Quốc tế 29/11/2014 07:19

Google đối mặt nguy cơ bị "chia đôi" tại châu Âu

FICA - Nghị viện Châu Âu vừa thông qua một “nghị quyết lịch sử” để yêu cầu Google phải tách bộ phận tìm kiếm ra khỏi các bộ phận kinh doanh khác của công ty tại châu Âu. Đây có thể là nghị quyết cho một cuộc điều tra chống độc quyền mới nhằm vào Google.

Trong một cuộc bỏ phiếu chưa có tiền lệ tại Nghị viện Châu Âu, với 384 phiếu thuận, 174 phiếu chống và 56 phiếu trắng, Nghị viện Châu Âu vừa thông qua một nghị quyết yêu cầu Google phải “chia đôi” bộ phận kinh doanh để phù hợp với các đạo luật chống độc quyền khi hoạt động tại châu Âu.
 
Nghị viện Châu Âu chưa bao giờ bỏ phiếu để phá vỡ cấu trúc hoạt động của một công ty trước đây, do vậy đây được xem là một quyết định mang tính lịnh sử. Nghị quyết này muốn buộc Google phải tách rời dịch vụ tìm kiếm của họ ra khỏi các hoạt động kinh doanh khác để đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh.
 
Google được dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn tại châu Âu trong thời gian sắp tới
Google được dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn tại châu Âu trong thời gian sắp tới
 
Những người ủng hộ nghị quyết của Nghị viện châu Âu cho biết họ đang muốn gây áp lực lên Ủy ban Châu Âu để hành động nhanh chóng nhằm chống lại Google, mà họ cho rằng đang lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường tìm kiếm để bóp nghẹt các doanh nghiệp của châu Âu.
 
“Cạnh tranh trên Internet đang thay đổi rất nhiều”, Evelyne Gabhardt, một nhà lập pháp cánh tả thuộc Đảng Dân chủ và Xã hội Đức cho biết. “Nhiều nhà cung cấp và các công ty được người dùng biết đến vì có sự thống trị và chi phối thị trường tìm kiếm”.
 
Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang xem xét việc thay đổi luật cho thị trường công nghệ số và hỗ trợ nhiều hơn các công ty châu Âu trên thị trường này hiện đang bị các công ty Mỹ chi phối và lấn lướt.
 
Nghị quyết mới được thông qua cũng cho thấy những quan ngại của châu Âu với các hãng công nghệ Mỹ, đặc biệt sau những tiết lộ gây sốc của cựu điệp viên CIA Edward Snowden về các chương trình theo dõi và giám sát Internet của chính phủ Mỹ. Bản thân Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng là “nạn nhân” của chương trình này khi điện thoại của bà bị cơ quan tình báo Mỹ nghe lén.
 
Trên thực tế, nghị quyết được đưa ra bởi Nghị viện Châu Âu không có tính ràng buộc và cơ quan này cũng không có quyền yêu cầu một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google, mà quyền hạn này nằm trong tay Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của khối. Tuy nhiên nghị quyết này cũng gửi đi một thông điệp cho Google thấy rằng Nghị viện châu Âu đang không hài lòng với cách thức hoạt động của Google tại khu vực này. Ngoài ra, nghị quyết cũng có thể dẫn đến một cuộc điều tra chống độc quyền mới nhằm vào Google.
 
Trước đó Google đã là mục tiêu của một cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài 4 năm của Ủy ban châu Âu (EC) trước các khiếu nại của Microsoft, Experia, Hiệp hội các nhà xuất bản châu Âu và nhiều doanh nghiệp khác... khi cáo buộc Google đã lợi dụng quyền hạn của mình để gây khó khăn cho họ trên công cụ tìm kiếm của Google.
 
Google cũng đã đưa ra một vài đề nghị nhượng bộ để giải quyết vấn đề nhưng tất cả đã bị từ chối. Nếu các tranh chấp vẫn tiếp tục và Google vẫn bị điều tra thì “gã khổng lồ tìm kiếm” có nguy cơ đối mặt với án phạt lên đến 5 tỷ USD.
 
Hiện Google đang chiếm đến 90% thị phần tìm kiếm tại các nước châu Âu.
 
Một số nghị sĩ Mỹ cũng đã bày tỏ thái độ không hài lòng trước nghị quyết của Nghị viện Châu Âu nhằm vào một công ty tại Mỹ. Nhiều người bày tỏ thái độ “quan ngại lớn” và đề xuất Nghị viện châu Âu xem xét và suy nghĩ lại về nghị quyết vừa được thông qua.
 
“Chúng tôi tin rằng việc thực thi chống độc quyền nên được áp dụng độc lập với chính trị và áp dụng những nguyên tắc quốc tế chung của chúng ta”, Bob Goodlatte, Chủ tịch của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ cho biết sau khi nghị quyết của Nghị viện châu Âu được thông qua.
 
T.Thủy
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *