Quốc tế 01/05/2020 09:28

Giới giàu vẫn nắm giữ cổ phiếu bất chấp khủng hoảng dịch Covid-19

Gần một nửa số nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp giàu có trên thế giới mong muốn duy trì danh mục đầu tư chứng khoán ở mức hiện tại trong 6 tháng tới, ngay cả khi đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Giới giàu vẫn nắm giữ cổ phiếu bất chấp khủng hoảng dịch Covid-19. (Ảnh: minh hoạ)

Theo kết quả cuộc khảo sát toàn cầu hàng quý của ngân hàng Thụy Sĩ UBS vừa công bố cho biết, 47% trong số 4.108 người được hỏi vẫn tiếp tục giữ danh mục đầu tư chứng khoán ở mức hiện tại, trong khi đó 37% cho biết có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu trong 6 tháng tới.

Cuộc khảo sát được UBS thực hiện với các chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên 14 thị trường ngay trong tháng 4 này. Theo đó, 23% cho biết đây thời điểm tốt để mua cổ phiếu. Còn 61% khác thì cho rằng có cơ hội mua vào nếu cổ phiếu giảm tiếp 5-20% nữa.

Chỉ có 46% số người được hỏi lạc quan với triển vọng kinh tế trong ngắn hạn, tương ứng với từng khu vực họ sinh sống, trong khi đó 70% lạc quan với triển vọng kinh tế trong dài hạn.

Số người lạc quan vào triển vọng kinh tế trong ngắn hạn giảm mạnh ở Mỹ, từ mức 68% trong quý 4/2019 xuống còn 30%. Trong khi đó, số người được hỏi ở châu Âu (bao gồm cả Thuỵ Sĩ) vẫn nhiều lạc quan hơn về nền kinh tế trong ngắn hạn, khi mức giảm ít nhất, từ 58% xuống 50%.

“96% các nhà đầu tư trên toàn cầu nói rằng Covid-19 đã ảnh hưởng đến lối sống của họ trên nhiều phương diện, hơn một nửa đề cập đến việc thực hiện giãn cách xã hội, tránh tụ tập nơi đồng người và hạn chế đi du lịch”, ông Paula Polito, Phó chủ tịch bộ phận quản lý tài sản của UBS nói trong buổi công bố báo cáo ngày 30/4.

“Tuy nhiên, họ có những quan điểm khác nhau về thời điểm cuộc khủng hoảng tồi tệ này kết thúc. 1/3 số người cho rằng thời điểm kết thúc cuộc khủng hoảng này là cuối tháng 6, 1/3 nữa dự đoán vào mùa thu và 1/3 còn lại nghĩ rằng phải cuối năm hoặc hơn”, ông nói.

Tính đến chiều 30/4, toàn cầu đã có ít nhất 3,1 triệu người lây nhiễm virus corona và ít nhất 217.000 người chết vì đại dịch này.

Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã triển khai các gói kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có trong nỗ lực củng cố lại nền kinh tế đã bị tổn thương trong đại dịch do các biện pháp đóng băng kéo dài làm ảnh hưởng tới nhu cầu và các hoạt động kinh tế.

Chiều nay, chỉ số Stoxx 600 của châu Âu đã giảm gần 18% trong năm nay, trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm khoảng 11,4% và chỉ số Dow Jones chỉ còn hơn 15,5%.

Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, riêng với các chủ doanh nghiệp, có đến 61% lạc quan với tình hình của doanh nghiệp mình, giảm từ mức 73% so với lần khảo sát trước đó. 27% có kế hoạch thuê thêm nhân sự và chỉ có 17% có kế hoạch thu hẹp hoạt động kinh doanh.

Nhật Linh

Theo Reuters

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *