Quốc tế 15/09/2020 15:37

Hàng loạt máy bay “về hưu non” do Covid-19, thị trường tháo dỡ nhộn nhịp

Những công ty tháo dỡ, buôn bán bộ phận máy bay đang nhìn thấy cơ hội khi nhiều hãng hàng không tăng tốc thải loại phi cơ vì Covid-19. Thị trường bộ phận máy bay đã qua sử dụng cũng trở nên náo nhiệt hơn.

Náo nhiệt thị trường “rã xác” máy bay

Covid-19 khiến nhiều máy bay trên thế giới bị xếp xó và một số được các hãng quyết định cho “về hưu” sớm để tiết kiệm chi phí. Điều này khiến thị trường tháo dỡ, mua bán các bộ phận máy bay bận rộn hơn.

Bãi chứa máy bay Mỹ chật chỗ khi ngành hàng không 'thất nghiệp' |  baotintuc.vn

Ngành hàng không vẫn đang ở trong tình trạng ế ẩm vì đại dịch, bãi đỗ chật kín. Ảnh: Getty

Trong khi các công ty lưu trữ, tháo dỡ và mua bán bộ phận máy bay đã qua sử dụng nhận thấy cơ hội, sự gia tăng đột biến nguồn cung bộ phận đã qua sử dụng có nguy cơ làm giảm giá thành, bất chấp nhu cầu lớn từ các hãng hàng không đang tìm cách giảm chi phí bảo trì.

Đại diện của công ty hàng không vũ trụ thương mại GA Telesis (Mỹ) cho biết đã có 5 hãng hàng không đặt hàng công ty tháo dỡ máy bay. Bên kia biên giới, Aerocycle (Canada) lần đầu tiên đấu thầu mua máy bay mặt đất để tháo dỡ và bán lại các bộ phận, thay vì chỉ tái chế máy bay theo lô như trước từ các hãng vận tải.

Số phận của các máy bay ngưng hoạt động trên thế giới đang được thị trường vật liệu đã qua sử dụng theo dõi chặt chẽ. Chuyên gia tư vấn Oliver Wyman dự báo “làn sóng về nhu cầu” đối với những bộ phận đã qua sử dụng vì các hãng hàng không đang tìm cách giảm chi phí.

Các hãng hàng không tìm kiếm các bộ phận đã qua sử dụng còn dùng được từ những chiếc máy bay đã nghỉ hưu, cho những chiếc máy bay trẻ hơn đang phải bảo dưỡng nhiều. Điều đó cho phép họ tiết kiệm chi phí bảo trì, sửa chữa và theo ước tính của Naveo Consultancy là có quy mô 50 tỷ USD.

Một giám đốc điều hành trong ngành cho biết ông tránh mua các bộ phận máy bay cũ vì sợ giá sẽ sụt giảm nếu quá nhiều máy bay bị tháo dỡ.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy giá giảm nhanh chóng”, giám đốc điều hành giấu tên này nói.

Theo công ty dữ liệu Cirium, số lượng máy bay bị tháo dỡ để lấy các bộ phận hoặc phế liệu có thể tăng gấp đôi, lên 1.000 chiếc mỗi năm cho đến năm 2023, tăng từ khoảng 400 lên 500 chiếc mỗi năm kể từ năm 2016.

Công ty tư vấn hàng không Naveo ước tính chỉ có 60% máy bay chở hành khách và hàng hóa toàn cầu vẫn đang được sử dụng.

“Nghỉ hưu non” tăng vọt

Vào năm 2020, Naveo dự kiến ​​2.000 máy bay sẽ nghỉ hưu, hoặc phải vào bãi đỗ và không quay lại hoạt động, tăng gần 3 lần so với con số 680 vào năm 2019. Song, những máy bay đó sẽ không bị tháo dỡ ngay lập tức vì một số hãng hàng không chờ đợi thị trường khởi sắc, Giám đốc điều hành Naveo Richard Brown cho biết.

Thật vậy, Air Salvage International (Anh), thường tháo dỡ từ 40 đến 50 máy bay mỗi năm, hiện trữ nhiều máy bay cũ mà không có người mua các bộ phận kể từ khi đại dịch bùng phát. Trước đại dịch, máy bay Air Salvage nhận tháo dỡ đều có người đặt mua. Điều này phản ánh nhu cầu lành mạnh đối với các bộ phận được nhiều bên mong muốn như động cơ.

Các hãng hàng không thường tìm bộ phận đã qua sử dụng nhưng còn tốt từ các máy bay đã nghỉ hưu cho các máy bay cần bảo dưỡng nhiều của họ. Điều đó giúp các hãng hàng không tránh phải sửa chữa tốn kém và giữ cho máy bay vẫn tiếp tục hoạt động.

Dự kiến đại dịch khiến số lượng hành khách năm 2020 giảm 55%, khiến các máy bay cũ phải nghỉ hưu sớm. British Airways còn quyết định thải loại cả dòng B747. Một số trong đội bay đó được chuyển đến kho của Air Salvage.

Các hãng hàng không đang tìm kiếm bộ phận của máy bay thân hẹp, vì khoảng 64% loại máy bay này vẫn đang hoạt động ở đường bay nội địa. Ảnh: Reuters

James Benfield, chuyên gia tại Baird Capital, dự kiến nhu cầu về dịch vụ tháo lắp đối với máy bay B737 và A320 một lối đi sẽ tăng lên. Baird Capital đã mua lại một công ty tháo dỡ vào tháng 8.

Trong khi các công ty bảo trì và nhà sản xuất động cơ mới cũng kinh doanh bộ phận đã qua sử dụng, thặng dư phụ tùng có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của họ.

Giám đốc điều hành của General Electric cho biết rằng công ty này “có lợi thế tốt để tham gia” vào xu hướng dùng các bộ phận đã qua sử dụng.

Tuy GE Aviation, công ty con chuyên bộ phận máy bay của General Electric, sản xuất động cơ, công ty này cũng dùng phụ tùng đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, Aerocycle vẫn nhìn thấy cơ hội trong việc “rã xác” máy bay. Công ty tái chế máy bay nhỏ đã thuê một giám đốc phát triển kinh doanh mới họ muốn mua máy bay thải loại, CEO Ron Haber cho biết. “Đó là một rủi ro có tính toán,” Haber nói, “Chúng tôi biết loại máy bay nào sẽ được bay và vẫn có nhu cầu cao”.

Các hãng hàng không đã tránh bán máy bay với mức giá lỗ, bất chấp áp lực từ một số người săn hàng giá rẻ.

Các công ty như International Aircraft Associates (IAA, trụ sở tại Florida, Mỹ) đang theo dõi kỹ phòng trường hợp hãng hàng không và bên cho thuê cắt lỗ vào cuối năm bằng cách rã những máy bay ngưng hoạt động ra bán phụ tùng.

                                                                       Hương Vũ

                                                                      Theo Reuters

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *