Quốc tế 12/03/2015 15:44

HSBC: “Phụ nữ châu Á có sở thích giữ tiền mặt”

FICA - Khảo sát “Tương lai hưu trí” của HSBC cho thấy người dân, đặc biệt là phụ nữ, có xu hướng thích giữ tiền mặt. Tuy nhiên, họ có thể không nhận ra rằng giá trị mua hàng của tiền mặt sẽ bị lạm phát ăn mòn theo thời gian.

HSBC vừa công bố kết quả Khảo sát Tương lai hưu trí, trong đó cho thấy, quỹ tiết kiệm của phụ nữ bị ảnh hưởng khi năng lực tiết kiệm giảm đi và khi họ phải thực hiện thêm nhiều bổn phận khác trong cuộc sống.

Khảo sát được thực hiện với 16.000 người tại 15 thị trường trên toàn cầu, khảo sát cho thấy ba trong mười phụ nữ tại châu Á (35%) không có sự chuẩn bị thỏa đáng cho tương lai hưu trí an nhàn. Đây là một vấn đề lớn tại Đài Loan và Hồng Kông với tỉ lệ số phụ nữ không có sự chuẩn bị lần lượt chiếm 64% và 44%.

Tại châu Á, nhiều phụ nữ (42%) cho rằng chi phí sống đang tăng nhanh hơn thu nhập của họ so với một năm trước, tỉ lệ này cao hơn nam giới (36%). Tỷ lệ đồng quan điểm cao nhất là  tại Singapore với 64%, tiếp đến là 57% tại Úc và 49% tại Malaysia. Gần một trong năm phụ nữ tại châu Á (23%) đã ngừng hoặc giảm các khoản đầu tư khi kinh tế đi xuống. Đối với nam, tỷ lệ này là 20%.

Với tuổi thọ trung bình được kỳ vọng là 72,7 năm, phụ nữ sống lâu hơn nam giới khoảng 4,5 năm (1). Tuy nhiên, khảo sát cho thấy có 33% phụ nữ châu Á không thực hiện việc tiết kiệm dành riêng cho hưu trí. Túi tiền hưu trí của phụ nữ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các sự kiện xảy ra trước mắt. Gần một nửa (45%) phụ nữ châu Á nói rằng họ không có sự chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc sống về hưu an nhàn là do họ đang trả nợ vay mua nhà và các khoản nợ khác. Tổng cộng 35% phụ nữ châu Á nói rằng họ đã không bắt đầu tiết kiệm từ sớm trong khi có 34% nói họ không biết mình cần phải tiết kiệm bao nhiêu.

Vineet Vohra, Giám đốc toàn cầu phụ trách phân tích tài sản thuộc Khối quản lý tài sản của HSBC cho rằng: “Tuổi thọ trung bình của phụ nữ được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng khi cách sống ngày càng được cải thiện và y học ngày càng tiến bộ. Để bảo đảm phụ nữ không rơi vào tình trạng bất an, không được bảo vệ sau này, họ nên sớm bắt đầu lập kế hoạch cho việc tiết kiệm hưu trí ngay khi có thu nhập thường xuyên. Đơn giản là hãy bắt đầu tiết kiệm từ sớm và thực hiện một cách đều đặn. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được mục tiêu tài chính và dễ hồi phục sau những hao hụt xảy ra trong cuộc sống.”

Người lao động trên toàn cầu có thể gặp phải khoảng cách thiếu hụt tiết kiệm 7 năm, nghĩa là trung bình trong 18 năm sau khi về hưu, người lao động có thể sẽ sử dụng hết toàn bộ tiền tiết kiệm cho hưu trí và đầu tư (trừ trợ cấp về hưu) chỉ sau 11 năm.

Gần ba phần tư (73%) phụ nữ tại châu Á đang lo ngại họ sẽ không có đủ tiền để duy trì cuộc sống khi về hưu, so với nam giới là 65%. Cứ bốn trong năm (80%) phụ nữ châu Á quan ngại về chi phí chăm sóc sức khoẻ khi về hưu so với 75% nam giới.

Khảo sát cũng cho thấy phụ nữ châu Á tự tin hơn trong việc gửi tiền tiết kiệm. 74% phụ nữ (so với 72% nam giới) cho rằng gửi tiền tiết kiệm là cách tốt để tạo ra thu nhập cho hưu trí. Ngược lại, 63% nam giới (so với 60% phụ nữ) cho rằng đầu tư là những cách tốt để tạo ra thu nhập cho cuộc sống sau này.

Vineet Vohra cho biết thêm: “Nghiên cứu lại kế hoạch tài chính cùng một chuyên gia tư vấn tài sản đáng tin cậy là điều quan trọng nhằm đánh giá xem chúng ta cần bao nhiêu tiền để trang trải chi phí sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe sau này. Ngày nay, khi đang có thêm nhiều phụ nữ đi làm và tự hỗ trợ tài chính cho bản thân cũng như cho nhu cầu giáo dục con cái, họ cần lập và thực hiện các kế hoạch bảo vệ nhằm đảm bảo kế hoạch hưu trí và các nhu cầu tài sản khác sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tình huống bất ngờ trong cuộc sống.

“Một việc cũng khá quan trọng là chúng ta nên có một danh mục đầu tư đa dạng, có sự kết hợp cân bằng các loại tài sản có khả năng tăng trưởng và tạo ra thu nhập, dựa vào mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi người. Khảo sát “Tương lai hưu trí” cho thấy người dân, đặc biệt là phụ nữ, có xu hướng thích giữ tiền mặt. Tuy nhiên, họ có thể không nhận ra rằng giá trị mua hàng của tiền mặt sẽ bị lạm phát ăn mòn theo thời gian. Dùng tiền mặt để đầu tư vào các tài sản có khả năng tăng trưởng hoặc tạo ra thu nhập và phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro và các mục tiêu của cá nhân sẽ giúp tăng trưởng hoặc bảo tồn giá trị thực của tài sản theo thời gian.”

Bích Diệp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *