Quốc tế 08/02/2015 07:28

Khi nước Mỹ rơi vào cuộc nội chiến tiền tệ

Nước Mỹ lại một lần nữa rơi vào một cuộc nội chiến ư? Không, đó chỉ đơn giản là cuộc chiến tiền tệ nóng bỏng đang diễn ra trên khắp thế giới cuối cùng cũng đã đến gõ cửa nước Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, và tạo nên một lát cắt chia nước Mỹ ra làm hai nửa như cắt một quả cam.

Cũng giống như trong thế chiến thứ hai, người Mỹ đã tranh luận quyết liệt với nhau về việc có nên tham gia cuộc chiến khốc liệt này hay không, giờ đây mọi thứ cũng đang lặp lại khi các tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều nói có, còn Fed thì nói không.

Thực vậy, áp lực từ cuộc chiến tiền tệ đang diễn ra trên toàn cầu đang thực sự chia nước Mỹ ra làm hai nửa, đến từ hai tác động trái ngược nhau mà cuộc cuộc chiến này đang ảnh hưởng đến nước Mỹ. Một mặt, việc đồng USD mạnh và việc các nước đua nhau làm hạ giá đồng nội tệ của mình để tăng cường xuất khẩu đang khiến hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ giảm đi đáng kể, điều này có thể kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn vốn là yếu tố rất quan trọng để kinh tế hồi phục. 
 
Mặt khác, điều này lại đang khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác trên thế giới tăng nhanh một cách nghiêm trọng. Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 12.2014 đạt 46,6 tỉ USD, tăng 17,1% và là mức thâm hụt thương mại cao nhất trong hai năm trở lại đây.
 
Vì thế, không lấy gì làm lạ khi các tập đoàn và doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ đang la ó phản đối việc chính phủ và cục dự trữ liên bang đang làm cho họ sụt giảm doanh thu lớn. Procter và Gamble, nhà sản xuất các sản phẩm tiêu dùng lớn nhất thế giới đang lớn tiếng đổ lỗi cho Nhà Trắng và Fed vì sự sụt giảm 31% lợi nhuận trong quý 2.2014, một điều chưa từng thấy trong lịch sử của hãng. 
 
“Hầu như tất cả tiền tệ trên thế giới đều mất giá so với đồng USD”, Lafley, CEO của hãng, phàn nàn về chính sách tiền tệ của chính phủ Mỹ. Hầu hết các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ đều gặp ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc đồng USD mệnh giá cao so với các ngoại tệ chủ chốt khác, từ Pfizer, McDonald’s cho đến các ông lớn như Apple và Microsoft. Tình hình có vẻ nghiêm trọng và bi quan đến mức, CEO của Apple là Tim Cook đã phải phát biểu: “Cách tốt nhất trong tình thế này là chủ động bằng cách nỗ lực hơn nữa, thay vì trông chờ vào những sự thay đổi tỷ giá”.
 
Sự phân đôi làm hai phe không chỉ diễn ra ở giới doanh nghiệp, mà còn xảy ra ở ngay trong hàng ngũ quan chức điều hành nền kinh tế và tài chính Mỹ. Fed, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về chính sách tài chính và tiền tệ của nước Mỹ vẫn đang kiên quyết không chấp nhận hạ lãi suất để hòa nhịp với EU hay Nhật Bản trong việc hạ giá đồng nội tệ. 
 
Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng lại đang tỏ ra phẫn nộ hơn bao giờ hết về việc nước Mỹ đang chịu thiệt thòi khi phải đứng trơ mắt ra nhìn các nước khác thu lời từ việc hạ tỷ giá tiền tệ. Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew cho biết ông đã sẵn sàng để tung ra các biện pháp trả đũa các nước khác ngay trong tuần này, nếu như các nước này vẫn theo đuổi các chính sách tiền tệ gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ.
 
Sự bất đồng quan điểm này đến từ sự khác biệt về vị thế và góc nhìn giữa những nhà điều hành kinh tế Mỹ. Fed, cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về chính sách tiền tệ và kinh tế Mỹ buộc phải có cái nhìn dài hạn và xuyên suốt về tương lai của kinh tế Mỹ. Theo đó, việc kiềm chế lãi suất và lạm phát ở thời điểm hiện tại là điều cần thiết để kinh tế Mỹ hồi phục một cách an toàn. Hạ tỷ giá đồng USD ở thời điểm hiện tại có thể giúp các doanh nghiệp Mỹ tăng cường xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. 
Trong khi đó, bộ tài chính Mỹ, vốn là cơ quan chịu trách nhiệm về lợi ích kinh tế thu được của Mỹ, trong đó có thặng dư và thâm hụt thương mại, sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc làm thế nào để Mỹ thu được nhiều lợi ích hơn thông qua thặng dư thương mại với các nước trên thế giới.
 
Trong năm qua, đồng USD của Mỹ đã tăng giá một cách đáng kể so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, tổng cộng USD đã có mức tăng 16% so với giỏ 26 loại tiền tệ khác, và được dự báo sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới khi mà các quốc gia khác vẫn đang đua nhau làm mất giá đồng nội tệ của mình. 
 
Đây được xem là hệ quả của cuộc chiến tiền tệ đang diễn ra trên toàn cầu mà Mỹ chỉ còn cách đứng nhìn và chịu thiệt hại ở một mức độ khá nghiêm trọng. Một số chuyên gia đang nói đùa rằng nước Mỹ ở thời điểm hiện tại đang là chiếc bánh pho mát ngon lành để các nền kinh tế lớn khác trên thế giới đua nhau xâu xé và ngốn ngấu để hồi phục sức khỏe của mình.
Giới phân tích trên thế giới lại cho rằng, dù nước Mỹ không thực sự chủ tâm làm thế, thì đây cũng được xem là nghĩa vụ và trách nhiệm cần có của nền kinh tế số một thế giới trong việc đưa kinh tế thế giới hồi phục. 
 
Kinh tế Mỹ vẫn đang có mức hồi phục mạnh nhất thế giới, và nó cần phải đứng ra gánh vác vai trò của một đòn bẩy để đưa kinh tế thế giới hồi phục, một khi các nền kinh tế lớn khác hồi phục thì kinh tế Mỹ mới có thể tiếp tục thu được lợi ích từ vị thế nền kinh tế số một thế giới của mình. Thống đốc ngân hàng quốc gia Ấn Độ Raghuram Rajan tuyên bố thẳng thừng “Nước Mỹ và Fed sẽ phải chấp nhận một đồng USD mệnh giá mạnh, đơn giản vì nó là điều cần thiết cho kinh tế thế giới và cho chính nước Mỹ”.
 
Theo Nhàn Đàm
Một thế giới/Bloomberg
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *