Quốc tế 18/02/2015 09:35

Khi người Mỹ phục thù

“Nếu phải đối đầu với người Mỹ, cách tốt nhất là hãy đánh gục khiến họ không thể gượng dậy, nếu không bạn sẽ là người thua cuộc”, đó là câu nói nổi tiếng của đô đốc Nhật Bản Yamamoto Isoroku, tư lệnh hải quân Nhật Bản trong thế chiến 2. Yamamoto đã không thể đánh gục người Mỹ với trận Trân Châu Cảng và vài năm sau Nhật Bản đã phải đầu hàng trước quân đội Mỹ.

Câu nói ấy vẫn đúng ở thời điểm hiện tại, khi OPEC có vẻ như đã vui mừng quá sớm vì đã thắng được Mỹ trong hiệp đầu của cuộc chiến giá dầu, vì người Mỹ đang trở lại và phục thù trong hiệp hai.

OPEC đã thắng hiệp đầu của cuộc chiến giá dầu, đó là điều không phải bàn cãi. Việc kiên quyết giữ giá dầu giảm của tổ chức dầu lửa quyền lực nhất thế giới này đã khiến cho hàng loạt các hãng dầu Mỹ phải đóng cửa, hay chí ít cũng là ngừng khoan các giếng mới, giảm chi phí và sa thải nhân viên. 
 
Lượng nhân viên các hãng dầu Mỹ bị sa thải lớn đến mức người Mỹ đã có một giáng sinh ảm đạm chưa từng thấy và là nguyên nhân chủ đạo gây ra cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử Mỹ kể từ năm 1983. Kinh tế Mỹ mất đi điểm tựa là sự ăn nên làm ra của ngành dầu lửa đã lập tức bị đánh quỵ khi chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong quý 4 năm 2014, trong khi tốc độ trong quý 3 lên tới 5,3% - vốn được coi là dấu hiệu của sự hồi sinh kinh tế Mỹ.
 
Cả thế giới tưởng chừng Mỹ đã chấp nhận thất bại, khi sự đầu hàng của một bộ phận trong ngành dầu lửa Mỹ đã khiến giá dầu chấm dứt chuỗi sụt giá kinh khủng của mình. Kể từ sau khi ngành dầu lửa Mỹ rơi vào tình trạng ảm đạm, giá dầu đã ngừng lại ở mức 44,45 USD/thùng và tăng giá tới 19%. 
 
Ngay cả các chuyên gia kinh tế Mỹ, như các nhà phân tích của JPMorgan và Goldman Sachs, đều thống nhất rằng cuộc đọ sức trên thị trường dầu sẽ cân đối lại thị trường khai thác dầu của Mỹ, theo đó quy mô của ngành dầu lửa Mỹ sẽ thu hẹp lại một cách phù hợp với khả năng thật của nó sau cơn sốt dầu đá phiến khiến cho việc thành lập các hãng khai thác mới như nấm sau mưa. Nhưng có vẻ như mọi dự đoán bi quan được khoác cái vỏ thực tế đó đã sai bét.
 
Bằng chứng là, dù có khoảng 150 giàn khoan đã ngừng hoạt động kể từ khi giá dầu chạm đáy, thì sản lượng dầu đá phiến khai thác của các hãng dầu lửa Mỹ không những không giảm xuống mà còn đang có dấu hiệu gia tăng. Ước tính, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong ba tháng đầu năm 2015 không những không giảm, mà còn tăng thêm khoảng 290.000 thùng/ngày, một điều vượt xa so với dự đoán của giới phân tích và các chuyên gia. 
 
Những dự đoán về việc giá dầu phục hồi khi sản lượng dầu khai thác của Mỹ sụt giảm đã trở nên lỗi thời, và việc đẩy mạnh sản lượng của các hãng dầu đá phiến Mỹ đang thúc đẩy một cuộc đọ sức mới với OPEC trên thị trường dầu, với một mức độ căng thẳng và quyết liệt hơn rất nhiều.
 

Sở dĩ như vậy, là vì các tập đoàn khai thác dầu đá phiến Mỹ đã thay đổi chiến lược. Họ không đầu tư dàn trải các giếng khoan của mình như trước, mà tập trung vào các giếng có trữ lượng lớn và có thể khai thác lâu hơn với giá thành rẻ hơn. Vì một đặc điểm của các giếng dầu đá phiến là trữ lượng khá hạn chế so với các giếng dầu tự nhiên khác, thông thường sau một năm khai thác các giếng dầu phiến sẽ chỉ còn 20 – 30% trữ lượng, và các hãng khai thác sẽ phải tìm các giếng mới và bắt đầu khoan tiếp, chính điều này đã làm đẩy cao giá thành của dầu đá phiến do tần suất khoan nhiều hơn hẳn so với các giếng dầu tự nhiên có trữ lượng lớn.

Khi cơn sốt giá dầu nổ ra, đã có lúc giá dầu lên tới trên 100 USD/thùng, lợi nhuận quá lớn đã dẫn đến việc các hãng dầu Mỹ khai thác tràn lan, kể cả các giếng dầu đá phiến có trữ lượng thấp, vì giá dầu quá cao có thể san bằng chi phí khoan vốn đắt đỏ ảnh hưởng đến giá dầu phiến. 
 
Chính các hãng này là mục tiêu mà OPEC nhắm tới trong cuộc chiến giá dầu, khi giá dầu thế giới tụt xuống thấp, các giếng có trữ lượng thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên do giá dầu của các giếng này quá cao sẽ dẫn đến việc không có lãi. Trên thực tế phần lớn các hãng dầu Mỹ phải đóng cửa hay giảm hoạt động là thuộc các hãng thường khai thác từ các giếng dầu có trữ lượng thấp.
 
Các tập đoàn dầu lớn của Mỹ, vì thế đang làm cách khác, họ tập trung khai thác vào các giếng có trữ lượng lớn thay vì dàn trải như trước. Một giếng dầu phiến thuộc loại lớn, sẽ cho phép giữ nguyên sản lượng khai thác trong vòng ít nhất là 3 năm thay vì chỉ 1 năm như các giếng thông thường, điều này đồng nghĩa với chi phí và giá thành dầu phiến giảm đáng kể, chưa kể sản lượng cũng tăng lên. 
 
Đó là lý do vì sao tổng số giàn khoan dầu của Mỹ đang giảm đi nhưng tổng sản lượng lại đang tăng lên. Sản lượng và năng suất của các giàn khoan dầu phiến của Mỹ ở thời điểm hiện tại đang khiến tất cả choáng váng, giàn khoan Bakken ở Bắc Dakota tăng gấp đôi năng suất, Eagle Ford ở Nam Texas cũng thế, Niobrara ở Đông Bắc Colorado còn ấn tượng hơn khi tăng gấp ba lần. 
 
Các giếng dầu ở vùng Marcellus ở Đông Bắc Mỹ đang trở thành điển hình cho sự vực dậy mạnh mẽ của ngành dầu lửa nước này, khi số lượng giàn khoan ở đây chỉ còn 98 ở thời điểm hiện tại so với đỉnh điểm là 144 hồi năm 2012, nhưng sản lượng dầu khai thác của nó đang tăng gấp đôi.
Các chuyên gia đánh giá, với sự vực dậy mạnh mẽ như vậy, Mỹ đang thách thức OPEC lần thứ hai, với thách thức và sự đe dọa lớn hơn rất nhiều so với hiệp đầu. Một cuộc đọ sức nữa trên thị trường dầu trong thời gian tới là điều rất dễ xảy ra, và OPEC có lẽ cũng hiểu điều ấy nên dù giá dầu đã tăng trở lại nhưng tổ chức dầu lửa này vẫn đang tăng cường giảm giá để tranh giành thị phần ở thị trường Châu Á. 
 
Có lẽ những người lãnh đạo OPEC cũng hiểu được rằng họ đã không đánh gục được người Mỹ trong hiệp đầu, và để đối phó với sự phục thù của người Mỹ trong hiệp hai, họ phải tích lũy sức mạnh càng nhiều càng tốt.
 
Theo Nhàn Đàm
Một thế giới
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *