Đời Sống 25/02/2014 15:17

Về số phận người Việt tại Ukraina?

Ngay khi bạo lực có dấu hiệu leo thang tại Ukraina, cộng đồng người Việt ở đây đã được khuyến cáo tránh tới những địa điểm không bảo đảm an ninh, an toàn…

Hiện có trên dưới 10 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, công tác, học tập và làm việc tại Ukraina, tập trung ở một số thành phố lớn như Kiev Kharkov, Odessa. Người Việt tập trung đông nhất ở Kharkov (khoảng 5.000 người), phần lớn tham gia vào các hoạt động thương mại và khá thành công.

 

Cộng đồng người Việt ở đây được đánh giá cao về những đóng góp cho nền kinh tế Ukraina, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, năng động và tính tổ chức cao. Họ có cuộc sống rất hòa nhập với người bản xứ, luôn quan tâm và am hiểu sâu sắc đời sống chính trị, văn hóa của địa phương.

 

Cộng đồng người Việt tại Ukraina phần lớn xuất thân là những du học sinh sang Liên Xô vào những năm đầu 1980, sau đó là những người đi xuất khẩu lao động. Khi Liên Xô tan rã, nhiều người không có điều kiện về nước, buộc phải ở lại và tìm cách kiếm sống, lập nghiệp ở xứ người. Trong số này không ít người sau nhiều năm làm việc và tích lũy đã trở nên giàu có. Có người đùa một cách đầy tự hào rằng người Việt ở Kharkov là công dân hạng nhất của Ukraina.

 

Một gian hàng của người Việt ở Kharkov

 

Đến Ukraina, đặc biệt là thành phố Kharkov - “thủ phủ” của người Việt, có lẽ ai cũng được nghe nhắc đến Tập đoàn Technocom. Đây là một doanh nghiệp hàng đầu của người Việt tại Ukraina, tạo công ăn việc làm cho gần 4.000 lao động Ucraina.

 

Được biết, Technocom đã phát triển quy mô, đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất mì ăn liền thương hiệu MIVINA, một nhà máy sản xuất gia vị, một nhà máy in và cả một trung tâm y tế Phương Đông với tổng vốn vài chục triệu USD. Các sản phẩm của Technocom có mặt khắp các siêu thị, chiếm 70 - 80% thị phần ở Ukraina và cả xuất khẩu sang Nga. Mỗi tối cuối tuần Tập đoàn Technocom thường tổ chức lửa trại trong khu nghỉ mát cho công nhân người Việt. Người lớn ca hát, trẻ con vui đùa, nếu không có các nhân viên phục vụ và bảo vệ người bản xứ thì không ai nghĩ rằng đang ở Ukraina.

 

Tại Kharcov có một ngôi làng Việt rộng khoảng 60ha, gồm các căn hộ cao tầng được xây để bán cho cộng đồng người Việt. Làng có tượng Thánh Gióng, có công viên nước và có cả khu massage phục vụ cho cư dân trong làng.

 

Rất dễ gặp người Việt tại Kharkov, đặc biệt là ở các chợ hoặc trung tâm thương mại. Ở chợ Barasonova - một đầu mối bán buôn rất lớn của Kharkov và cả các tỉnh lân cận - hơn phân nửa số quầy hàng do người Việt quản lý.

 

Văn phòng Ban quản lý có hẳn một bộ phận phiên dịch cho người Việt. Ở đấy người mua bán cũng giống như ở chợ An Đông (TP Hồ Chí Minh), nhưng quy mô lớn hơn nhiều. Chợ lúc nào cũng nhộn nhịp, đa phần là bán hàng dệt may, giày dép… của người lớn và trẻ em.

 

Ukraina nói riêng và cả các nước thuộc Liên Xô cũ nói chung không phải là thị trường mới mẻ đối với Việt Nam. Trước đây, thông qua các kênh phân phối của người Việt tại nước sở tại, khá nhiều hàng Việt Nam được nhập khẩu vào Ukraina, mặt hàng cũng phong phú, chủ yếu là hàng dệt may, cao su, giày dép, gạo, đông dược... Chỉ sau khi Liên Xô tan rã, việc mua bán, thanh toán phức tạp hơn khiến cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường này giảm dần đáng kể.

 

Trong những ngày này, tình hình sở tại đang có những diễn biết hết sức phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân cũng như bà con cộng đồng ta. Khó khăn về kinh tế và tâm l‎ý lo sợ về an ninh bất ổn luôn thường trực… Trước tình hình này, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina đã thông báo cho lãnh đạo các tổ chức hội, đoàn và bà con Việt Nam trên toàn lãnh thổ Ukraina hết sức cảnh giác, phòng ngừa những tình huống xấu; bà con hãy tránh xa các điểm nhạy cảm hoặc đang có xung đột; nhắc nhở bà con hạn chế đi lại, di chuyển ra ngoài khi không cần thiết; khi có việc ra ngoài nên đi đông người không nên đi một mình; thậm chí còn khuyến cáo bà con tạm thời bỏ vài buổi chợ, vì hàng hóa có thể không bán được mà lại xảy ra lộn xộn, rắc rối ngoài chợ không cần thiết…

 

Đại sứ quán cũng đã thiết lập đường dây nóng để nếu có sự cố bà con trực tiếp liên hệ với Ban công tác cộng đồng và bộ phận Lãnh sự Đại sứ quán. Theo Đại sứ Nguyễn Minh Trí, Đại sứ quán Việt Nam phải là chỗ dựa vững chắc và là ngôi nhà đáng tin cậy, an toàn của bà con cộng đồng Việt Nam tại Kiev nói riêng và Ucraina nói chung. Theo ông Trí, điều quan trọng và hiệu quả hơn cả là lúc này hơn lúc nào hết, bà con ta phải thể hiện tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Bà con ta phải gắn kết với nhau và với tổ chức hội, đoàn tại cơ sở. Lãnh đạo các tổ chức hội, đoàn thường xuyên liên hệ với Đại sứ quán để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

 

Ngày 21/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina đã thông báo cho lãnh đạo các hội đoàn tại các địa phương đề xuất các biện pháp bảo hộ công dân trong tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Trên cơ sở đó Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán sẽ tổng hợp và lập kế hoạch ứng phó.

 

Về phần mình, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov Trần Đức cho biết mặc dù chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào, nhưng cẩn thận là không thừa. Đặc biệt, bà con cộng đồng nên hạn chế đi lại một mình vào ban đêm và không nên tranh luận về quan điểm chính trị.

 

Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov nhấn mạnh, người dân Ukraina rất đôn hậu và dễ mến, nhưng trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, ở đâu cũng có thể có những người bị kích động tâm lý, gây phản ứng bất thường.

 

Theo Petrotimes

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *