bắc, người dân các nước cũng vẫn chia sẻ với Đông Bắc. Người dân Đông Bắc đang hồi sinh quê hương bằng chính nỗ lực của mình.

Mùa hoa Anh đào năm nay, các tua du lịch đến Đông Bắc Nhật Bản vẫn thu hút du khách trong và ngoài nước. Ở tỉnh Fukushima nghe nói có cây hoa Anh đào được dự đoán là hơn 1.000 năm tuổi. Tán cây rất rộng, thân cây rất to, hoa nở hồng rực. Cây là biểu tượng của sự hồi sinh của Đông Bắc.

Như mọi năm, hoa Anh đào ở đây sẽ nở, trong giá rét.

Tôi muốn được một lần đứng trước cây hoa ấy.

Anh Đào

Viết từ Miyagi

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *