Quốc tế 26/07/2014 23:56

Không quốc gia nào ủng hộ hành động của Trung Quốc

FICA - "Không quốc gia nào ủng hộ hành động của Trung Quốc, mặc dù đều mong muốn Việt Nam - Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình”

GS. Baladas Ghoshal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, ĐH Jawaharlal Nehru, Ấn Độ khẳng định như vậy.

Hội thảo “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam” đã nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn từ các nhà nghiên cứu pháp lý uy tín quốc tế.

ASEAN góp phần kiềm chế tham vọng của Trung Quốc

Phát biểu tại phiên thảo luận “Luật quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giản khoan Hải Dương 981”, GS. Baladas Ghoshal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, ĐH Jawaharlal Nehru, Ấn Độ nhấn mạnh: “Với hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép này trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Trung Quốc đã không cần quan tâm đến phản ứng của các nước ASEAN và không quan tâm đến động thái có thể có của Mỹ sau khi Tổng thống Obama tuyên bố không muốn can dự vào bất kỳ cuộc chiến nào nữa”. “Không quốc gia nào ủng hộ hành động của Trung Quốc, mặc dù đều mong muốn Việt Nam - Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình”, GS. Baladas Ghoshal khẳng định.

GS. Baladas Ghoshal cũng cho rằng, việc Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa của Việt Nam có thể là một biểu hiện của sự thận trọng là một động thái có toan tính để ngăn chặn Mỹ và các cường quốc khác hợp sức lại. Theo ông, ASEAN đang ngày một đoàn kết hơn và ngày càng mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với Trung Quốc. Tiếng nói của ASEAN đã góp phần kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, tuyệt nhiên không thể sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực. Với Việt Nam, lựa chọn hòa bình duy nhất của Việt Nam và theo đuổi thủ tục “trọng tài quốc tế” hoặc “nộp đơn lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc” cùng ASEAN và Trung Quốc ký COC là giải pháp tốt nhất.

TS. Nguyễn Toàn Thắng (Đại học Luật Hà Nội) khẳng định, vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo đúng Công ước của Liên Hợp quốc năm 1982, cách đảo lý Sơn Việt Nam 119 hải lý và sau đó là 143 hải lý cho đến khi di dời vào ngày 15/7/2014, cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng sa của Việt Nam 17 hải lý. 

TS. Toàn Thắng nhấn mạnh, Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật quốc tế. Sự hiện diện hiện nay của Trung Quốc ở Hoàng Sa không làm phát sinh danh nghĩa chủ quyền đối với Trung Quốc.

Do vậy, việc Trung Quốc cho rằng, họ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo Tri Tôn là hoàn toàn trái Công ước 1982 vì đảo Tri Tôn không có quy chế của đảo theo Điều 121 của Công ước để được hưởng các vùng biển theo quy định của Công ước 1982 mà chỉ có một vùng biển tối đa là 12 hải lý. Mặt khác, đảo Tri Tôn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của Công ước (nguyên tắc Pacta Sunt Servanda). Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC).

Nhà nghiên cứu luật quốc tế nói gì về giàn khoan Hải Dương 981?
Theo các chuyên gia pháp lý quốc tế, giải quyết tranh chấp nên ưu tiên biện pháp ngoại giao, hòa bình

Ưu tiên giải quyết ngoại giao, hòa bình

Phiên thảo luận số 2 với nội dung “Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp chính trị-ngoại giao trong pháp luật quốc tế”.

GS Changsin (Đại học Quốc gia Hàn Quốc) cho rằng, Việt Nam cần đánh giá đầy đủ các chứng cứ pháp lý của Việt Nam và của Trung Quốc để thấy được điểm mạnh điểm yếu về chứng cứ của hai bên. Ngoài ra, Việt Nam cần phải tính tới sức mạnh tổng hợp của dư luận quốc tế trong việc ủng hộ các tuyên bố của Việt Nam.

Là người đồng chủ trì phiên thảo luận, Gs. Makane (khoa Luật Đại học Giơ-ne-vơ Thuỵ Sỹ) đã bình luận thêm về những thuận lợi và khó khăn trong việc đưa các vụ tranh chấp giữa các quốc gia ra trước Hội đồng bảo An, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc và Toà án Công lý quốc tế để Việt Nam tham khảo và vận dụng vào thực tiễn hiện nay.

TS.Trần Phú Vinh cho biết, với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp ngoại giao nhưng Trung Quốc đã không đàm phán thiện chí với Việt Nam. Việt Nam có thể yêu cầu Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc hoặc yêu cầu Toà án Công lý quốc tế (ICJ) ra kết luận với câu hỏi, Trung Quốc đặt giàn khoan, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có phù hợp luật quốc tế hay không? Đây là một biện pháp nên được sử dụng.

Theo đánh giá của GS.TS NGƯT Mai Hồng Quỳ, Trưởng ban tổ chức hội thảo, về phương diện khoa học, các ý kiến và giải pháp được các học giả nêu và được phân tích tại phiên 1 và phiên 2 của Hội thảo có ý nghĩa chính trị, pháp lý rất quan trọng trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng.

Đặc biệt, các học giả đã thống nhất nhận định rằng, các biện pháp chính trị ngoại giao là giải pháp đặc biệt quan trọng được qui định trong luật quốc tế và cụ thể là Điều 33 khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp quốc, một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong luật quốc tế. Chính vì vậy, phần lớn các tranh chấp quốc tế từ trước đến nay, trong đó có tranh chấp về lãnh thổ đã được các quốc gia sử dụng biện pháp chính trị ngoại giao để giải quyết.

Công Quang

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *