Quốc tế 14/03/2015 07:40

Giá dầu thế giới sẽ đi về đâu?

Giá dầu sau một thời gian dài duy trì ở mức giá 60 USD/thùng đang bắt đầu có dấu hiệu nhích theo chiều hướng đi xuống. Dù không có những cú sốc tụt giá như cách đây ít tháng thì việc giá dầu liên tục giảm đang làm rộ lên nghi ngờ về một cuộc khủng hoảng giá dầu thứ hai.

 Về lý thuyết, những cuộc khủng hoảng thường dẫn đến những sự thay đổi trật tự cơ bản của vấn đề sau khi khủng hoảng chấm dứt, và thị trường dầu thế giới cũng không là ngoại lệ. Vậy tương lai của thị trường dầu thế giới sẽ diễn ra như thế nào, một sự thống trị tuyệt đối của OPEC hay một sự sụp đổ của tổ chức dầu mỏ giàu quyền lực nhất thế giới theo cái cách mà những Cartel trước đó bị xóa sổ.

Được thành lập từ những năm 1960, với thời gian OPEC dần trở thành tổ chức dầu mỏ nắm trong tay quyền lực tối thượng trên thị trường dầu thế giới. Với việc sở hữu 40% lượng dầu đang lưu thông trên toàn bộ thế giới mỗi ngày, OPEC có đủ sức kiểm soát giá cả của mặt hàng này theo ý muốn khi chỉ cần một sự tăng hay giảm sản lượng cũng có thể dẫn tới sự phá sản hay giàu lên nhanh chóng của cả một quốc gia dựa trên sự tăng hay giảm của giá dầu. 
 
Không ai có thể quên cú sốc giá dầu những năm 1970 khi giá dầu đột nhiên tăng vọt gấp 4 lần đã khiến hàng loạt quốc gia lâm vào khó khăn và suy sụp về kinh tế mà Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Khi đó, thiếu hụt nguồn dự trữ dầu và nhu cầu dầu đang tăng cao để đáp ứng tình trạng sản xuất trong nước đã trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự suy sụp của kinh tế Nhật Bản thời gian sau đó.
 
Tuy nắm trong tay quyền lực khổng lồ như vậy, nhưng bản thân OPEC cũng đối mặt với không ít nguy cơ, mà nguy cơ lớn nhất đến từ chính quy mô khổng lồ của nó. Lịch sử các Cartel trước đó đã chỉ ra rằng việc duy trì một tổ chức gồm nhiều nước để thao túng giá hàng hóa là điều tiềm ẩn nhiều nguy cơ không nhỏ. Sự sụp đổ của tổ chức các nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên cách đây hơn 10 năm là một ví dụ điển hình, khi đó nòng cốt của tổ chức là ba nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia vốn là ba nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về mặt hàng này. 
 
Bị hấp dẫn bởi lợi nhuận khổng lồ và nắm phần lớn nguồn cung, ba nước này đã tập trung vào lĩnh vực này một lượng đầu tư quá lớn, và khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra năm 1997 bắt nguồn từ chính Thái Lan thì điều này đã trở thành thảm họa và xóa sổ gần như toàn bộ lĩnh vực sản xuất hái ra tiền ở ba quốc gia Đông Nam Á này.
 
OPEC giờ đây cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Dù trên danh nghĩa OPEC kiểm soát 40% nguồn cung cho thị trường dầu thế giới với mạng lưới thành viên lên tới hơn 10 nước, thì trên thực tế không phải lúc nào OPEC cũng huy động được tối đa mức sản lượng 40% của mình. Đó là do giữa các nước thành viên có quá nhiều sự khác biệt về đặc điểm nền kinh tế và trình độ cũng như sản lượng khai thác. 
 
Cuộc chiến giá dầu diễn ra giữa OPEC - Mỹ - Nga cách đây vài tháng cho thấy chỉ có Arab Saudi và Iraq là hai nước tích cực tham gia vào cuộc đọ sức về giá dầu, hầu hết các nước thành viên OPEC phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình và không thể tham gia cuộc đọ sức hao tổn đó. Libya thì bận bịu với những cuộc xung đột quân sự trong nước, Venezuela thì đứng trước nguy cơ sụp đổ kinh tế, Nigeria cũng trong hoàn cảnh tương tự. Không ít các chuyên gia đã tự hỏi, giả sử các doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ trụ được lâu hơn thì không biết giữa Mỹ và OPEC ai mới là kẻ sụp đổ trước.
 
Việc cuộc cách mạng dầu đá phiến nổ ra ở Mỹ và quyết tâm của Nga về mục tiêu xây dựng một đế chế năng lượng đang dẫn đến một kịch bản trong đó nguồn cung dầu lửa trên thế giới được phân làm ba, trong đó OPEC, Mỹ và Nga lần lượt chiếm một phần. Trong bối cảnh Nga và Mỹ nổi lên như hai kẻ thách thức đầy thực lực, thì việc duy trì thế độc tôn trên thị trường dầu của OPEC trong tương lai gần như là điều không tưởng. 
 
Đó là chưa kể, cũng giống như sự sụp đổ của các ngành công nghiệp khác do những đột phá về công nghệ và dẫn đến việc tìm ra những sản phẩm mới thay thế hoàn toàn các sản phẩm cũ, ngành công nghiệp dầu lửa có thể bị thế chỗ bởi những tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng sạch bất cứ lúc nào.
 
Trên thực tế, cuộc chiến giá dầu lần thứ nhất đã phơi bày tình trạng thật sự của OPEC ở thời điểm hiện tại, khi thủ lĩnh của nó là Arab Saudi đã chứng tỏ nó không thể chi phối các nước thành viên khác về sản lượng khai thác và xuất khẩu. Điều này cũng đến từ việc Saudi không có đủ năng lực tài chính để giúp đỡ các nước thành viên trang trải những khó khăn do một đợt giảm giá dầu kéo dài. 
 
Và khi mà một cuộc chiến giá dầu thứ hai đã ở rất gần trong bối cảnh các doanh nghiệp dầu phiến Mỹ đã đưa ra một chiến lược đột phá để tăng sản lượng khai thác và hạ giá thành trong khi Nga cũng đang tìm cách đẩy lên cao nhất sản lượng khai thác của mình, thì một sự suy yếu của OPEC là không tránh khỏi khi mà thủ lĩnh Arab Saudi của nó đang chìm vào những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột với Nhà nước Hồi giáo IS và cuộc thay đổi quyền lực ở nước láng giềng Yemen.
 
Hãy còn quá sớm để cho rằng OPEC sẽ sụp đổ và tan vỡ sau cuộc chiến giá dầu lần thứ hai, nhưng viễn cảnh về một sự thu hẹp quy mô của tổ chức dầu lửa này là điều đã được cảnh báo trước. Các chuyên gia đang chỉ ra rằng, việc duy trì một tổ chức cồng kềnh và thiếu hiệu quả thực tế như OPEC đang ẩn chứa nhiều nguy cơ đến từ chi phí và cách thức vận hành cũng như các Cartel trước đó như tổ chức xuất khẩu cao su tự nhiên của ba nước Đông Nam Á. 
 
Những nước có sản lượng thấp như Libya hay Nigeria sẽ ngày càng nhận ra rằng họ sẽ không thu được nhiều lợi ích khi ở trong một tổ chức dầu lửa mà sự chênh lệch về sản lượng với các nước chủ chốt như Arab Saudi hay Iraq là quá lớn, khi giá dầu tăng cao thì Saudi và Iraq hưởng phần lớn lợi nhuận, còn khi giá dầu giảm thì Lybia hay Nigeria lãnh đủ.
 
Theo Nhàn Đàm
Một thế giới
Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *