Quốc tế 12/12/2018 07:29

Giám đốc tài chính Huawei được tại ngoại với 7,4 triệu USD tiền bảo lãnh

Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) đã được một tòa án Canada chấp nhận yêu cầu tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh 10 triệu đôla Canada (7,4 triệu USD). 

Bà Mạnh Vãn Chu (Ảnh: JQK News)

Bà Mạnh Vãn Chu (Ảnh: JQK News)

Theo nhà báo Jason Proctor của trang tin CBC, người trực tiếp có mặt tại phòng xét xử của tòa án Vancouver, Canada, thẩm phán của phiên tòa đã đồng ý cho bà Mạnh tại ngoại với khoản bảo lãnh là 10 triệu đôla Canada (7,4 triệu USD).

Thẩm phán đã đồng thuận với các điều kiện mà nhóm luật sư bào chữa của bà đã đưa ra, bao gồm việc bà Mạnh bị giám sát bằng thiết bị điện tử, ở tại nhà riêng của bà tại Canada từ 23h00 hôm trước tới 6h00 hôm sau, và sẽ có đội ngũ an ninh đi kèm khi bà rời căn hộ. Phía bà Mạnh cũng cam kết sẽ trả chi phí cho đội ngũ an ninh.

Đại diện hãng Huawei cho biết, họ tin rằng hệ thống luật pháp Canada và Mỹ sẽ đưa ra những quyết định công bằng trong giai đoạn xét xử kế tiếp.

Bà Mạnh bị Canada bắt ngày 1/12 ở Vancouver khi đang chờ chuyến bay theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc “âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính”, nghi vấn lách lệnh trừng phạt của Washington áp dụng lên Iran.

Nếu bị dẫn độ về Mỹ và bị tuyên có tội, bà có thể đối diện với mức phạt tù 30 năm. Ngoài giữ chức giám đốc tài chính, bà hiện là phó chủ tịch tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei.

Theo nhà báo Joanna Chiu của trang tin StarVancouver, luật sư bào chữa của bà Mạnh, ông David Martin, trước đó đã giải thích rằng bà Mạnh sẽ không vi phạm lệnh bảo lãnh của tòa án do bà không muốn cha mình, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, hay đất nước Trung Quốc bị “mất mặt”. Ông Martin giải thích về khái niệm uy tín trong văn hóa Trung Quốc với thẩm phán để tăng thêm phần thuyết phục.

Vụ bắt giữ bà Mạnh đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Họ cáo buộc Canada và Mỹ vi phạm nhân quyền. Trung Quốc cũng đồng thời triệu tập đại sứ của Mỹ và Canada tại Bắc Kinh thể hiện quan điểm phản đối và cảnh báo hậu quả nếu 2 bên không thả bà Mạnh. Trước đó, Bắc Kinh nói rằng việc Canada không cho bà Mạnh tại ngoại dù bà có vấn đề về sức khỏe là hành động “vô nhân đạo”.

Tại các phiên xét xử trước, ông Lưu Hiểu Tông, chồng của bà Mạnh và đội ngũ bào chữa của nữ doanh nhân này cho biết họ sẵn sàng nộp bảo lãnh 11 triệu USD bằng hình thức tiền mặt và cổ phần để xin tại ngoại cho bà Mạnh. Luật sư Martin khẳng định bà Mạnh là người “có lòng tự trọng” và sẽ không vi phạm khi được tại ngoại.

Đức Hoàng

Theo Sputnik

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *