Quốc tế 21/01/2016 15:02

Giá dầu “phá đáy” 13 năm, xuống dưới 27 USD/thùng

Giá dầu trên thị trường Mỹ đã giảm xuống mức dưới 27 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2003. Từ đầu năm 2016 đến nay, giá dầu thế giới đã giảm tổng cộng hơn 25%.

Trang CNBC đưa tin, giá dầu trên thị trường Mỹ đã “phá đáy” xuống dưới 27 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm qua – mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2003. Điều này đã gây ra sự giảm giá về diện rộng trên các thị trường tài chính thế giới vì các nhà đầu tư lo ngại về một tương lai ảm đạm bởi dư thừa nguồn cung dầu có thể tiếp tục kéo dài.


Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003 (Ảnh minh họa)

Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003 (Ảnh minh họa)

Chốt phiên giao dịch hôm qua (20/1), giá dầu tham chiếu giao sau trên thị trường Mỹ giảm 6,71% xuống mức 26,55 USD/thùng – có thời điểm trong ngày giá dầu tụt xuống mức 26,19 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003.

Cùng ngày, giá dầu Brent giảm xuống mức 27,87 USD/thùng. Trước đó, trong ngày có thời điểm giá dầu Brent đã giảm xuống 27,1 USD/thùng.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã giảm hơn 25%, mức giảm sâu nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến các công ty khoan dầu, các quốc gia xuất khẩu và các đơn vị kinh doanh dầu ngày càng khó khăn. Mặc dù vậy, họ vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản lượng, làm trầm trọng hơn tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường.

Dữ liệu mới nhất của Viện Dầu khí Hoa Kỳ công bố hôm 20/1 cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần qua đã cao hơn mức dự kiến 4,6 triệu thùng. Theo đó, tính đến ngày 15/01, dự trữ dầu đã lên mức 485,2 triệu thùng – cao hơn rất nhiều so với mức dự báo trước đó của các nhà phân tích rằng lượng cung dầu sẽ chỉ tăng 2,8 triệu thùng.

Trước tình trạng giá dầu liên tục “lao dốc”, Venezuela đã đề nghị Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm tìm giải pháp đẩy giá dầu, tuy nhiên các thành viên khác của OPEC đã không đồng thuận với đề nghị này.

Một công ty vận tải đường biển ở Trung Đông đã trở thành một trong những đơn vị đầu tiên tái hợp tác với Iran sau khi phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với quốc gia này – điều này cho thấy khả năng nguồn cung dầu sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

“Người Iran đang thực hiện các nỗ lực để giành lại “miếng bánh” thị phần dầu ở châu Âu,” John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, nhận định. Châu Âu không chỉ là một thị trường chủ chốt của Ả rập Xê út và Nga, mà ngay cả Mỹ cũng đang “hăm hở” giành thị phần tại đây, tạo ra một cuộc chiến thị phần.

“Giá dầu thấp dẫn đến việc cắt giảm sản lượng dầu đá phiến nhanh hơn,” Bjarne Schieldrop, trưởng chuyên gia phân tích hàng hóa của SEB tại Oslo nhận định. Mặt khác, trào lưu bán ra trên các thị trường chứng khoán toàn cầu càng làm gia tăng áp lực đối với giá dầu.

Hôm qua, chứng khoán thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2003, và chỉ số chứng khoán toàn cầu đã giảm 9,9% kể từ đầu năm đến nay – mức giảm sâu nhất kể từ năm 2009.

Trong khi đó, kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cảnh báo rằng, các thị trường tài chính toàn cầu có vẻ như đang phản ứng hơi “thái quá” trước tình hình giá dầu giảm và khả năng suy giảm tăng tưởng kinh tế mạnh ở Trung Quốc. Những lo ngại về nhu cầu giảm cũng ảnh hưởng không tốt đến thị trường năng lượng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo hôm Thứ 3, 19/01, rằng thế giới có thể “chìm trong dầu” vào năm 2016 khi Iran đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô, làm trầm trọng hơn tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trên thế giới.

“Những diễn biến này cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục đà giảm sâu. Cần có những tác động để giảm sản lượng dầu,” Hans van Cleef, chuyển gia kinh tế cao cấp về năng lương tại ABN AMRO nhận định.

Nguyên An

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *