Quốc tế 26/02/2014 11:18

Hôn nhân là nguồn gốc của bất bình đẳng kinh tế?

FICA - Xu hướng kết hôn với người có dòng dõi gia đình, trình độ học vấn, sở thích tương tự mình phần nào làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập trong xã hội.

Mọi người có xu hướng kết hôn với người có dòng dõi gia đình, trình độ học vấn, sở thích tương tự mình. Một nghiên cứu mới được công bố cách đây bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ - nghiên cứu sử dụng các số liệu điều tra dân số đại trà trong khoảng thời gian 1960 tới 2005 – cho thấy một xu hướng đang ngày càng phổ biến ở Mỹ: những người có trình độ đại học thường sẽ kết hôn với người có cùng trình độ học vấn. Con số này đã tăng 12%.

Nói theo lối hình tượng, hoàng tử không đi tìm kiếm Lọ Lem; thay vào đó, hoàng tử theo đuổi công chúa. Xu hướng tìm kiếm người tương tự để kết  hôn được các nhà kinh tế học gọi là “môn đăng hộ đối tích cực” (positive assertive mating).

Đặt yếu tố lãng mạn hay “tình yêu sét đánh” sang một bên, xu hướng này phần nào làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập trong xã hội. Cùng với sự gia tăng lao động nữ, và phụ nữ có thu nhập cao hơn đáng kể ngày hôm nay với trình độ học vấn của họ, khoảng cách thu nhập giữa các hộ gia đình tốt nghiệp đại học và không tốt nghiệp đại học đã thật sự tạo ra một sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo.

Để kiểm chứng thêm, các nhà nghiên cứu đã làm một điều tra giả thuyết, nếu những người dân Mỹ kết hôn ngẫu nhiên, không quan tâm đến việc tìm kiếm người bạn đời có trình độ học vấn tương tự, bất bình đẳng thu nhập đối với toàn xã hội nói chung sẽ thấp hơn nhiều so với bất bình đẳng hiện nay.

Viện nghiên cứu Brookings ở Thủ đô Washington cũng công bố ngày hôm qua, chênh lệch thu nhập thường đáng kể nhất ở các thành phố lớn, và Atlanta, San Francisco và Miami nằm trong top 3. Các thành phố lớn thường thu hút các công việc lương cao trong các ngành tài chính, công nghệ và giải trí.

Tuy nhiên, các thành phố lớn cũng thu hút một số lượng lớn lao động có kĩ năng thấp. Năm 2012, top 5% những người thu nhập cao ở Atlanta, Georgia có thu nhập hàng năm trung bình là 279.827 $, có nghĩa thu nhập của họ gấp 19 lần so với những người thu nhập thấp, được xếp ở đáy 20% trong cùng thành phố. Tỷ lệ trung bình được ước tính cho toàn ước Mỹ là 9,1 lần.

Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang dần tăng lên và được ước tính là 3.500 $ trong năm 2011. Chỉ số Gini (một phương pháp đo lường phân bổ thu nhập – chỉ số càng cao bất bình đẳng càng cao) đã tăng từ 36,1 lên 37,6 vào năm 2008. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm nước dẫn đầu ở Châu Á Thái Bình Dương, hướng tới trả lương bình đẳng. Thu nhập của nữ giới Việt Nam là khoảng 68% thu nhập của nam giới, cao hơn so với các nước Châu Á khác như Nhật Bản (46%) và Malaysia (47%).

Theo báo cáo năm 2013 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp hạng 73 trên trổng số 165 nước xét về bình đẳng giới; Iceland (Băng Đảo): hạng 1; Philipines: hạng 9; Mỹ: hạng 23; Thái Lan: hạng 59; Trung Quốc: hạng 69; Indoneisa: hạng 95 và Nhật Bản: hạng 105.

Nếu chúng ta không thể ép buộc một nữ bác sĩ kết hôn với một nam tài xế, hay một nam giám đốc kết hôn với một nữ hầu bàn, có lẽ chính sách kinh tế hợp lý duy nhất là tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả các công dân – nam giới và nữ giới, người trẻ và người già, người giàu và người nghèo – tiếp cận bình đẳng với giáo dục. Đây là một chính sách xã hội cần thiết và công bằng lâu dài. Trong ngắn hạn, với thực trạng bất bình đẳng thu nhập cao nhất kể từ năm 1928 ở Mỹ, tăng lương tối thiếu trả theo giờ lên 10,10$/giờ trước năm 2016 là điều mà Tổng Thống Obama đang nỗ lực vận động hành lang với Quốc hội Mỹ.

GS Tùng Bùi

Giám đốc chương trình Việt Nam EMBA - Đại học Hawaii

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *