Thời sự 09/02/2014 07:57

Những quan điểm khác nhau về tiền ảo Bitcoin

Những nghi ngờ, tò mò, cùng tranh cãi xung quanh tính hợp pháp cũng như giai thoại về đồng tiền ảo Bitcoin tiếp tục được dư luận và giới chuyên môn đề cập trong năm 2014. Tuy tồn tại nhiều khác biệt xung quanh quan điểm trong cách nhận định về tương lai của Bitcoin, nhưng các nhà giao dịch, kinh tế và xã hội học đều cho rằng, thị trường này cần sự giám sát của chính phủ, nếu không sẽ thể ảnh hưởng tới hệ thống tiền tệ của từng quốc gia, cũng như thế giới.

Quan điểm của một số nước

Đức trở thành quốc gia đầu tiên thừa nhận Bitcoin có chức năng của tiền tệ, còn Canada đã lắp đặt cây ATM giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới. Ngày 20/1, Ngân hàng trung ương Phần Lan tuyên bố, Bitcoin không đáp ứng được tiêu chuẩn của tiền tệ. Singapore đã ban hành những hướng dẫn mới và thực hiện việc đánh thuế trên những lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh Bitcoin. Theo Financial Times, Anh hiện đánh thuế 20% đối với giao dịch mua bán Bitcoin. Sở thuế vụ Mỹ vẫn chưa đưa ra hướng dẫn nào về Bitcoin ngoài việc tuyên bố đang bàn bạc về vấn đề này.

Giới chức châu Âu thường xuyên cảnh báo về các rủi ro có thể gặp phải khi dùng Bitcoin thay cho tiền thật. Trong khi Đức công nhận Bitcoin là tiền tệ (tháng 8-2013) thì Phần Lan, Na Uy chỉ coi là hàng hóa, nhưng Trung Quốc và Thái Lan cấm. Thái Lan trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấm lưu hành Bitcoin, sau khi ngân hàng trung ương nước này xác định đây không phải là một đơn vị tiền tệ.

Không dễ để các chính phủ chấp thuận Bitcoin là một loại tiền tệ hợp pháp

Mặc dù là một trong những thị trường giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới (gần 10 triệu giao dịch trong tháng 11/2013), nhưng người Trung Quốc vẫn không thể mua Bitcoin bởi Bắc Kinh đã cấm các thể chế tài chính thu xếp các giao dịch tài chính bằng Bitcoin.

Được biết, đầu tháng 12/2013, trước "cơn sốt Bitcoin" đang ngày càng lan rộng tại Trung Quốc (sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất Trung Quốc là BTC China có lượng giao dịch trên 10.000 Bitcoin/ngày, tương đương hơn 200 triệu NDT), ngân hàng trung ương nước này cùng một số cơ quan chính phủ đã cấm các ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các loại dịch vụ liên quan đến Bitcoin. Sau quyết định kể trên, giá trị của Bitcoin đã giảm từ 7.000 NDT/Bitcoin xuống còn 4.523 NDT/Bitcoin trong ngày 5/12/2013, khiến tổng giá trị của hơn 12 triệu Bitcoin đang trong lưu thông bị mất hơn 5 tỷ USD.

Nhận định của giới chuyên môn

Theo chiến lược gia trưởng về thị trường tại ConvergEx Nick Colas, một trong những nhà phân tích sớm nhất của Phố Wall nghiên cứu về Bitcoin đã đưa ra những nhận định của mình. Theo đó, tổng giá trị của Bitcoin trên thế giới khoảng 10,8 tỷ USD, kém xa so với 800 tỷ USD của thị trường cổ phiếu Mỹ. Tuy nhiên, Bitcoin đang được những kẻ buôn lậu ma túy và khủng bố sử dụng nhiều khiến cho giá trị của nó đạt 10.000 USD/Bitcoin, lớn hơn nhiều so với mức giá khoảng 800 USD/Bitcoin vào cuối tháng 12/2013. Điều này cho thấy Bitcoin khá biến động. Trong khi đó chuyên gia về ngân hàng Dick Bove lại coi Bitcoin là một "sự thay thế giá rẻ cho các thẻ tín dụng và các hình thức thanh toán khác".

Nhiều chuyên gia cho rằng, Bitcoin sẽ không trở thành một đồng tiền hợp pháp chừng nào đồng tiền ảo này còn biến động mạnh về giá và chưa thực sự an toàn. Do đó, có không ít người gợi ý ngân hàng, hệ thống Paypal hay Apple nên có thiết bị lưu trữ Bitcoin. Việc truy tìm nguồn gốc càng khiến cho Bitcoin hấp dẫn. Các giao dịch bằng Bitcoin hầu như không mất phí và mọi giao dịch đều diễn ra trên mạng 24/24h.

Một số chuyên gia coi Bitcoin là công cụ tài chính được người mua hy vọng sẽ tăng giá trị trong tương lai, như đầu tư chứng khoán. Bitcoin không phải là nơi để cất giữ tài sản như vàng hay bạc, nhưng trong tương lai điều này thật khó nói. Năm 2009, 1 USD đổi được 1.309.03 Bitcoin, nhưng 2 năm sau (2011), Bitcoin đã tăng đột biến. Giá trị của đồng Bitcoin trên thế giới đã tăng từ 150 triệu USD lên 10 tỷ USD trong năm 2013, tạo thêm áp lực cho các nhà quản lý. Bất kỳ ai tiếp cận được mã số của Bitcoin (một dãy các số và chữ) đều có thể lấy và sử dụng.

Cảnh báo từ khẩu hiệu của Bitcoin

Khẩu hiệu của Bitcoin là “Không ngân hàng, không biên giới và chúng ta tin ở phép mã hóa”. Trong hệ thống Bitcoin, một người có thể làm giả tiền nếu năng lực tính toán của anh ta cạnh tranh được với năng lực tính toán của những người còn lại. Giống như Internet, hệ thống Bitcoin và đồng tiền Bitcoin không có biên giới. Giá trị của Bitcoin không phụ thuộc vào nền kinh tế của quốc gia, cũng như hoạt động tài chính của các tổ chức, bởi được quyết định từ lòng tin của thị trường.

Bitcoin ngày càng thông dụng nhưng không có nghĩa là đủ an toàn

Năm 2013, Bitcoin được xếp là 1 trong 10 sự kiện kinh tế và 1 trong 4 sự kiện công nghệ nổi bật nhất tại nước Mỹ. FED từng lưu ý đến "giá trị xã hội tích cực" của Bitcoin, nhưng cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Bitcoin "cùng hội cùng thuyền" với "Ponzi scheme". Giá trị tăng vọt là niềm vui của những người mua Bitcoin, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề và bất ổn giá là một trong những rủi ro đó.

Đầu tháng 11/2013, một Bitcoin tương đương với 215 USD, nhưng sau đó vọt lên hơn 1.000 USD/Bitcoin - tăng tới 400% trong chưa đầy một tháng. Sự tăng giá này đã khiến một số người tin rằng, Bitcoin đang được định giá quá cao và bong bóng đang phồng lên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo trang tin Geek.com, tại Mỹ có một số cơ sở chuyên sản xuất các đồng xu hoặc tiền giấy Bitcoin thật có in giá trị đàng hoàng để bán cho ai muốn sưu tầm, làm kỷ niệm hoặc trao đổi với nhau. Tháng 12/2013, chính phủ Mỹ bắt đầu quản lý dịch vụ sản xuất Bitcoin “thật” sau khi Bộ Tài chính yêu cầu hãng Casascius phải đăng ký giấy phép hoạt động chuyển tiền hoặc chấm dứt dịch vụ này.

Đã có người cảnh báo, Bitcoin có thể là một vụ lừa đảo thế kỷ bởi một số nguyên nhân. Thứ nhất, cơ chế hoạt động của Bitcoin - bất kỳ sự thay đổi nào, khoản giao dịch nào, hay một chính sách nào muốn được áp dụng, đều phải được biểu quyết của toàn bộ cộng đồng những người sử dụng đồng tiền này.

Điều này đồng nghĩa với việc GHash.io sẽ là người đưa ra quyết định bởi họ là nhóm “đào” Bitcoin lớn nhất thế giới và đang kiểm soát 42% hoạt động máy tính tham gia vào mạng lưới Bitcoin. Thứ hai, khả năng cất giữ. “Đào” ra Bitcoin đã khó, nhưng cất trữ còn khó hơn vì trở thành mồi ngon cho tin tặc. Trong năm 2013, giá trị Bitcoin tăng với tốc độ khó tin - từ 13 USD/Bitcoin hồi tháng 1, lên tới 1.216 USD/Bitcoin vào cuối năm, gần bằng giá vàng.

Nhiều người đã ký gửi Bitcoin cho một công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi giữa tiền ảo và tiền thật. Nhưng đây là cách lưu trữ không an toàn vì vi phạm rõ nguyên tắc của Bitcoin: bạn sẽ cần một bên trung gian đứng ra lưu trữ đồng tiền cho mình. Được biết, nhiều nhà đầu tư đang lưu trữ ví chứa Bitcoin trong máy tính hoặc ổ cứng không nối mạng Internet và giới chuyên môn gọi đây là cách “dự trữ lạnh”. Thứ ba, luật pháp không bảo vệ.

Theo Quốc Tuấn - Khắc Dũng

Petrotimes

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *