Quốc tế 07/03/2015 07:46

Khi đoàn tàu Trung Quốc chính thức trật đường ray

Tất cả những kỳ vọng về một chiến lược tăng trưởng mới với những mục tiêu thiết thực hơn cho nền kinh tế của các học giả Trung Quốc đã tan thành mây khói, khi mà mô hình và cách thức tăng trưởng cũ vẫn được Bắc Kinh duy trì và củng cố. Và nó đang là một lời tuyên bố hùng hồn nhất, rằng Trung Quốc chính thức trật đường ray.

Trung Quoc chinh thuc trat duong ray

Đó hẳn là điều mà ở thời điểm hiện tại rất nhiều các chuyên gia và học giả của Trung Quốc cũng như trên thế giới đang nghĩ tới, sau khi Bắc Kinh chính thức tuyên bố chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2015 của nền kinh tế thứ hai thế giới. Tất cả những kỳ vọng về một chiến lược tăng trưởng mới với những mục tiêu thiết thực hơn cho nền kinh tế của các học giả Trung Quốc đã tan thành mây khói, khi mà mô hình và cách thức tăng trưởng cũ vẫn được Bắc Kinh duy trì và củng cố. Và nó đang là một lời tuyên bố hùng hồn nhất, rằng Trung Quốc chính thức trật đường ray.

Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa 13, thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra một tuyên bố mà giới phân tích thế giới xem như một bước ngoặt mang tính lịch sử đối với tương lai nền kinh tế số hai thế giới, khi ông này tuyên bố mục tiêu tăng trưởng chính thức mà Bắc Kinh đặt ra trong năm 2015 sẽ là 7%. 
 
Nhìn bề ngoài, nó không có gì đáng nói khi mà trong năm 2014 tăng trưởng của Trung Quốc đạt 7,5% và việc đề ra mục tiêu 7% trong năm 2015 vì thế là chuyện dễ hiểu, nhất là khi kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Nhưng trên thực chất, tuyên bố về mục tiêu tăng trưởng của thủ tướng Lý đã thực sự là một quả bom không chỉ với các nhà cải cách kinh tế của Trung Quốc mà còn với chính tương lai của nền kinh tế nước này.
 
Sở dĩ như thế, là vì với việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7%, Bắc Kinh gần như đã khẳng định rằng năm 2015 Trung Quốc vẫn sẽ đi theo cách thức và mô hình tăng trưởng theo kiểu cũ, thay vì chọn một hướng đi mới như nhiều người kỳ vọng. Mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư nhà nước và xuất khẩu hàng hóa được sử dụng trong suốt gần ba thập kỷ qua ở Trung Quốc được đánh giá là đã chạm đến giới hạn, khi kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua là 7,5% trong năm 2014. 
 
Nhiều người đã kỳ vọng rằng đó sẽ là sự cảnh báo để các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tìm một mô hình tăng trưởng mới, bền vững hơn và hiện đại hơn. Nhưng với việc đặt mục tiêu tăng trưởng 7%, Bắc Kinh đã dập tắt tất cả những kỳ vọng ấy và đang lần lữa những đòi hỏi về một cuộc cải tổ toàn diện nền kinh tế bằng cách trì hoãn và níu kéo mô hình tăng trưởng cũ vốn đã đến ngưỡng giới hạn.
 
Vì sao việc Bắc Kinh tuyên bố mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2015 lại đồng nghĩa với việc trì hoãn cải tổ và níu kéo mô hình tăng trưởng cũ? Đơn giản là vì chỉ có mô hình tăng trưởng cũ dựa trên đầu tư nhà nước và xuất khẩu mới có thể giúp Trung Quốc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 7% này, khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang đi chậm lại và chỉ đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2014 thì việc đề ra mục tiêu 7% trong năm 2015 là chuyện có thể tính toán. Một cuộc cải tổ toàn diện nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững mà nhiều chuyên gia tin rằng đang rất cần thiết với kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại có thể sẽ chỉ đem lại một mức tăng trưởng thấp hơn con số 7% rất nhiều. 
 
Các học giả kinh tế đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã gọi đó là chiến lược “lùi một bước để tiến ba bước”, chấp nhận GDP thấp trong năm 2015 và thậm chí là trong vài năm tới để xây dựng nền tảng vững chắc cho nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Nhưng có vẻ như với Bắc Kinh, chỉ số tăng trưởng vẫn đang là bức bình phong quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại thay vì một cuộc cải cách cần thiết nhưng tốn nhiều công sức.
 
Việc chính phủ Trung Quốc tuyên bố mục tiêu tăng trưởng 7%, thậm chí đang là một sự phủ nhận hoàn toàn sự cần thiết của những cải cách kinh tế ở nước này vào thời điểm hiện tại. Điển hình là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và cải thiện thu nhập của tầng lớp trung lưu. Hệ số Gini phản ánh việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đã tăng lên trong một vài năm gần đây, nhưng chênh lệch giàu nghèo ở nền kinh tế số hai thế giới vẫn còn rất lớn, và nó đang cho thấy sự bất lực của chính phủ trong vấn đề này. 
 
Điển hình cho điều này là vấn đề tăng lương cơ bản ở Trung Quốc. Mức lương cơ bản vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với thu nhập của giới trung lưu ở Trung Quốc, nhưng khi mà giá cả hàng hóa trên thị trường đang tăng nhanh thì lương cơ bản của công nhân viên chức Trung Quốc lại tăng chậm hơn nhiều. Năm 2013, Bắc Kinh đưa ra một chiến dịch nỗ lực để cải thiện mức lương cơ bản này với mục tiêu sẽ tăng ít nhất 40%, nhưng rốt cục hầu hết đều vẫn phải giữ nguyên, một số ít các khu vực được tăng thì mức tăng chỉ chưa đến 20%. 
 
Việc không thể tăng lương cơ bản vừa cho thấy sự bất lực của chính phủ Trung Quốc trong việc cải thiện cuộc sống cho công nhân viên chức, vừa là dấu hiệu cho thấy các mục tiêu cải tổ nền kinh tế (mà cải thiện thu nhập tầng lớp trung lưu là một trong số đó) hầu hết đều đang không thành công. Thậm chí, việc đề ra mục tiêu tăng trưởng 7% của Bắc Kinh còn đang tạo nên sự nghi ngờ của người dân Trung Quốc về những lời hứa hẹn về các vấn đề an sinh xã hội như giảm ô nhiễm môi trường hay tăng phúc lợi công cộng như y tế và giáo dục.
 
 Đơn giản là vì để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, gần như sẽ rất ít có những nguồn tài chính dôi dư được đem ra cho các vấn đề an sinh xã hội. Chính phủ Trung Quốc đã phải vật vã dồn hết sức mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2014, và trong bối cảnh kinh tế đi chậm lại hiện nay thì Bắc Kinh gần như sẽ lại một lần nữa phải dốc hết sức mới đạt được mức tăng trưởng 7% đã đề ra.
 

Vì thế, ở thời điểm hiện tại, có thể nói rằng Trung Quốc đã chính thức trì hoãn một cuộc cải tổ kinh tế ít nhất là trong năm 2015 và vẫn tiếp tục dựa dẫm vào mô hình tăng trưởng cũ. Đó là quyền và sự lựa chọn của chính phủ Trung Quốc, khi họ quan tâm đến thành tích tăng trưởng hơn là một nền tảng kinh tế vững chắc và hiện đại. Nhưng đối với thế giới ở thời đại tên lửa hiện nay, đi chệch đường ray cũng đồng nghĩa với việc đi giật lùi.

Theo Nhàn Đàm 

Một Thế giới / Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *