Quốc tế 11/02/2015 08:45

Kinh tế Trung Quốc trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy giảm phát

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang đứng trước rủi ro rơi vào vòng xoáy giảm phát, khi lạm phát tháng Một ở mức thấp nhất trong hơn 5 năm.

Theo số liệu mới công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này trong tháng 1/2015 tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 11/2009, khi chỉ số CPI ở mức 0,6% và giảm mạnh so với con số 1,5% của tháng 12/2014. 

 


 

Việc lạm phát giá tiêu dùng giảm chủ yếu là do giá dầu thế giới hạ và thời tiết ấm hơn bình thường, khiến giá rau quả và cá giảm. 

Giá thực phẩm chỉ tăng 1,1% trong tháng 1/2015, sau khi tăng 2,9% trong tháng 12/2014, đóng góp 80% vào mức giảm lạm phát trong tháng. 

Trong khi đó, NBS cũng cho biết, chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI), thước đo về giá của hàng hóa khi được xuất ra khỏi nhà máy và căn cứ chính để đánh giá xu hướng CPI, giảm tháng thứ 35 liên tiếp trong tháng Một và với mức giảm là 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2009.

Các nhà phân tích đã cảnh báo về nguy cơ giảm phát ở Trung Quốc. Các nhà kinh tế của ANZ cũng như HSBC cho rằng lạm phát thấp cho thấy giảm phát đã trở thành một nguy cơ thực sự đối với nước này. 

Một nhà phân tích ở Ngân hàng Thương gia Trung Quốc nhận định tiêu dùng có thể đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế, thể hiện ở việc giá hàng hóa tiêu dùng và phí dịch vụ giảm trong tháng trước. 

Theo nhà phân tích này, tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tăng trưởng kinh tế trong năm ngoái và nếu tiêu dùng giảm trong khi đầu tư khó phục hồi thì nền kinh tế có thể còn đối mặt nhiều khó khăn hơn.

Lạm phát giá tiêu dùng thấp cùng với giá của nhà sản xuất giảm đang làm cho thấy sự đi xuống hơn nữa của kinh tế Trung Quốc và gây sức ép lên các nhà hoạch định chính sách trong việc phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nhằm tạo đà cho nền kinh tế đang suy giảm tăng trưởng.

Một nhà kinh tế của HSBC nhận định lãi suất sẽ được hạ thêm 25 điểm cơ bản trong quý 1.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuần trước đã thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2012. Trước đó, vào tháng 11/2014, lãi suất cũng đã được hạ lần đầu tiên trong hơn hai năm.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,4% trong năm ngoái, mức thấp nhất trong 24 năm và một loạt các số liệu kinh tế mới như số liệu về chế tạo và thương mại, đều đang cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế sẽ tiếp tục.

 

Theo Lê Minh

Vietnamplus+

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *