Quốc tế 15/03/2015 08:01

Khi Trung Quốc phải đối đầu với cơn bão Bitcoins

Ở thời điểm hiện tại, không đâu mà tốc độ thoái vốn đầu tư nước ngoài qua các kênh chính thức lại lớn như Trung Quốc, đồng thời cũng không đồng tiền nào trên thế giới lại được giao dịch bằng Bitcoins với số lượng lớn như đồng Nhân dân tệ.

Nếu như có một nơi nào trên thế giới mà dòng chảy tài chính ra khỏi nơi đó đang dữ dội nhất ở thời điểm hiện tại thì đó hẳn phải là Trung Quốc, đất nước có tốc độ tăng trưởng trung bình có lẽ là thuộc diện cao nhất thế giới trong ba mươi năm qua đã từng có thời điểm là cục nam châm hút tiền đầu tư mạnh mẽ nhất thì giờ đây có vẻ như cục nam châm ấy đã bị đảo cực, khi dòng tiền đang ồ ạt bị rút ra khỏi Trung Quốc một cách khủng khiếp nhất. 
 
Không chỉ các nhà đầu tư quốc tế, mà cả các thương gia và những người giàu ở nước này cũng đua nhau chuyển tiền ra nước ngoài. Nó đang tạo nên một cơn bão thực sự, với biểu tượng là đồng tiền ảo Bitcoins mà giờ đây chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt. Dân tài chính công nghệ trên thế giới có lẽ không còn ai xa lạ với Bitcoins, đồng tiền ảo đang tạo ra cả một làn sóng và xu thế mới trong giao dịch thanh toán điện tử trên toàn cầu. 

Dù các chuyên gia hàng đầu về tài chính và công nghệ vẫn đang chưa chắc chắn về bản chất và độ xác thực của giá trị đồng tiền ảo này thì nó vẫn đang là một trong những công cụ thanh toán đang được sử dụng một cách khá rộng rãi, đặc biệt là dành cho những phi vụ tài chính ngầm cũng như các hoạt động rửa tiền và chuyển tiền bất hợp pháp trên thế giới. Vì thế, bitcoins nghiễm nhiên trở thành một công cụ đang được giới nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng để tìm cách chuyển tài sản ra khỏi đất nước.
 
Ở thời điểm hiện tại, không đâu mà tốc độ thoái vốn đầu tư nước ngoài qua các kênh chính thức lại lớn như Trung Quốc, đồng thời cũng không đồng tiền nào trên thế giới lại được giao dịch bằng Bitcoins với số lượng lớn như đồng Nhân dân tệ. 
 
Nếu như giới kinh doanh đầu tư đã không còn coi Trung Quốc là miền đất hứa để đầu tư và lượng vốn rút ra khỏi nước này lên tới cả trăm tỷ USD trong vài tháng qua, thì giới nhà giàu Trung Quốc cũng đã không còn coi đất nước mình là nơi an toàn để cất giữ tài sản khi chiến dịch chống tham nhũng đang được Bắc Kinh triển khai rầm rộ hơn bao giờ hết và đã không chỉ động đến hàng ngũ quan chức tham nhũng mà còn đang bắt đầu lan sang giới doanh nhân có quan hệ với những quan chức biến chất này.

Để ngăn chặn giới nhà giàu Trung Quốc chuyển tài sản phi pháp ra nước ngoài để tránh những cuộc kiểm tra từ giới chức, Bắc Kinh đã thiết lập hàng rào kiểm tra nghiêm ngặt với những trường hợp chuyển tiền quy mô lớn ra nước ngoài bằng cách siết chặt kiểm tra nguồn gốc của chúng.
 
Điều này đã dẫn đến việc giới nhà giàu Trung Quốc bắt đầu chuyển sang các hình thức chuyển tiền khác, mà điển hình là giao dịch bằng đồng Bitcoins. Đồng tiền ảo này vẫn đang khá xa lạ với hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay và hầu như chưa có nước nào thiết lập các điều luật liên quan đến việc giao dịch và sở hữu đồng tiền ảo này một cách phạm pháp, chính vì thế nó đã trở thành một công cụ rửa tiền ưa thích của giới tội phạm và nhà giàu ở Trung Quốc. 
 
Nhưng chỉ đến khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn của mình, thì tần suất và cường độ giao dịch bằng đồng Bitcoins ở Trung Quốc mới bắt đầu tăng lên. Từ tháng 12.2013 lượng giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ trên thị trường Bitcoins thế giới đã chiếm tới 50%, ngang bằng với lượng giao dịch tổng cộng bằng USD, Yen và Euro cộng lại. 
 
Thống đốc Ngân hàng nhân dân Chu Tiểu Xuyên đã buộc phải ra sắc lệnh kiểm soát chặt chẽ việc giao dịch bằng đồng tiền ảo này khi cấm tất cả các ngân hàng và tổ chức tài chính khác xử lý các giao dịch Bitcoins với lý do đồng tiền ảo này không mang giá trị thực chất nào.
 
Thế nhưng tình hình có vẻ như đã không diễn ra theo ý muốn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, khi vào tháng 3.2014 Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã phải tiếp tục ra lệnh cho các ngân hàng và các công ty thanh toán đóng cửa hoàn toàn 10 sàn giao dịch Bitcoins trên cả nước như một động thái cắt đứt hoàn toàn việc các cá nhân và tổ chức ở Trung Quốc quy đổi tài sản ra đồng tiền ảo này. 
 
Thế nhưng các chợ đen và thị trường giao dịch bất hợp pháp thì vẫn không hề hấn gì, và lượng Nhân dân tệ được quy đổi ra Bitcoins trở nên nhiều hơn bao giờ hết, theo ước tính của Goldman Sachs thì lượng giao dịch bằng Nhân dân tệ trên thị trường Bitcoins thế giới tính đến đầu năm 2015 đã lên tới 80%, chiếm ưu thế tuyệt đối so với đồng USD, Yen hay Euro. Nó đang cho thấy một dòng chảy tài chính ồ ạt từ Trung Quốc ra nước ngoài lớn hơn bao giờ hết, khi giới nhà giàu ở Trung Quốc chuyển tài sản của mình thành Bitcoins và đổi chúng trở lại thành tiền mặt ở nước ngoài.
 
Các chuyên gia cho rằng, việc dòng tiền cả USD lẫn Nhân dân tệ bị rút ra khỏi Trung Quốc với quy mô lớn như thế này đang trở thành một hiểm họa tiềm tàng cho kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Lượng vốn đầu tư bị rút ra chủ yếu bằng USD không chỉ ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực đầu tư vốn có ảnh hưởng lớn đến ngân sách nhà nước và việc làm của người dân, mà còn đang khiến giá trị đồng Nhân dân tệ sụt giá mạnh hơn, và tốc độ sụt tỷ giá này sẽ còn mạnh hơn nữa khi mà một lượng Nhân dân tệ quá lớn đang được giao dịch trên thị trường Bitcoins. 
 
Bất cứ một động thái bán tháo đồng nội tệ nào cũng sẽ gây ra một sự sụt giá mạnh của đồng tiền đó, dù nó được giao dịch trên một thị trường của một đồng tiền ảo như Bitcoins. Sâu xa hơn nữa, việc một lượng lớn đồng Nhân dân tệ bị tuồn ra nước ngoài đồng nghĩa với một sự thiếu hụt tài chính đáng kể ở trong nước và khi vòng luân chuyển tài chính trong nước bị ảnh hưởng đáng kể sẽ gây tác động rất xấu đến các hoạt động phát triển kinh tế. 
 
Đó chính là cơn bão mà chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại trên thị trường tài chính cùng thực trạng suy giảm tăng trưởng và nguy cơ giảm phát. Đó là một bài toán tổng hợp không dễ giải chút nào.

 

Theo Nhàn Đàm

Một thế giới/Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *