Quốc tế 30/01/2014 09:59

IMF: Kinh tế sẽ phục hồi mạnh trong năm 2014

FICA - Kinh tế toàn cầu được kỳ vọng tăng 3% trong năm 2013 lên 3,7% trong năm 2014 và 3,9% trong năm 2015, chủ yếu là nhờ kinh tế phục hồi mạnh, mặc dù có sự khác biệt giữa các nước và khu vực trên thế giới.

Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới (WEO), kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ cải thiện sau khi tăng thấp trong năm 2013.

Cụ thể, dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ đạt tăng trung bình 3,7% trong năm 2014 và 3,9% trong năm 2015 sau khi tăng 3% trong năm 2013 vừa rồi.

Trên toàn cầu, các hoạt động kinh tế và giao dịch thương mại bắt đầu tăng tốc từ quí II/2013, điều này được thể hiện trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới do IMF đưa ra hồi tháng 10/2013. Nếu như nhu cầu tiêu dùng mở rộng tại các nước phát triển thì ở các nước mới nổi, xuất khẩu phục hồi đã dẫn dắt các hoạt động kinh tế, mặc dù nhu cầu trong nước nhìn chung còn thấp (ngoại trừ Trung Quốc).

IMF cho rằng, GDP của Mỹ dự kiến sẽ tăng 2,8% trong năm 2014, sau khi đạt mức tăng 1,9% trong năm 2013. Sự tăng tốc này một phần nhờ cắt giảm tài khóa theo thỏa thuận ngân sách gần đây. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng cho thấy, phần lớn các khoản cắt giảm riêng rẽ sẽ được tiến hành vào năm tài khóa 2015. Vì thế, kinh tế năm 2015 có thể chỉ tăng nhẹ so với năm nay.

Khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) đang phục hồi sau suy thoái và dự kiến sẽ có mức tăng GDP 1% trong năm 2014 và nâng lên 1,4% trong năm 2015. Những nước đang phải đối mặt với khó khăn tài chính (gồm, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cộng hòa Síp, Italia và Bồ Đào Nha) có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn hơn. Đối với nhóm quốc gia này, xuất khẩu cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng, trong khi nợ cao và sự phân đoạn tài chính sẽ cản trở nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, nhịp độ tăng trưởng kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2014-2015 sau khi tăng mạnh trong năm 2013. Tuy nhiên, GDP tăng chậm dần do các biện pháp kích thích tài khóa tạm thời sẽ bù đắp phần nào nhu cầu trước tác động tăng thuế tiêu dùng từ đầu năm 2014.

Tại các nước đang phát triển và mới nổi, GDP kỳ vọng tăng 5,1% trong năm 2014 và 5,4% trong năm 2015. Vào cuối năm 2013, GDP Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại nhờ tăng tốc đầu tư song đà tăng này chỉ mang tính ngắn hạn, một phần là do các biện pháp hạn chế tín dụng và tăng chi phí vốn. Do vậy, IMF dự báo rằng, tăng trưởng GDP của quốc gia này sẽ giảm nhẹ xuống 5,5% trong các năm 2014-2015.

Tại Ấn Độ, GDP tăng tốc do thời tiết thuận lợi, xuất khẩu tăng cao, và chính sách cải cách cơ cấu đã thúc đẩy đầu tư.

Cảnh báo bất ổn dòng vốn tại các nước mới nổi

Theo nhận xét của IMF, nhiều nước đang phát triển và mới nổi bắt đầu hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao tại các nước phát triển và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước còn yếu ớt, phản ánh xu hướng thắt chặt tài chính và chính sách từ giữa năm 2013, cũng như bất ổn chính trị và chính sách. Kết quả là, kinh tế Brazil và Nga điều chỉnh giảm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2013.

WEO cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, chủ yếu là do sản lượng dầu mỏ tại Libya phục hồi yếu ớt sau khi ngừng lại vào năm 2013.

Bên cạnh những rủi ro đưa ra trong báo cáo tháng 10/2013, WEO nhấn mạnh những rủi ro mới do lạm phát quá thấp tại các nước phát triển. Trong đó, lạm phát tại eurozone sẽ tiếp tục tăng thấp trong một thời gian. Kỳ vọng lạm phát thấp, lạm phát thực tế có thể sẽ thấp hơn so với dự báo, điều này có thể làm tăng gánh nặng nợ thực tế và tăng lãi suất thực, kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Trong trường hợp các cú sốc đảo ngược, nguy cơ giảm phát có thể tăng.

Đối với các nước mới nổi, IFM cảnh báo, bất ổn dòng vốn và thị trường tài chính tiếp tục là mối lo ngại sau thông báo của Ngân hàng TW Mỹ là bắt đầu cắt giảm qui mô chương trình mua trái phiếu từ đầu năm 2014. Sự chuyển dịch danh mục đầu tư và nhu cầu trong nước yếu ớt có thể làm tăng dòng vốn ra.

WEO lưu ý rằng, kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh, nhưng chưa thoát khỏi khó khăn. Do vậy, vấn đề đảm bảo tăng trưởng bền vững và quản lý rủi ro vẫn là ưu tiên chính sách đối với tất cả các nước. Trên cơ sở đó, WEO khuyến nghị, các nước phát triển, trong đó có Mỹ, không nên vội vàng trong việc rút lui chính sách tiền tệ nới lỏng. Đây là lập trường chính sách thích hợp, do thiếu hụt sản lượng vẫn ở mức cao trong khi lạm phát thấp và cần tiếp tục củng cố tài khóa.

Đối với eurozone, NHTW châu Âu cần tiếp tục xem xét các biện pháp bổ sung; cần điều chỉnh bảng cân đối ngân hàng thông qua đợt kiểm tra đánh giá bảng cân đối tài sản và tái cấp vốn cho những ngân hàng yếu, cần hoàn thiện liên minh ngân hàng bằng cách nhất thể hóa cơ chế giám sát; cần tiếp tục giải quyết khủng hoảng nhằm cải thiện lòng tin, cắt đứt mối quan hệ giữa các quốc gia và ngân hàng.

Còn các nước đang phát triển và mới nổi, cần thận trọng trong việc quản lý rủi ro bắt nguồn từ sự đảo chiều của các dòng vốn, đặt biệt là những nước có nhu cầu trong nước yếu ớt và thâm hụt cán cân vãng lai - WEO khuyến nghị. Theo đó, các quốc gia này cần cho phép phá giá tỉ giá hối đoái nhằm phản ứng với những rối loạn nguồn vốn từ bên ngoài.

 

Bích Diệp

Theo IMF

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *